Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Các "bố già” Nga một thời lũng đoạn chính trường

Lời Hành Khất
Nhìn lại lịch sử Nga những năm thập niên 90, suy ngẫm về những gì đất nước chúng ta đang trải qua,....Nước Nga thật may vì còn có một Putin kịp xuất hiện.

Kỳ 1: Mảnh đất màu mỡ cho thế lực ngầm

Có hai cột mốc đáng chú ý trong lịch sử nước Nga đương đại. Thứ nhất: tháng 4-1985 (tổng thống) Mikhail Gorbachev lần đầu tiên nói đến chính sách perestroika (tái cấu trúc) và glasnost (công khai). Hai chủ trương mang tính “cách mạng” này đã dẫn Liên Xô đến sự tan rã. Thứ hai: năm 1994 (thủ tướng) Anatoly Chubais tiến hành chương trình tư hữu hóa.

Sự kiện thứ hai là hậu quả trực tiếp của sự kiện thứ nhất và cả hai sự kiện đưa đến sự ra đời một nhóm tài phiệt, tạo ra cái mà báo chí phương Tây gọi là “mafia đỏ”. Chỉ đến thời Putin, sự lũng đoạn của nhóm oligarch (tập đoàn đầu sỏ chính trị - thuật từ chính trị học thời Hi Lạp cổ đại) mới bắt đầu bị hạn chế...


Mikhail Khodorkovsky vào thời còn chưa trở thành ông trùm tài phiệt có “số má” - Ảnh: Guardian

Thế hệ các bố già Nga ra đời như thế nào?

Nước Nga nói riêng và Liên Xô nói chung bắt đầu thay đổi từ một ngày chủ nhật 10-3-1985, khi vị bác sĩ Kremlin Yevgeny Chazov gọi điện báo Mikhail Gorbachev - thành viên trẻ nhất Bộ chính trị - cho biết Tổng bí thư Liên Xô Konstantin Chernenko vừa từ trần. Trong vòng vài giờ, hàng đoàn xe Limousine đen đậu kín trước Kremlin và phiên họp khẩn đã đưa Gorbachev lên quyền lực. Lúc đó, sáu nhân vật mà sau này trở thành “tập đoàn quyền lực” còn chưa dính dáng đến chính trường.

Tại căn hộ tầng hai ở Matxcơva, một tài xế xe đổ rác tên Alexander Smolensky 30 tuổi đang ngồi trong xó bếp rủa xả số phận. Smolensky trưởng thành trong gia đình không có cha và cuộc đời đầy những nỗi lo cơm áo gạo tiền...

Tại Viện kỹ thuật hóa Mendeleev, Mikhail Khodorkovsky 21 tuổi còn một năm nữa thì tốt nghiệp. Tuy theo ngành hóa nhưng Khodorkovsky bắt đầu thích kinh doanh khi dùng phí đoàn viên để mở một quán cà phê nhỏ trong viện...

Còn ở Viện khoa học kiểm nghiệm, nơi các nhà toán học và lý thuyết học nghiên cứu tên lửa đạn đạo và hạt nhân nguyên tử, Boris Berezovsky 39 tuổi - chuyên gia lý thuyết về tư duy quyết định và có một phòng thí nghiệm riêng - đang mơ mộng về một giải Nobel...

Trên một xa lộ gần phi trường quốc tế Matxcơva, một thanh niên gầy đang đánh taxi lòng vòng kiếm khách. Đó là Vladimir Gusinsky 33 tuổi. Gusinsky rất điên tiết trước thế giới mình đang đối mặt. Mơ tạo dựng sự nghiệp từ sân khấu bởi từng được đào tạo nghề đạo diễn, nghệ sĩ tài năng Gusinsky lại phải kiếm sống bằng nghề lái taxi “chui”...

Còn ở văn phòng thị chính Matxcơva, Yuri Luzhkov 48 tuổi đang chán nản ngồi giữa các viên chức bàn giấy già nua chẳng làm được tích sự gì, trừ việc nhốn nháo vào cuối tháng trong đợt lĩnh lương. Cuối cùng, tại một viện kinh tế ở Leningrad, Anatoly Chubais 30 tuổi - con một người theo Chính Thống giáo từng dạy tại học viện quân sự - cũng đang “ca” bài ca thân phận cuộc đời...

Sáu nhân vật trên không quen biết nhau nhưng đều có điểm chung: tận dụng kẽ hở thời perestroika và glasnost để chiếm quyền lực và tiền tài. Bốn người trong số đó - Smolensky, Khodorkovsky, Berezovsky và Gusinsky - đã trở thành trùm tài phiệt, làm giàu trong bóng tối với những quan hệ chính trị mờ ám và biến Boris Yeltsin thành công cụ của mình. Hai người còn lại - Luzhkov và Chubais - trở thành những chính khách quyền lực. Tại một ”nước Nga mới” thời Mikhail Gorbachev và sau đó là Boris Yeltsin, có quá nhiều khoảng trống - trong hệ thống chính trị lẫn kinh tế - để sáu nhân vật trên lợi dụng.


Kẽ hở trong hệ thống chính trị là nơi trú ẩn lý tưởng cho các bố già

Sau khi thoát nạn từ vụ đảo chính hụt tháng 8-1991, Mikhail Gorbachev tiếp tục ngồi ghế lãnh đạo bốn tháng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng tránh Liên Xô không bị tan rã. Tuy nhiên, cú đấm cuối cùng đã xảy ra vào tháng 12-1991, khi Boris Yeltsin và các nhà lãnh đạo Ukraine cùng Belarus tổ chức cuộc họp tại khu đi săn Belavezhskaya Pushcha và tuyên bố thành lập liên minh đối lập với Gorbachev.

Ba tuần sau, ngày 25-12-1991, cờ Liên Xô được hạ xuống khỏi Kremlin, ngay sau khi Gorbachev tuyên bố từ chức. Vài tháng trước, Yeltsin đã bắt đầu lập một “nội các” riêng với sự tham gia của những bộ não trẻ, trong đó có Yegor Gaidar 32 tuổi, tác giả một số bài phân tích kinh tế từng gây chú ý đăng trên tạp chí cộng sản Kommunist. Yeltsin ủng hộ lý thuyết “big bang” (vụ nổ lớn) của Yegor Gaidar (ám chỉ sự nhảy vụt sang nền kinh tế thị trường tự do như trường hợp Ba Lan sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ).

Nói tóm lại, lý thuyết Yegor Gaidar là một liệu pháp sốc và Yeltsin muốn đảm bảo rằng mình đã hoàn toàn phá hủy nền kinh tế - chính trị thời Liên Xô. Tuy nhiên, nền kinh tế - chính trị Nga thời hậu Liên Xô hoàn toàn chưa chuẩn bị bất cứ gì cho giai đoạn quá độ và liệu pháp sốc cuối cùng đem lại vô số hậu quả bi kịch.

Sau loạt thất bại trong chính sách tư hữu hóa, nhà cải tổ Yegor Gaidar bị đá đít khỏi Kremlin dưới sức ép quốc hội. Để thỏa mãn giới công nghiệp, Boris Yeltsin đưa Viktor Chernomyrdin lên thay. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Yeltsin và quốc hội càng lúc càng nghiêm trọng. Cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về chính sách cải tổ Yeltsin dự kiến tổ chức ngày 25-4-1993. Trước thời điểm này, Anatoly Chubais đã thực hiện chiến dịch tuyệt mật giúp Yeltsin, bằng cuộc gặp kín với nhà tài phiệt George Soros. Một đại diện Chubais - người phương Tây - đã đến Thụy Sĩ dàn xếp việc lập nguồn quỹ cho cuộc vận động hậu trường giúp Yeltsin thoát nguy cơ rớt đài.

Kết quả, chiến dịch đánh bóng trên các phương tiện truyền thông đã giúp Yeltsin “thoát chết” với 58% ý kiến bày tỏ lòng tin và 52% ủng hộ chính sách cải tổ kinh tế. Lúc này nền chính trị và kinh tế Nga đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Chính sách tư hữu hóa bước sang giai đoạn hai. Bất cứ ai có tiền đều có thể mua được gần như bất cứ gì.

Đây là thời điểm mà những Khodorkovsky, Berezovsky, Gusinsky... xuất hiện, trong bối cảnh giá trị hàng hóa - đặc biệt các công ty nhà nước - được bán với giá rẻ mạt. Zil - hãng sản xuất xe tải nổi tiếng với 100.000 công nhân - chỉ có giá vỏn vẹn 16 triệu USD! Giá thị trường của Gorky Automobile Works (còn được gọi là GAZ), nơi sản xuất xe hơi Volga - chỉ 27 triệu USD. Và trong khi công ty Mỹ thường tính giá thị trường 100.000 USD/công nhân, công ty Nga lúc đó chỉ tính 100-500 USD/đầu người.

Đúng là bi kịch!

Kỳ 2: "Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ"

Đó cũng là địa điểm tụ họp của một hội quán đặc biệt. Tháng 9-1994, một nhóm doanh nhân trẻ quy tụ trong một biệt thự tại đồi Chim Sẻ, trong đó có Mikhail Khodorkovsky, Alexander Smolensky, Boris Berezovsky, Vladimir Vinogradov, Vladimir Potanin, Mikhail Friedman, Oleg Boiko và Alexander Yefanov. Tất cả đều đến theo lời mời của Vasily Shakhnovsky, 37 tuổi, một trong những tùy viên hàng đầu của Yuri Luzhkov. Shakhnovsky được lôi kéo vào lớp men chính trị mới tại Matxcơva với cương vị thành viên ban cố vấn Luzhkov.

Luật chơi mới

Từ Tòa thị chính Matxcơva, Shakhnovsky đã chứng kiến làn gió chính trị - kinh tế mới thổi vào Matxcơva. Những biến động như vụ đảo chính Gorbachev vào tháng 8-1991, cuộc "cách mạng" kinh tế của Boris Yeltsin năm 1992 đến cuộc chạm trán tóe lửa giữa Yeltsin và quốc hội tháng 10-1993 đã khiến các doanh nhân phải nghĩ đến một thứ luật chơi thống nhất. Đây là lúc giới tư sản thế hệ mới phải nhận thức họ muốn gì từ chính phủ và để làm được điều này họ cần một sức mạnh tập thể.

Và như vậy, Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ ra đời. Họ thảo ra một luật chơi, lập ra một mô hình nhóm lợi ích, trong đó mỗi thành viên đều thống nhất không dùng tiền hối lộ để trù ếm đối thủ, không dùng phương tiện truyền thông mắng mỏ nhau và phải tạo ra một "đội quân" với mạng tình báo chuyên nghiệp làm công cụ riêng. Trước đó, nhiều cựu viên chức KGB từng được thuê để chôm chỉa tài liệu đối phương cũng như thăm dò chuyển động chính sách trong bộ máy nhà nước. Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ gặp nhau định kỳ thứ năm hằng tuần, khoảng 7g tối, cùng dùng bữa chung và sau đó bàn luận đến nửa đêm. Một trong những lý do nữa khiến Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ ra đời là các tay tài phiệt trẻ đều cần có một nhà bảo trợ chính trị uy tín cực mạnh, trong bối cảnh cuộc chiến thanh trừng đối thủ theo kiểu mafia ngày càng bùng nổ. Vụ Berezovsky bị ám sát hụt là một trong những điển hình.

Trước khi thành viên Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 9-1994, doanh nghiệp Logovaz của Berezovsky là công ty làm ăn thành công nhất làng kinh doanh xe hơi. Không chỉ là đại lý lớn nhất của Zhiguli, Logovaz còn bán Mercedes, Honda, Chevrolet, Chrysler, Volvo và bắt đầu có kế hoạch làm đại lý cho Daewoo. Người ta có thể thấy biển quảng cáo Logovaz khắp Matxcơva. Trong khi đó, thị trường xe hơi đang là sân chơi béo bở của mafia. Tại Matxcơva, có ít nhất ba nhóm mafia kinh doanh xe hơi: hai nhóm Chechnya và nhóm Slavic có tên Solntsevo. Tháng 9-1993, bãi đổ xe của Logovaz bị tấn công ba lần và các phòng triển lãm Logovaz bị phá hoại bằng lựu đạn.

Tiếp đó, mafia quyết định thanh toán Berezovsky. Năm giờ chiều 7-6-1994, Berezovsky bước ra khỏi Câu lạc bộ Logovaz tại đường Novokuznetskaya, vào băng ghế sau của chiếc Mercedes 600. Khi xe chạy ngang một trụ đồng hồ gắn trên phố, quả bom cài trong trụ đồng hồ phát nổ, xé toạc phần trước chiếc Mercedes, làm tung lên không khí hàng ngàn mảnh sắt. Viên tài xế bị văng mất đầu và tay cận vệ (ngồi ghế trước) bị hỏng một mắt. Bảy khách bộ hành bị thương nặng và cửa kính vài ngôi nhà gần đó bị nứt vỡ. Nám khói đen, thân thể đầy máu và run lẩy bẩy, Berezovsky lồm cồm bước ra từ chiếc xe nát.

Vụ ám sát trùm Berezovsky đã làm chấn động Matxcơva, xảy ra trong bối cảnh Matxcơva đang trở thành chiến trường đẫm máu của mafia. Cho đến tháng 6-1994, 52 quả bom đã nổ tại Matxcơva (so với 61 vụ đánh bom trong suốt năm 1993). Berezovsky treo giải thưởng 1 triệu USD cho ai chỉ ra bọn ám sát.

Berezovsky bước vào "câu lạc bộ tổng thống"

Sau cuộc điều trị tại Thụy Sĩ trở về, Berezovsky quyết định mở rộng doanh nghiệp và bắt đầu bước vào lĩnh vực truyền thông. Để bảo đảm hoạt động làm ăn suôn sẻ, nhất thiết phải thâm nhập Kremlin và Berezovsky lập kế hoạch tiếp cận Boris Yeltsin. Trong những phiên họp đầu tiên tại Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ, Berezovsky từng nhiều lần nhấn mạnh sức ảnh hưởng chính trị trong hoạt động kinh doanh. Trong thực tế, Berezovsky đã ấp ủ tham vọng "kẻ tạo ra vua" trong lịch sử cận đại Nga. Cuối cùng, Berezovsky cũng tiếp cận được Yeltsin, qua vai trò "dắt mối" của nhà báo trẻ Valentin Yumashev, người gần gũi Yeltsin thời Perestroika (giữa thập niên 1980) và là tổng biên tập một trong những tuần san nổi tiếng nhất Matxcơva (Ogonyok) mà Berezovsky có lần hỗ trợ tài chính.

Trước đó, Berezovsky quen Yumashev thông qua sự giới thiệu của Pyotr Aven (cha người này là nhà toán học làm việc chung với Berezovsky tại Viện Khoa học kiểm nghiệm). Pyotr Aven cũng từng có mặt trong bộ máy cải tổ của Gaidar. Người đầu tiên chứng kiến vụ vận động diện kiến tổng thống Nga của Berezovsky là cận vệ thân tín Alexander Korzhakov của Yeltsin. Korzhakov cho biết cuộc gặp được thực hiện không lâu sau khi Yumashev hoàn thành quyển tiểu sử thứ hai về Yeltsin. Cuối năm 1993, sau cuộc choảng nhau u đầu mẻ trán giữa Yeltsin và quốc hội, Yumashev hối hả viết quyển tiểu sử trên nhưng chưa tìm được nhà xuất bản có uy tín cho việc in ấn và phát hành. Cuối cùng, Yumashev nghĩ đến tập đoàn truyền thông Berezovsky. Đó là đầu mối của quan hệ Yeltsin - Berezovsky. Kết quả, Berezovsky tài trợ việc ấn hành quyển tiểu sử (nơi chịu trách nhiệm quảng cáo và phát hành là tuần san Ogonyok). Từ đó, Berezovsky trở thành hội viên Câu lạc bộ Tổng thống, nơi quy tụ một nhóm nhỏ thân tín nhất của Boris Yeltsin.

Sau đó, Berezovsky giục Yeltsin hỗ trợ mình thành lập một "kênh truyền hình tổng thống". Tất nhiên Yeltsin không từ chối.

Ngày 29-11-1994, Yeltsin ký sắc lệnh tổng thống (số 2133), ra lệnh tư hữu hóa một phần trong Kênh 1, trở thành đài truyền hình độc lập mang tên Đài truyền hình công cộng Nga (viết tắt ORT theo tiếng Nga). Các cổ đông mới trong ORT gồm vài thành viên kết nghĩa anh em trong Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ (Berezovsky, Khodorkovsky, Friedman, Smolensky...). Cần nói thêm, trong những tháng đầu có mặt trong Kênh 1, Berezovsky đã xung đột gay gắt với giám đốc điều hành Vladislav Listyev. Ngày 1-3-1995, một tháng trước khi chính thức nắm quyền điều hành ORT, Vladislav Listyev bị nã hai phát chết trước cửa nhà. Vụ ám sát Vladislav Listyev làm kinh động nước Nga. Yeltsin lên án "vụ giết người hèn nhát làm mất một nhà báo truyền hình tài năng đẳng cấp thế giới". Chánh công tố Matxcơva bị sa thải và (thị trưởng Matxcơva) Luzhkov bị Yeltsin chỉ trích, tội "nhắm mắt làm ngơ trước cơn dịch mafia trong thành phố".

Tuy nhiên, cuộc điều tra vụ ám sát Vladislav Listyev chẳng đem lại kết quả gì, không ai bị quy kết dính dáng và Berezovsky giành được quyền kiểm soát Kênh 1 (trong đó có ORT)!

Kỳ 3: Khi nhóm lợi ích ra tay!

Khi lập danh sách tỉ phú Nga vào hè 1994, Tổ chức thăm dò Vox Populi đã xếp Gusinsky đứng đầu về tài chính và thứ hai về quyền lực (trong khi Berezovsky chỉ được xếp thứ 17 về tài chính và 13 về quyền lực). Tuy nhiên, Gusinsky không có mặt trong Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ, bởi ông là đối thủ của tất cả thành viên câu lạc bộ này. Đó cũng là lý do mà sau này Gusinsky đã bị một trận "hội đồng" khiến gần như thanh bại danh liệt.

Loại trừ đối thủ!

Sự lớn mạnh "không kiểm soát nổi" của Gusinsky cùng quan hệ "mờ ám" với thị trưởng Luzhkov đã khiến Yeltsin khó chịu. Berezovsky có lần tường trình rằng Gusinsky có lệ gửi phong bì hối lộ vào thứ năm hằng tuần cho nhiều viên chức chính phủ, từ 500 USD đến vài ngàn đôla - tùy mức độ "nhờ cậy". Để trừ khử Gusinsky, Berezovsky đã liên minh với con gái Yeltsin - Tatyana Dyachenko. Trong khi đó chính trường Nga tiếp tục hỗn loạn. Ngày 11-10-1994, kinh tế Nga gần như sụp đổ khi đồng rup mất giá 27%. Một tuần sau, Dmitri Kholodov - phóng viên điều tra của nhật báo Moskovsky Komsomoles, lúc đó đang phanh phui vụ tham nhũng trong quân đội - bị giết chết bởi một quả bom...

Cuối năm 1994, chiến dịch tiêu diệt Gusinsky được bật đèn xanh, dù một cố vấn riêng của Yeltsin nói rằng không có cơ sở cho cuộc động thủ và quy kết Gusinsky. Nhưng sự bực tức của Yeltsin đối với Gusinsky càng tăng khi Đài truyền hình NTV tung ra các bài bình luận tiêu cực về cuộc chiến của Kremlin với lực lượng ly khai Chechnya. Thế rồi, chiến dịch tấn công Gusinsky từng bước được thực hiện. Ngày 19-11-1994, Rossiiskaya Gazeta tung ra bài viết mang tựa Tuyết bắt đầu rơi, mang nội dung quy chụp rằng Gusinsky đang bí mật lập kế hoạch lật đổ Yeltsin và đưa (thị trưởng Matxcơva) Luzhkov lên ghế tổng thống.

Từ vài "nguồn tin không thể tiết lộ", Rossiiskaya Gazeta cho biết thêm Gusinsky cũng là thủ phạm đứng sau vụ gây mất giá đồng rup vào tháng 10. Sáng 2-12-1994, một nhóm mang mặt nạ đen thủ súng tự động bất ngờ xâm nhập tư dinh Gusinsky ở ngoại ô Matxcơva. Sau đó, Gusinsky bị bám sát khắp nơi. Cuộc khủng bố tinh thần thực hiện hằng ngày và vợ Gusinsky sợ đến mức phải trốn ra nước ngoài.

Ngày 18-12-1994, Gusinsky phải sang Anh, náu tại London sáu tháng, nhưng vẫn bị nhận các cú điện thoại hăm dọa. Cuối cùng, "tuyết" ngưng rơi. Gusinsky đầu hàng. Ông không còn công khai đi lại với Luzhkov và phải "nhường" thương vụ Hãng hàng không Aeroflot cho Berezovsky...


Ngân hàng, năng lượng: món mồi béo bở

Thành viên Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ liên tục chiếm lĩnh và dần thống trị nền kinh tế Nga. Ngân hàng Menatep của Mikhail Khodorkovsky hốt bộn bạc từ sự trồi sụt của đồng rup. Đến tháng 9-1995, Khodorkovsky - mới 31 tuổi - đã xây dựng được một vương quốc khổng lồ. Tập đoàn Rosprom của Khodorkovsky kiểm soát 29 công ty liên quan đủ ngành, từ dầu hỏa, hóa chất, chế biến thực phẩm, dệt đến bột giấy... Như Berezovsky, Khodorkovsky cũng tìm cách thâm nhập Kremlin.

Ngay trong năm đầu của chế độ Boris Yeltsin, Khodorkovsky đã làm cố vấn riêng cho Vladimir Lopukhin (bộ trưởng năng lượng và nguyên liệu trong nội các Gaidar). Lopukhin tạo vỏ bọc bằng cách "chế" ra ghế thứ trưởng đặc trách quỹ đầu tư cho Khodorkovsky. Nhờ vậy, Khodorkovsky tiếp cận được nhiều thông tin nội bộ liên quan chính sách khai thác năng lượng của chính phủ mà không người ngoài nào có thể biết được... Nhân vật thứ hai trong Câu lạc bộ đồi Chim Sẻ cũng phất nhanh trong giai đoạn này là Vladimir Potanin. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Matxcơva, Potanin làm việc tại Bộ Mậu dịch nước ngoài và bắt đầu thiết lập doanh nghiệp riêng ngay sau khi Liên Xô tan rã. Tháng 4-1993, Potanin thành lập Ngân hàng Xuất - nhập khẩu thống nhất (Uneximbank) và nhanh chóng trở thành một trong những những ông chủ ngân hàng giàu nhất Nga.

Trong cùng thời gian, giới tài phiệt mới cũng bắt đầu móc nối thành phần tư bản phương Tây. Trong thương vụ mua công ty khổng lồ Norilsk Nickel, Ngân hàng Incombank của Vladimir Vinogradov, Ngân hàng Alfa Bank của Mikhail Friedman và Ngân hàng Rossiisky Kredit của Valery Malkin đã gõ cửa tỉ phú dầu hỏa Mỹ Martin S. Davis xin tài trợ. Tuy nhiên, ba ông chủ ngân hàng trên đã bị Khodorkovsky chơi xỏ. Trước đó không lâu, Khodorkovsky phái đại diện sang Mỹ gặp Martin S. Davis nói rằng việc cho giới doanh nghiệp Nga vay thời điểm đó là điều nguy hiểm. Mục đích của Khodorkovsky là muốn ba ông chủ ngân hàng trên đến vay Ngân hàng Menatep của mình.

Cùng lúc, Khodorkovsky cũng vận động hậu trường để mua Công ty dầu Yukos, khi công nghiệp dầu bắt đầu trở thành mục tiêu số một của giới trùm tư bản mới. Và trong khi Khodorkovsky nhắm vào Yukos, Berezovsky tập trung vào chiến dịch mua Sibneft (công ty dầu lớn thứ sáu tại Nga thời điểm 1995). Như các ông trùm mới nổi khác, Berezovsky cũng không đủ tiền cho thương vụ Sibneft và cuối cùng đến gặp nhà tài phiệt George Soros (lúc đó George Soros được xem là "người hùng vĩ đại", với chiến dịch tung hàng trăm triệu đôla cho công tác "từ thiện"). Tuy nhiên, Berezovsky cũng bị Soros khước từ, khi bày tỏ lo lắng rằng thủ lĩnh đảng Cộng sản Gennady Zyuganov có cơ hội thắng cử tổng thống. Dù vậy, Berezovsky cuối cùng cũng mua được Sibneft với giúp đỡ của Smolensky. Trong phiên đấu giá Sibneft, Berezovsky ra giá cao hơn vỏn vẹn 300.000 USD so với giá khởi điểm 100 triệu USD. Vài năm sau, Sibneft đã trị giá 1 tỉ USD.

Đến cuối năm 1995, các ông trùm Potanin, Khodorkovsky và Berezovsky đã thủ trong tay những chiếc chìa khóa quan trọng nhất của nền công nghiệp Nga. Trong cùng thời gian, không khí chính trị Nga bắt đầu có vài chuyển biến. Đảng Cộng sản đã giành nhiều ghế trong cuộc bầu cử quốc hội và thủ lĩnh Zyuganov chuẩn bị tư thế bước vào cuộc tranh cử tổng thống vào hè năm sau (1996) với nhiều khả năng chiến thắng.

Boris Yeltsin đang lâm nguy. Và các ông trùm tài phiệt chuẩn bị chiến dịch ra tay "cứu chúa"...

"Tất cả thương vụ làm ăn giai đoạn này (thập niên 1980) đều thành công chỉ với điều kiện chúng phải được bảo trợ bởi giới chức cấp cao từ những quan hệ chặt chẽ - Mikhail Khodorkovsky nói huỵch toẹt vào năm 1991 - vấn đề không phải là tiền mà là sự đỡ đầu. Thời điểm đó, anh buộc phải có sự bảo trợ chính trị".

Và cuối cùng thì Khodorkovsky cho thấy mình đã qua mặt và "trên cơ" hơn cả những người bảo trợ ở giai đoạn đầu lập nghiệp. Khodorkovsky tham vọng và tàn bạo hơn chính những đồng chí từng cùng mình chạy đua học đòi chủ nghĩa tư bản, và cũng cho thấy mình có khả năng biến báo và thông minh hơn những ông sếp KGB trước kia từng giúp mình. Tất cả họ đều không thể đi xa hơn Khodorkovsky, khi chen đẩy nhau để bước vào những toa xe đầu tiên chở đến miền đất hấp dẫn của một "tân thế giới" vừa hình thành lúc đó ở Nga.

Kỳ 4: Chính trường rối ren, Putin xuất hiện


Loạn “bố già”, chính trường rối ren

Tất cả họ đều thành công và người thành công nhất là Mikhail Khodorkovsky. Sau khi giành được Công ty dầu Yukos, Khodorkovsky liên tục mở rộng liên kết nước ngoài và trong những năm đầu sự nghiệp ngân hàng (Menatep), Khodorkovsky cũng đã xây mạng tài chính khổng lồ với chi nhánh tại Thụy Sĩ, Gibraltar, Caribê và vô số địa điểm bí mật khác, nơi mà hàng trăm triệu đôla có thể giấu dễ dàng.

Một trong những nơi như vậy là Jurby Lake Ltd, đặt tại thiên đường trốn thuế Isle of Man (thuộc Vương quốc Anh). Trong thực tế, việc lập tài khoản hải ngoại để phân tán tài chính là phương pháp được áp dụng phổ biến tại nước Nga thời ăn xổi ở thì, trong bối cảnh kinh tế bất ổn giai đoạn Boris Yeltsin. Hàng ngàn doanh nghiệp Nga đều làm tương tự. Mỗi tháng, khoảng 2 tỉ USD đã tuồn khỏi nước Nga bằng đủ cách. Trong thập niên 1990, có thể có 100-150 tỉ USD đã bốc hơi khỏi Nga. Chẳng ai có thể ngăn được làn sóng chảy máu tiền tệ khi chính Ngân hàng Trung ương Nga cũng tuồn tiền mặt ra hải ngoại, thông qua một công ty bình phong cực nhỏ tên Công ty Quản lý tài chính (FIMACO) tại Jersey (cũng thuộc Vương quốc Anh). Vụ FIMACO đến nay chưa bao giờ được điều tra tường tận.

Bức tranh kinh tế ảm đạm đã tạo ra một khoảng trống quyền lực chính trị tại Kremlin. Tháng 9-1998, thị trưởng Matxcơva Yuri Luzhkov lần đầu tiên úp mở khả năng tranh cử tổng thống. Phía sau hậu trường, Vladimir Yevtushenkov - sếp nhóm Systema (quy tụ các doanh nhân “có sừng có mỏ” tại Matxcơva) - đã khuyến khích Luzhkov tham gia tranh cử. Yevtushenkov chính là kiến trúc sư ý tưởng thành lập Center TV, kênh truyền hình đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch đánh bóng Luzhkov. Có một tín hiệu nữa cho thấy Luzhkov thật sự nhắm vào ghế tổng thống: cho ra đời đảng Otechestvo (Đất tổ). Trong khi đó, uy tín Boris Yeltsin tiếp tục xuống dốc, cùng tình trạng sức khỏe ngày càng kém.

Các ông trùm, đặc biệt Boris Berezovsky, bắt đầu lo rằng nếu không “tạo vua” thay thế và nếu để Luzhkov tiến vào Kremlin thì thời của họ cũng tàn. Tuy nhiên, không chỉ Luzhkov, một nhân vật nữa cũng đang có vài tính toán lộ liễu cho sự nghiệp chính trị. Người đó là Thủ tướng Yevgeny Primakov. Là một chính khách già nua từ thời Liên Xô, Primakov, sau vài thành công ổn định chính sách tiền tệ, đã công khai chỉ trích sự thao túng chính trường của giới tài phiệt. Kẻ đầu tiên lọt vào tầm ngắm là Berezovsky. Tháng 2-1999, công tố viên và an ninh đã tấn công loạt công ty thuộc sở hữu Berezovsky, trong đó có trụ sở Công ty dầu Sibneft và Hãng hàng không Aeroflot. Tại Sibneft, người ta phát hiện nhiều thùng tài liệu của một công ty nhỏ tên Atoll chuyên lĩnh vực an ninh. Châm thêm dầu, tờ Moskovsky Komsomolets (thân tín Luzhkov) viết rằng Berezovsky đã dùng Atoll để do thám gia đình Yeltsin, trong đó có con gái Yeltsin (Dyachenko)...

Dường như chưa đủ rối, lại xảy ra vụ chánh công tố Yuri Skuratov, lúc đó đang tiến hành chiến dịch điều tra tham nhũng nội bộ Kremlin. Dù được đánh giá là quyết đoán trong hành xử công việc, Skuratov lại có một điểm yếu chết người: ham gái. Skuratov bị gài dính vào một số ả giang hồ, bị quay trộm và những cuộn băng chứng cớ đã được dùng làm công cụ uy hiếp. Vào ngày Công ty dầu Sibneft bị lục soát, Yeltsin đã yêu cầu Skuratov ngưng chiến dịch điều tra. Để gây sức ép, bản sao cuộn băng thậm chí được gửi cho một đài truyền hình.

Cơn gió lạnh đã bắt đầu thổi xào xạc với những tín hiệu chẳng lành vào giữa năm 2003 và trở nên lạnh buốt vào ngày 2-7-2003, khi Platon Lebedev - đối tác làm ăn của Khodorkovsky (từng ngồi ghế CEO Tập đoàn Ngân hàng Menatep) - bị bắt. Vài tuần sau, tay giám đốc an ninh của Tập đoàn Yukos (cựu sĩ quan KGB) cũng bị thộp.

Lúc đó, một tùy viên thân tín đã soạn ra một “toa thuốc” cho Khodorkovsky, trong đó liệt kê những điều nên làm để tránh bị bắt. Một số người thân cận cũng khuyên Khodorkovsky trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, đương sự bỏ ngoài tai vì vẫn tin vào thế lực của mình... Thế rồi đột ngột tinh mơ ngày 25-10, nước Nga thức dậy với bản tin gây rúng động: ông trùm Khodorkovsky vừa bị lực lượng an ninh đặc nhiệm Nga bắt tại phi trường Novosibirsk (Siberia) lúc 5g sáng. (Vanity Fair, 4-2012).
Trong nỗ lực cứu vãn thanh danh, Skuratov bất ngờ ngửa bài khi công bố chi tiết hồ sơ điều tra dang dở. Vụ Skuratov, cuộc đột kích Công ty Berezovsky, sự kiện đồng rup mất giá, vụ tuyên bố tống khứ tài phiệt khỏi Kremlin của Primakov và chiến dịch tranh cử Luzhkov đều xảy ra gần như cùng lúc và đã tạo một không khí hỗn loạn chưa từng có. Ngày 5-4-1999, văn phòng công tố đưa lệnh bắt Berezovsky, tội tư túi trong hoạt động kinh doanh Aeroflot. Cùng lúc, Skuratov dọa tung thêm vài bí mật động trời nữa. Và rồi, tháng 5-1999, Yeltsin bất ngờ sa thải Primakov, thay bằng Sergei Stepashin rồi ngày 10-8-1999, Stepashin cũng bị phế.

Ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Nga là một con người quyết lập lại trật tự: Vladimir Putin...

Thông điệp chấn động của Putin

Sự thịnh nộ của Boris Yeltsin kết thúc bằng một đoạn kết bất ngờ. Đêm 31-12-1999, trên truyền hình, Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và giao ghế tổng thống cho Vladimir Putin. Diễn văn truyền hình Yeltsin đầy những than thở: “Nhiều hi vọng của chúng ta đã không thành hiện thực” và “mong rằng công chúng Nga hãy tha thứ...”. Còn các ông trùm, những đứa con của chính sách tư bản hóa vô chính phủ thời Yeltsin, bắt đầu phải chọn con đường riêng...

Ngay khi tiếp nhận ghế tổng thống, năm 2000 Vladimir Putin đã gửi đến các bố già một thông điệp ngắn gọn: 1/ Các ông trùm tài phiệt kể từ nay không được tham gia và thao túng chính trường; 2/ Họ sẽ không được hưởng quyền bất khả xâm phạm và bất cứ ai cũng có thể bị điều tra; 3/ Thuế má và luật kinh doanh phải được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Và cú ra đòn quyết liệt nhất là ra lệnh bắt giữ Mikhail Khodorkovsky (ngày 25-10-2003) với loạt tội danh liên quan trốn thuế và biển thủ (đương sự bị xử 9 năm tù vào tháng 5-2005; tháng 12-2010, khi vẫn còn trong tù, Khodorkovsky bị xử thêm tội biển thủ và rửa tiền, khiến bản án bị kéo dài thêm đến năm 2017).

Với những người khác thì thế nào? Anatoly Chubais, một trong những kiến trúc sư chính sách kinh tế “big bang”, không còn xuất hiện trên trung tâm khán đài. Phần mình, sau chiến dịch tranh cử tổng thống thất bại, Yuri Luzhkov trở lại ghế thị trưởng Matxcơva nhưng không còn trở thành nhân vật gây sự chú ý của báo chí. Alexander Smolensky biến mất khỏi dòng thời sự. Có một lúc, Smolensky thành lập một ngân hàng nhưng sau đó phải bán lại. Vladimir Gusinsky còn cầm cự được thêm ít lâu. Bán cổ phần còn lại trong NTV cho Gazprom với giá 50 triệu USD, Gusinsky ôm tiền ra nước ngoài và hiện sống ở New York (có cổ phần trong tờ báo Israel Maariv và một kênh truyền hình vệ tinh tiếng Nga hoạt động tại New York).

Cuối cùng, nhân vật nổi nhất, Boris Berezovsky, phải trốn sang Anh (được chính thức hưởng quy chế tỵ nạn chính trị vào tháng 9-2003) và sẽ chẳng bao giờ có khả năng quay lại Nga để lập cỗ máy chính trị lật đổ Putin như từng tuyên bố...

Kỳ 5: “Con đường thâu tóm” của một đại gia

Câu chuyện về con đường “tiến thân” của Mikhail Khodorkovsky đã cho thấy điều đó...

Từ phó bí thư Đoàn đến chủ ngân hàng

Nước Nga thập niên 1980 có một từ thời thượng: khozraschyot - tự quản tài chính - nói về xu hướng các cơ quan ban ngành nhà nước phải vận động tư duy để tự thu chi tài chính. Nói cách khác là tự kiếm sống.

Tháng 6-1986, một năm sau khi Mikhail Gorbachev nắm quyền, Khodorkovsky vừa lấy bằng kỹ sư hóa ở Viện Hóa kỹ thuật Mendeleev, nơi mình giữ ghế phó bí thư Đoàn thanh niên cộng sản (Komsomol). Trong mắt Khodorkovsky, làn gió chuyển đổi đang mang lại nhiều cơ hội. Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Khodorkovsky nhắm đến là Viện Nhiệt độ cao, một trong những trung tâm nghiên cứu chủ lực một thời của Liên Xô. Thành lập thập niên 1960, Viện Nhiệt độ cao phát triển cực nhanh và đến thập niên 1980 đã có 4.000 nhân viên. Người đứng đầu là viện sĩ Alexander Sheindlin.

Một ngày kia, Khodorkovsky cùng nhóm đồng nghiệp đến gõ cửa văn phòng ngài viện trưởng Sheindlin. Thể hiện bằng phong thái nhiệt huyết, nhóm Khodorkovsky nói rằng họ đang ấp ủ một số dự án khoa học và cần được viện tài trợ, từ đó có thể giúp viện thực hiện được kế hoạch tự quản tài chính. Thế là ngài viện sĩ hàn lâm, vốn chỉ quen với đèn sách học thuật và hoàn toàn thiếu hẳn kinh nghiệm cũng như mánh lới lọc lừa của thời kinh tế chuyển đổi, đã bị “thuốc”. Ông đồng ý đưa ra 170.000 rup - số tiền lớn thời điểm đó. Khi được hỏi lại về vụ việc, Sheindlin nói rằng ông hoàn toàn không biết nhóm Khodorkovsky làm gì với khoản tiền trên. Tuy nhiên, Khodorkovsky đã tìm ra được bí quyết “xử lý” các nguồn tiền có được, thậm chí còn nhiều hơn thế. Vụ việc ở Viện Nhiệt độ cao chỉ là một cánh cửa nhỏ...

Sau những màn làm ăn nhỏ lẻ như “đánh hàng xén” ngoại nhập những mặt hàng đại loại rượu Napoleon giả, vodka Thụy Sĩ đến jeans wash, Khodorkovsky bắt đầu len vào nơi mà từ đó giúp mình trở nên giàu sụ và nổi tiếng thế giới. Đó chính là hệ thống ngân hàng.

Thời điểm đó, Gosbank được chia làm năm hệ thống phân cấp (nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, mậu dịch nước ngoài, tiền gửi tiết kiệm, và Zhiltsotsbank - nơi xét cấp vốn cho các chương trình cộng đồng xã hội, chẳng hạn nhà ở). Ngày nọ, Khodorkovsky xuất hiện tại một văn phòng Zhiltsotsbank hỏi vay tiền. Không được! Nhân viên ngân hàng giải thích. Họ chỉ có thể cho doanh nghiệp nhà nước vay mà phải kèm điều kiện doanh nghiệp nọ phải trình một dự án cụ thể được nhà nước đồng ý cấp phép. Có cách gì lách được?

Thế là kịch bản thành lập một ngân hàng thương mại với Zhiltsotsbank là nhà đồng sáng lập đã ra đời. Và “dự án kinh doanh” của ngân hàng thương mại trên là mua bán máy tính. Như thế, Zhiltsotsbank đã có thể sẵn sàng đáp ứng “nhu cầu vay vốn” trong dự án của ngân hàng mới thành lập trên. Dễ thế sao? Vâng, như Khodorkovsky từng nói: “Vấn đề không phải là tiền mà là sự đỡ đầu”. Cuối năm 1988, Ngân hàng Menatep của Khodorkovsky ra đời. Và đến năm 1990, Khodorkovsky đã chính thức trở thành “người” của hệ thống, đánh dấu bằng sự kiện được Gorbachev mời đến Kremlin bàn về công cuộc đổi mới...

Bắt đầu thâu tóm và xâm nhập chính trường

Với công cụ Menatep, Khodorkovsky đã có thể “vắt sữa” nhà nước một cách trực tiếp. Đương sự bắt đầu lùng sục vào các hành lang quyền lực để tìm những nguồn “bảo trợ chính trị” mạnh hơn. Cuối cùng, không biết bằng cách nào, Khodorkovsky trở thành cố vấn của Thủ tướng Ivan Silayev!

Hệ thống kết nối quyền lực đã giúp Menatep nhanh chóng mở rộng hoạt động ra nước ngoài, từ Thụy Sĩ đến Gibraltar, từ Cyprus đến Mỹ. Phải nói là Khodorkovsky có biệt tài trong xây dựng quan hệ. Ngân hàng Menatep có tất cả đường dây vận động hành lang liên kết với hầu hết bộ trưởng cũng như thứ trưởng thuộc các bộ ngành thiết yếu.

Menatep phất nhanh nhờ mạng lưới các chương trình cho vay của chính phủ, từ chi tiêu quốc phòng đến thu mua thực phẩm. Bộ Tài chính Nga là một trong những khách hàng chủ lực của Menatep và các khoản mà nhà nước vay của Menatep chiếm đến hơn ½ hoạt động cho vay của ngân hàng này vào năm 1995! Kỹ thuật “vắt sữa” nhà nước của Khodorkovsky như thế nào? Thông thường, Bộ Tài chính sẽ lập tài khoản ở Menatep rồi chỉ thị họ phân phối nguồn tiền xuống các địa phương. Những gì mà Menatep làm là sẽ “tạm giam” chương trình cho vay và đẩy tiền vào những thương vụ đầu tư sinh lãi cao hơn, kiếm được hàng chục triệu USD bằng chính “nguồn vốn” của chính phủ.

Phất lên cực nhanh nhờ Menatep nhưng Khodorkovsky không muốn cam phận làm ông chủ nhà băng. Đương sự muốn mình phải là một ông trùm công nghiệp. Trong giai đoạn tư nhân hóa ào ạt, Khodorkovsky thu tóm nhiều doanh nghiệp, chỉ bằng... nước bọt, khi cam kết đưa những công ty này thoát khỏi bờ vực phá sản bằng những kế hoạch đầu tư táo bạo của mình.

Tháng 9-1995, Khodorkovsky lập ra một tập đoàn tài chính-công nghiệp tên Rosprom để kiểm soát 29 công ty thuộc các lĩnh vực luyện kim, hóa chất, chế biến thực phẩm, dệt may, bột giấy, giấy in... Và trong đầu Khodorkovsky đã có một kế hoạch tấn công khác. Đó là công nghiệp dầu, nơi đang có sẵn một đường dây “nội tuyến” hữu dụng: Vladimir Lopukhin, bộ trưởng nhiên liệu và năng lượng. Không chỉ thế, bằng cách “có qua có lại”, Khodorkovsky đã được Lopukhin đưa vào bộ với ghế thứ trưởng, đặc trách “quỹ đầu tư” của bộ. Với vị trí này, Khodorkovsky có thể tiếp cận được nhiều nguồn tin nội bộ quan trọng, gần gũi được các “tư lệnh tối cao” trong công nghiệp dầu khí Nga. Chính nhờ như thế mà không lâu sau đó, Khodorkovsky đã có thể đánh bại được tất cả đối thủ trong cuộc chiến giành thầu mua Tập đoàn Dầu khí Yukos.

Khi thông tin đấu thầu mua cổ phần Yukos được thông báo, một liên minh ba ngân hàng đã hăm hở nhảy vào. Đó là Inkombank của Vladimir Vinogradov, Alfa Bank của Mikhail Friedman và Rossiiky Kredit của Valery Malkin. Tuy nhiên, liên minh tay ba trên thật ra không có đủ tiền. Họ cần phải có 350 triệu USD để “dằn cọc”. Lấy đâu bây giờ? Ra nước ngoài!

Một trong những nhà đầu tư mà liên minh tay ba tiếp cận là tỉ phú dầu hỏa Mỹ Martin S. Davis. Những gì mà liên minh tay ba không hề biết là Khodorkovsky đã chơi trên cơ họ bằng một nước cờ độc. Thứ trưởng Khodorkovsky đã bí mật phái một tùy viên sang Mỹ gặp Davis, dọa rằng theo luật Liên bang Nga về đầu tư nước ngoài, Davis sẽ mất trắng không còn một xu nếu dính vào “bọn kia”. Tất nhiên Davis không thể chấp nhận rủi ro với cả trăm triệu USD.

Nhiều năm sau, một viên chức cấp cao của liên minh trên đã nói với nhà báo Mỹ David E. Hoffman rằng: “Khodorkovsky đã mua Yukos bằng chính tiền của Yukos!”. Một khi Bộ Tài chính đã nằm trong tay Khodorkovsky, điều đó cũng chẳng có gì là lạ...

Kỳ cuối : Việc này phải chấm dứt

Vladimir Putin nhìn xuống bàn hội nghị. 30 đại gia tài chính và công nghiệp ngồi quanh. Đó là những gương mặt từng xem trời bằng vung.

“Các vị đã xây dựng đất nước này - Putin với gương mặt lạnh như tiền cố hữu bắt đầu lên tiếng - bằng những cấu trúc chính trị và bán chính trị nằm dưới sự giám sát của các vị. Những hình thái này cần phải chấm dứt, ngay lập tức!”.

Đó là những gì nhà báo John Lloyd (New York Times) thuật lại phiên họp tại Kremlin với các doanh nhân có máu mặt ngay những ngày đầu ngồi ghế tổng thống (nhiệm kỳ 1) của Putin...

Cấu trúc chính trị và bán chính trị mà Putin đề cập là gì? Thử xem mô hình làm ăn của Mikhail Fridman và Pyotr Aven. Hai đại gia này chính là những người sáng lập Tập đoàn Alfa Group, có những mối quan hệ thân thiết với chính khách chóp bu Kremlin. Họ thừa nhận rằng cựu tổng thống Boris Yeltsin đã làm ngơ cho phép các doanh nghiệp “muốn làm gì thì làm”. “Luật lệ này không chính thức. Không bao giờ được viết ra nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu” - Fridman nói với The Moscow Times.

Thời hoàng kim, Fridman từng thuê giang hồ giúp thực hiện các phi vụ bất hợp pháp cũng như hối lộ viên chức cảnh sát từ Nga đến Kazakhstan! Trong khi đó, Pyotr Aven nhúng tay vào những vụ buôn ma túy đến độ nội vụ vỡ lở và cuối cùng bị sa thải khỏi ghế bộ trưởng thương mại... Mô thức “cấu trúc chính trị và bán chính trị” mà Putin đề cập còn thể hiện ở việc Berezovksy từng ngồi ghế phó bí thư Hội đồng an ninh quốc gia, rồi bí thư Tổ chức điều phối Cộng đồng chung các nước độc lập (CIS) và thậm chí được “bầu” vào Hạ viện (Duma) năm 1999. Đó còn là trường hợp tỷ phú công nghiệp luyện kim Oleg Deripaska, người có mối quan hệ với Kremlin thông qua việc cô vợ mình là con gái cựu chánh văn phòng tổng thống Yeltsin mà ông này lại lập gia đình với ái nữ của Yeltsin! Với những quan hệ như vậy, làm thế nào có thể tránh khỏi cái gọi là “nhóm lợi ích”!

Sự tệ hại của các nhóm lợi ích đã thể hiện ở những con số cụ thể, cho thấy “khả năng” tàn phá kinh khủng nền kinh tế Nga như thế nào trong giai đoạn họ kết bè kết đảng để tư túi riêng dẫn đến sự suy kiệt đất nước. Vào những ngày gần chấm dứt “kỷ nguyên Boris Yeltsin” (1999), các thống kê ở Nga như sau: GDP 184,6 tỷ USD - giảm 45% kể từ năm 1991; khoảng 40% dân sống dưới mức nghèo khổ (51 USD/tháng); tỷ lệ lạm phát 86%; tỷ lệ thất nghiệp 11,5%; chi phí quốc phòng giảm 80-85% từ năm 1991-1999...

Thời Yeltsin, Nga vay 40 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như nhiều tổ chức tín dụng quốc tế khác. Gennady Chuffrin, Nguyên phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế kinh tế thế giới (Matxcơva), đã kết luận: “Mục tiêu chính của Yeltsin là phá nát tất cả và đó là điều mà ông ấy làm rất giỏi. Không có giai đoạn nào mà Yeltsin nỗ lực xây dựng bất cứ điều gì. Tất cả đều tuột khỏi tay ông ấy và bị cướp đi bởi bọn trùm doanh nghiệp, bọn lãnh đạo địa phương và các nhóm tội phạm. Nguyên tắc tôn chỉ của kỷ nguyên Yeltsin là hỗn loạn!”.

Năm 2007, Vladimir Putin được tuần báo Time bầu là “nhân vật trong năm”. Một cuộc phỏng vấn dài đã được thực hiện. Vài đoạn trích dưới đây, liên quan cuộc thanh trừng các bố già cùng các nhóm lợi ích từng thao túng và biến nước Nga thành một quốc gia mà công lý trở nên xiêu vẹo và pháp luật chỉ là trò hề. Điều đó cũng cho thấy rằng những sai sót trong hệ thống tưởng chừng bám rễ sâu đến mức không thể chặt phá, nhưng nếu được thực hiện với sự quyết tâm thì chẳng có gì là bất khả hay muộn màng, trong việc đưa đất nước trở lại con đường sáng sủa minh bạch.

- Ông có thể nói về vai trò nhà nước trong việc điều phối hay kiềm chế giới công nghiệp Nga? Đã có vài vụ nổi cộm với chiến dịch bắt giữ và tịch thu các công ty. Tại sao chúng bị thâu tóm và những ông chủ của chúng bị bắt?

- À, anh không thể là kẻ trộm cắp (Putin nhắc một câu trong Kinh thánh, “Thou shalt not steal” - ND). Những vấn đề đó không khó đối với tôi. Chúng khó đối với người dân và với luật. Khi người ta không còn thượng tôn pháp luật; và họ mải mê làm giàu, trong khi hàng chục triệu người Nga khác, cùng lúc, lại mất đi những khoản tiết kiệm ít ỏi để dành cả đời mới có được, thì điều đó sẽ tạo ra sự mất niềm tin và căm hận.

Trọng trách của tôi, như tôi thấy, đầu tiên là khuyến cáo mọi người biết sống theo luật, tuân thủ luật, bất luận độ dày quyển sổ tài khoản của họ như thế nào. Điều thứ hai là phải làm sao cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi có trách nhiệm xã hội hơn, phải đập bỏ bức tường căm hận giữa dân chúng và giới doanh nghiệp. Chúng tôi cần các doanh nghiệp hiểu về trách nhiệm xã hội, rằng nhiệm vụ và mục tiêu chính đối với một doanh nghiệp không phải là hùng hục kiếm tiền để trở nên giàu có rồi chuyển tiền ra nước ngoài, mà phải biết nhìn nhận và đánh giá những gì mà một doanh nhân cần làm cho đất nước, cho người dân. Cuối cùng, chúng tôi phải làm tất cả để đánh bại đói nghèo.

- Có phải thập niên 1990 là một thời điểm của nghịch lý đối với ông? Một mặt, ông nói nó cho ông sự tự do mang sắc màu Gorbachev; mặt khác, trong những phát biểu đó đây, ông lại nói rằng đó là một giai đoạn sụp đổ toàn diện và là bi kịch của sự tan vỡ Liên Xô?

- Tôi chẳng thấy nghịch lý gì ở đây cả. Hệ thống cơ chế hoạch định quản lý nhà nước từng chiếm ưu thế trong đời sống kinh tế (Liên Xô) đã đưa đến hậu quả sụp đổ đất nước. Khi người dân không còn bận tâm về đất nước mà họ sống, không còn cần một nhà nước như thế, thì tất nhiên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên trước việc người dân không còn quan tâm về nhà nước đó. Có lúc họ tự đánh lừa mình bằng cách ráng tin rằng sự việc không thể tồi tệ hơn, nhưng rồi cuối cùng họ cũng biết chẳng tin như thế thì cũng chẳng làm gì được.

Bi kịch ở chỗ người dân đã hoàn toàn bất mãn và vỡ mộng, bởi khái niệm “tự do cho tất cả” đã được tuyên xưng dưới màu áo dân chủ; sự trộm cắp hàng tỷ đôla đã được miêu tả như là “cái phải như thế” của thị trường tự do, và sự bòn rút hàng đống tài sản thuộc về nhân dân đã được tuyên bố như là hình thái của chính sách tư nhân hóa. Trước khi quyết định làm gì, người ta phải tham khảo nhân dân. Anh có muốn sống tách khỏi đất nước mà anh đang sống không? Ấy thế mà nhân dân có bao giờ được hỏi gì đâu. Như thế chẳng phải là một bi kịch sao?...”.

Hơn một thập niên qua, báo chí phương Tây không còn nói đến “mafia đỏ”, không còn đề cập các thương vụ mua bán chính trị trong Kremlin và không còn nói nhiều đến sự bi đát trong đời sống dân chúng Nga. Nước Nga mới của Putin vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhớ lại thời điểm mà mafia chính trị còn thao túng đất nước này, bất cứ người Nga nào cũng rùng mình kinh hãi. Đó là thời mà một khoảng trống trong hệ thống đã bị biến thành một “hố đen” cho tội phạm kinh tế, với sự tác oai tác quái của những bố già cùng những nhóm lợi ích của họ được thắt chặt bằng sợi dây quan hệ chính trị.

Đó không chỉ là bi kịch thương đau đối với nước Nga. Nó còn là bài học đầy giá trị đối với không ít nước khác. Đặc biệt ở những nước có nhiều du học sinh đến Nga và Đông Âu thập niên 1980-1990. Nhiều người trong số họ đã học được cách kiếm tiền, cách buôn lậu, cách thâu tóm của cải và quyền lực chính trị... Và họ đang mơ trở thành những Khodorkovsky, những Berezovsky châu Á.

Theo Tuổi Trẻ

NGỌC TRÍ
(Nguồn: The Oligarchs - Wealth and power in the new Russia, David E. Hoffman, NXB PublicAffairs)

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Bình tĩnh?

Đôi lời,
Nhìn tình cảnh đất nước hiện nay bị những kẻ dã tâm phương Bắc đe dọa, hà hiếp và những phản ứng của chúng ta, trong tôi là một nổi bức súc và đớn đau. Không phải vì kẻ thù mà bởi chúng ta thái độ của giai cấp cầm quyền! Tôi cố dặn mình phải "Bình tĩnh" : Hy vọng trong rất nhiều người cầm quyền "nhu nhược" sẻ có những người chính nhân, trong số những nhà báo - kẻ cầm bút làm bồi còn có những người biết viết vì quặn thắt với nổi đau

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chứng lý rõ ràng. Nhưng kẻ cướp thì cần gì chứng lý.

Lịch sử giúp ta hiểu nhiều điều, hiểu kẻ thù, hiểu chính mình. Lẽ ra chúng ta phải nổ lực, nổ lực không ngừng để không có kẻ xấu nào dám hà hiếp, chứ không phải để đất nước sa vào tăm tối triền miên, đó phải là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước. Nhưng buồn thay, mục tiêu cao cả đó nó không tồn tại hay nằm đâu đó phía sau những ham muốn cá nhân thấp hèn.