Tác giả : Cảnh Thái
Ai cũng muốn mình không phải là kẻ “tiểu nhân”
Vậy cuộc đời sẽ thật tươi đẹp ! Có gì hơn khi ta sống mà không phải lo lắng gì, không phải lo toan vì có kẻ “tiểu nhân” sẽ hại người lương thiện.
Những đêm hôm có việc tiếp khách hay công tác về khuya, cuộc sống về đêm làm ngạc nhiên những kẻ ít lang thang hoặc không có tâm hồn lãng tử. Thế giới về đêm của Sài gòn thật lạ dù tôi đã sống cả đời ở nơi này.
Ánh đèn khuya lung linh, hàng quán nhiều nơi vẫn mở cửa dù quá nửa đêm. Chỉ có biết nơi biết chỗ để vào hay không.
Các vũ trường nhộn nhịp với tiếng nhạc được DJ mở hết công suất và điều tiết thay đổi tiết tấu phải gây ngạc nhiên cho những gã say rượu lơ mơ.
Toilet với người phục vụ mẫn cán đứng hẳn trong nhà vệ sinh chờ khách ra để đưa khăn lau tay với sự đón chờ chút tiền còm từ vị khách béo tốt cho vào một thùng như thùng công đức ở các đình chùa ! Kẻ tiểu nhân kia, sao anh lại làm nghề này ?
Những đêm khuya lặng lẽ, trời trút cơn mưa như hờn giận ai đó, cơn mưa có thể thổi bay mũ nón, áo đi mưa, làm ướt sũng những kẻ vô tình trong cơn giận dữ của đất trời. Ai đó đẩy xe rác vội vàng trên đường, áo xanh vàng phản chiếu ánh đèn, dáng nặng nhọc cố sức đẩy xe về phía trước. Ai chấm điểm công, điềm thưởng cho cơn mưa bất chợt nặng nề này. Một kẻ tiểu nhân không biết chọn nghề phải gánh chịu những thứ mà người đời gọi là rác rưởi hôi thối, kiếm sống bằng sức lực lao công trên suốt các chặng đường đời.
Vỉa hè có nhiều phế nhân, lữ khách không nhà tạm dừng chân an giấc trong cơn gió lạnh trước những thềm nhà lúc lạ lúc quen.
Góc đường tối sáng còn có các bác xe ôm, các cô gái của thế giới về đêm, các bác bảo vệ cơ quan, những người mua gánh bán bưng, các công nhân ca đêm, và tất cả đang thức cùng một đêm và qua nhiều đêm với những người lính trên khắp các nẻo đường biên cương Việt Nam.
Sáng ra, trời quang mây tạnh, thành phố quay lại nhịp sống ban ngày hối hả.
Hối hả … hối hả … như ai cũng biết mình có không tới một trăm năm chờ đợi, trăm năm yêu thương, hy vọng nhưng chưa chắc đã có một vài năm hạnh phúc !
Những chiếc xe máy chen lấn giành nhau từng tấc đường, nửa bánh xe để vượt lên nhanh hơn.
Các va quẹt, đụng chạm xãy ra là chuyện thường tình. Dễ thì lườm nhau một cái, khó thì cự cãi đánh nhau bươu đầu sứt tráng nằm bệnh viện hoặc về chầu trời cũng là chuyện thường.
Kẻ sĩ và các “đại nhân” gặp những lúc khó nhọc, trời nóng nực có khi cũng “phàm phu tục tử” như chơi.
Xe ô tô đời mới trong thành phố không hề thiếu biển xanh biển trắng. Hai cửa tới bốn năm cửa, gầm cao gầm thấp, 6 hay 8 máy, loại nào thế giới có là ta có. Nhập siêu hay lạm phát là chuyện ở rất xa. Tiền của “đại gia” sài vài trăm năm với nếp tiêu tiền hiện tại cũng chưa hết đâu mà lo !
Các VIP ngồi xe xịn, có người thư thái vô ưu nhưng cũng khối người đăm chiêu khó nghĩ, trán nhăn, tóc bạc, đầu hói, khóe mắt hằn dấu chân chim không thẩm mỹ viện nào xóa giúp được.
Các tòa nhà biệt thự mỗi lúc thêm hoành tráng cả về diện tích khuôn viên lẫn qui mô kiến trúc xây dựng và nội thất có thể dễ dàng làm “lay động” lòng người bình dân và dựng cả tóc gáy nếu biết giá tiền của những vật dụng bên trong các ngôi biệt thự này.
Âu cũng là người Sài gòn biết sống, biết dung hòa sự khác biệt, chấp nhận sự phân hóa xã hội tạo nên những đẳng cấp sống rất khác nhau.
Kẻ tiểu nhân đành phải sống phận đời thấp kém về vật chất, tinh thần mà mãi không hiểu tại sao tôi lại khốn khổ thế này.
Đành rằng nghề nghiệp nào cũng lương thiện hay cao quý, nhất nghệ tinh – nhất thân vinh, người đời vẫn gọi tôi, nghĩ về tôi, thương hại cho tôi là kẻ tiểu nhân vì bước đường “cơm áo gạo tiền” đôi khi lòng “tham sân si” của tôi đành trỗi dậy thắng thế, thậm chí tôi sử dụng chút thủ đoạn hẹp hòi để kiếm thêm chút miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình.
Không biết có kẻ tiểu nhân nào may mắn có được đời sung sướng, không phải làm việc khó nhọc hay học hành phấn đấu vất vả mà vẫn lên xe xuống ngựa, công thành danh toại hay không?
15 June 2011
Nguồn : Văn Hoá Nghệ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét