Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

GS.TS Trương Nguyện Thành

(Dân trí) - Vượt qua hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha bệnh tật, từng làm đủ việc kiếm sống để giờ đây ông trở thành Giáo sư Đại học Utah (Mỹ).
Mặc dù, đã giành được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, nhưng đối với Giáo sư - Tiến sĩ Trương Nguyện Thành thì không gì vui sướng hơn khi được dốc sức cho công việc chuyên môn và đóng góp cho quê hương.

GS Trương Nguyện Thành
Cậu học trò làm thuê

Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Quy Nhơn, Bình Định, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em. Tuổi thơ, cậu bé Thành sống trong sự nuôi dạy của ông nội trong ngôi nhà ngói đỏ, giữa vườn dừa, cách sông Lại Giang chừng nửa cây số, nơi chứa rất nhiều kỷ niệm đẹp và ảnh hưởng đến thế giới quan của ông sau này.

Năm 10 tuổi, Trương Nguyện Thành rời Bình Định theo ba mẹ vào Gò Vấp, Sài Gòn. Thật không may, ba Thành lâm bệnh, bị bán thân bất toại vì nhồi máu cơ tim. Ngày ấy, cuộc sống của gia đình suy sụp nhanh chóng do ba ông là người nuôi cả gia đình. Vì vậy, tuy mới 11 tuổi nhưng cậu bé Thành đã biết hằng ngày ra đứng ở chợ Gò Vấp, cạnh bến xe lam, để bán thuốc lá phụ mẹ nuôi sống gia đình và chăm sóc thuốc thang cho người cha bệnh tật. Đến năm 16 tuổi, gia đình Trương Nguyện Thành chuyển về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương). Khi ấy, Thành đã đứng ra tự cất ngôi nhà bằng đất trộn rơm để mấy anh em có chỗ che mưa nắng, rồi mua một miếng ruộng nhỏ và hai con trâu con, bắt đầu tập cày để đi cày mướn, nuôi sáu người em. Từ đó, chẳng có việc gì thuộc về nghề nông từ chăn trâu, cày, bừa, rồi cắt, gặt, đập lúa hay trồng khoai, bắt cá... mà ông không làm được

“Cú huých” từ người thầy

Do bận cày thuê, Thành là cậu học sinh "biếng học" trong lớp. Tuy nhiên, có người nhìn ra khả năng của cậu. Đó là ông giáo Đỗ, thầy dạy Toán của Thành ở Trường Trung học Lái Thiêu. Năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các trò giỏi trong lớp không ai giải được. Lúc ấy, cậu học sinh Trương Nguyện Thành mới giơ tay xin phát biểu: "Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?". Và cậu "trò dở" ấy đã làm thầy phải ngạc nhiên vì óc tư duy logic và khả năng Toán học tốt của mình. Sau đó, thầy gặp riêng Thành và hỏi: "Em thông minh, nhưng sao không cố gắng học?". "Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm, em cũng không có tiền mua sách vở", cậu học sinh nghèo đáp. Nghe vậy, thầy Đỗ không nói gì, nhưng hôm sau, thầy mang sách vở đến cho Thành mượn và bảo: "Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi".

"Cảm động vì tấm lòng của thầy và không muốn phụ lòng thầy, nên tôi cố gắng đọc qua. Kết quả là tôi đậu vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh. Từ đó, tôi tự tin hẳn và bắt đầu ham học. Buổi tối, dù mệt mỏi vì ngày phải đi làm thuê, nhưng tôi vẫn cố thắp đèn dầu lên học. Con đường học vấn của tôi chuyển sang một bước mới...", nhớ lại những ngày ấy, Giáo sư Trương Nguyện Thành bồi hồi cảm động nhắc đến người thầy đã hướng anh đi theo con đường của tri thức.

Chàng sinh viên độc đáo

Năm 18 tuổi, Thành sang Mỹ học đại học. Đang học năm thứ 2, Trương Nguyện Thành đến gặp thầy Mark Gordon, Giáo sư của Đại học North Dakota, và hỏi: "Nghiên cứu khoa học có khó không, thưa thầy? Có phải chỉ những người có bằng đại học và đang học cao học mới nghiên cứu được?". Thấy nhiệt huyết của chàng sinh viên trẻ người Việt, thầy Mark Gordon không muốn làm anh thất vọng, nên trả lời: "Nghiên cứu tuy khó nhưng có những vấn đề sinh viên đại học cũng có thể làm được". Thế là Thành nắm lấy cơ hội và mạnh dạn hỏi: "Thứ hai tuần sau, em đến làm cho thầy được không?". Bị đặt vào tình thế không thể từ chối, Giáo sư Mark Gordon đành nhận lời một cách "bất đắc dĩ", và Trương Nguyện Thành bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm đại học thứ 2 - một điều hiếm, ngay với sinh viên Mỹ.

Tuy ban đầu chưa được Giáo sư Mark Gordon mấy tin tưởng, nhưng chẳng bao lâu sau Trương Nguyện Thành đã chinh phục hoàn toàn người thầy của mình. Khi ra trường, anh đã có bốn bài báo khoa học được in trên những tạp chí quốc tế uy tín, và đủ tài liệu để xuất bản thêm hai bài nữa sau khi vào cao học, tài liệu nghiên cứu đủ để viết một đồ án Tiến sĩ ở Mỹ.

Vị Giáo sư Tiến sĩ uy tín của Đại học Utah

Năm 1985, Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, anh còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Nhận thấy tài năng của người học trò yêu, Giáo sư Mark Gordor lại khuyên Thành học tiếp và giới thiệu anh với những người bạn của mình là những giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực hóa học. Trương Nguyện Thành lại được học tập với những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Donald Truhlar, Giáo sư Andrew McCammon. Năm 1990, anh lấy bằng Tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Anh học tiếp sau Tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, Đại học Utah mời anh về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Năm 1993, Giáo sư Thành lại đoạt giải là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Giải thưởng 500.000USD được anh dùng cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, Trương Nguyện Thành được phong Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Từ 1992 đến nay, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có hơn 160 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Phát triển ngành khoa học mới mẻ cho quê hương

Gặt hái liên tục những thành công trên đất Mỹ, nhưng mong muốn đóng góp chất xám cho quê hương luôn là sự thôi thúc trong lòng nhà trí thức người Việt này. Nhận thấy trong nước còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội, anh đã dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. Những năm gần đây, bên cạnh việc giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Utah, Giáo sư Trương Nguyện Thành còn nhiều lần về giảng dạy đại học tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Giáo sư Thành được Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh khi đó là Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh.

“Phân thân” giữa 2 bờ đại dương

Giáo sư Thành thường làm việc online về đêm để điều hành công việc từ xa. Ngoài công việc ban ngày tại khoa Hoá của Đại học Utah, hằng tuần, các cuộc họp giữa Viện trưởng ở Mỹ với các nhân viên ở Việt Nam và các trưởng phòng thí nghiệm ở Canada, Australia, Ba Lan và Mỹ đều được thực hiện qua Internet. Một năm,Viện trưởng chỉ về nước làm việc vài lần để trực tiếp giải quyết một số vấn đề thực sự cần thiết.

Trong vai trò đồng Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM, Giáo sư Trương Nguyện Thành cho biết, mục tiêu hàng đầu của Viện là xây dựng một môi trường nghiên cứu hiện đại với phong cách làm việc như các nước tiên tiến. Viện sẽ là nơi thu hút, tập họp và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tính toán có trình độ quốc tế để đưa khoa học và công nghệ tính toán vào trong các ngành khoa học kỹ thuật khác, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy gia tăng phát triển nền kinh tế tri thức.

“Đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến”

Theo Viện trưởng Trương Nguyện Thành, từ nay đến năm 2013, Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh sẽ liên kết với các cơ sở trong nước và quốc tế để phát triển các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; tổ chức ngày hội việc làm và hội thảo khoa học. Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ trở thành một tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tính toán có uy tín ở châu Á.

Nhận xét về thế hệ sinh viên ngày nay, Giáo sư Thành tin tưởng rằng: "Sinh viên Việt Nam có triển vọng tốt, nếu có cơ hội. Việt Nam cần tạo môi trường để họ có thể phát huy sau khi tốt nghiệp". Anh cũng khuyên, để có được thành công các bạn trẻ cần "không bao giờ bỏ cuộc, dù chỉ là một việc nhỏ. Theo tôi, thành công hay không của mỗi người nằm ở ba điều kiện: cơ hội, sự quyết tâm và khả năng. Khả năng không quan trọng bằng quyết tâm. Và cũng phải biết kiên trì chuẩn bị để khi cơ hội đến thì có đủ khả năng bắt lấy, chứ đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến".

Vũ Anh Tuấn
Theochem.utah.edu và báo chí trong nước

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Tiên Lãng - Đạo của người làm quan?


Vụ lùm sùm ở Tiên Lãng đã khiến dư luận cả nước và thế giới quan tâm. Tôi không biết gọi tên cho chính xác vụ án là gì. Cưỡng chế ? Chống người thi hành công vụ? Giết người? Hay cưỡng đoạt? cướp bóc?Đàn áp,...? Thôi thì chờ cơ quan 'Bộ" điều tra vậy.

Tạm chưa nói đến tiêu cực có thể có đằng sau việc làm của chính quyền địa phương nhưng có thể khẳng định rằng dù mục đích nào đi nữa thì đây là một thất bại quá lớn đối với các quan này.Cho đến hôm nay, ngày 08/02/2012 đã có 06 người ở tù, 02 quan bay chức, 02 gia đình vương cảnh màng trời chiếu đất, 06 sáu cán bộ công vụ bị thương,....Và quan trọng hơn là lòng tin người dân vào giai cấp đang đặt một dấu hỏi lớn.
Vụ việc vừa qua như lột tả lên bộ mặt của những quan Hải Phòng điều gì. Đâu rồi cái đạo làm quan? Hãy xem bài viết sau trên báo Người Lao Động Online

"Bó tay" với phát ngôn của quan chức Tiên Lãng - Hải Phòng!

Thứ Ba, 07/02/2012 19:35
(NLĐO) – Ai đã san phẳng căn nhà 2 tầng của gia đình ông Đoàn Văn Quý? Dư luận đã chờ câu trả lời của các cấp lãnh đạo Hải Phòng nhưng đổi lại chỉ là những phát biểu né tránh, quanh quẩn. Có đến hàng ngàn ý kiến bạn đọc gởi về Người Lao Động Online, cấp độ bức xúc cứ sôi lên từng ngày.
Tính ra, ngôi nhà gạch 2 tầng của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị san phẳng sau vụ cưỡng chế đất đầm đã được hơn 1 tháng. Trong thời gian đó, đồng loạt các quan chức ở Hải Phòng từ huyện đến tỉnh đều lên tiếng giải thích, lúc thì do đối tượng chống lực lượng chức năng cố thủ trong căn nhà nên đoàn cưỡng chế phá bỏ, lúc thì dân bức xúc phá nhà, lúc thì không biết ai phá...

Theo dõi vụ việc, ai cũng có cảm giác các “quan” ở Hải Phòng càng nói càng rối, càng nói càng thể hiện sự bảo thủ, cục bộ trong cách giải quyết vấn đề và né tránh trách nhiệm trước dân, trước dư luận.


"Bó tay" với ông Thoại!

Nhiều bạn đọc lắc đầu với phát biểu của ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng


Khi vụ cưỡng chế quá tay bị phanh phui, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - thừa nhận: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế nhưng đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà”.

Khi báo chí phân tích việc làm này hoàn toàn sai thì mấy ngày sau, ông Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại “đổ”: “Dân bức xúc phá nhà ông Vươn”!

Tưởng đổ cho “dân” một cách chung chung, không cụ thể thì dễ, ai ngờ ngay sau đó, dư luận cả nước như sôi lên với cái kiểu đổ thừa chẳng đáng mặt quan chức này.

Bạn Nhat Minh vặn: “Hai từ "nhân dân" đâu thể dễ dàng bị xúc phạm như vậy. Nếu nói dân đập phá nhà ông Vươn mà không có bằng chứng hoặc không điều tra ra được thì có lẽ ông phải bị buộc tội vu khống?".

Cán bộ từ xã Vinh Quang đến TP Hải Phòng chưa có văn hóa chịu trách nhiệm với việc làm và lời nói của mình. Các ông nên học cách dám nói, dám làm và dám chịu trước việc làm và lời nói của mình. Các ông không nên nói một đường, làm một nẻo, phát ngôn trước sau bất nhất. Với sự tồn tại những "công bộc" như các ông thì người dân khổ lắm. (Trương Ban Mê)


Gay gắt hơn, bạn Lâm anh Minh nói thẳng: “Dân là chủ chứ không phải sọt rác, mà cái nào khó xơi thì đổ vấy cho dân vậy hả ông Thoại?”.


Để xác minh lời nói của ông Thoại, hai ngày sau, ngày 19-1, đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã về làm việc với MTTQ huyện Tiên Lãng, chính quyền xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang. Qua đó, kết luận chẳng có người dân nào phá nhà ông Vươn.

Bị “bắt giò” , ông Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đính chính: “Việc một số đối tượng người dân phá hủy ngôi nhà là do UBND huyện Tiên Lãng báo cáo lên chứ không phải là phát ngôn của UBND TP Hải Phòng, cũng như cá nhân tôi ”.

Cú phản hồi kiểu “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” này làm dư luận chỉ biết há hốc mồm kêu trời “bó tay” và chỉ còn biết hỏi kháy: “Đã là phó chủ tịch UBND TP mà sao ông phát biểu trái ngược như thế được? Muốn phát ngôn thì trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần. Ông nói như vậy ông không thấy ngượng miệng à?” (Hồ Định).

“Ông phát biểu trước báo giới mà bây giờ chối, lại còn đổ thừa cho cấp dưới. Nếu cấp dưới báo cáo lên với sự việc quan trọng này (phá hủy nơi cư ngụ của công dân) thì hỏi sao không xác minh trước khi trả lời với báo chí?” (hioa vinh mt).

"Sôi máu" với ông Khánh

Ông Ngô Ngọc Khánh khiến nhiều bạn đọc "sôi máu" vì kiểu trả lời phỏng vấn "cố đấm ăn xôi"


So với các quan chức khác của Hải Phòng, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, tiếp xúc với báo chí nhiều nhất. Hình như mỗi lần có phát biểu của ông là có chuyện để bàn. Bạn đọc không chỉ bàn chuyện nhà ông Vươn ai phá, chính quyền có biết hay không mà còn bàn sang cả trình độ học vấn, năng lực làm việc của ông Khánh.

Càng bàn càng giận, sự tức giận của dư luận đã lên đỉnh điểm khi chiều 6-2, trả lời báo chí, ông Khánh cho rằng việc huyện không biết ai phá nhà ông Vươn là vì gia đình không có báo, báo chí chỉ thông tin chứ không có văn bản cho huyện.

Kêu trời kêu đất, bạn đọc Hoàng Hải viết: “Nói như ông Khánh thì có khi giặc tràn đến mà dân không báo cho huyện thì huyện cũng không biết hả trời? Mỗi lần ông huyện này trả lời là mỗi lần dư luận như bị sôi máu lên…”

Bạn đọc Nguyễn văn Nhiều nhận định những phát biểu của ông Khánh trong bài phỏng vấn trên Báo Người Lao Động đã bộc lộ “thái độ quan liêu, kiêu căng, hống hách, trịch thượng của kẻ có quyền, không thấy cái tâm, và trách nhiệm của người lãnh đạo”, đồng thời cảnh báo “làm quan nhất thời, làm dân vạn đại".


Ngoài ra, các phát biểu của ông Khánh cho thấy “cái văn hóa xin cho nó phổ biến. Từ chuyện cái nhà đã bị đập mất cũng phải "làm đơn" xin các bác xác minh dùm. Trong khi đó cả nhà đã bị bắt hết rồi lấy ai làm đơn, lấy ai để tự bảo vệ tài sản của mình?” - bạn đọc Nguyễn Hồng Thương viết.

Căn nhà của gia đình anh em ông Vươn bị đập nát nhưng huyện Tiên Lãng không xác minh làm rõ vì "chưa có đơn"?


Nhiều bạn đọc cho rằng, những phát biểu của ông Khánh như đang đóng phim hài, giống như Quang “tèo”, “vua hài đất Bắc”. Tuy nhiên, diễn viên hài này đem lại tiếng cười cho khán giả thì ông Khánh làm cho người ta vừa cười vừa tức.

Theo Điều 3, Nghị định 51 hướng dẫn thi hành Luật Báo chí: “Trách nhiệm của tổ chức, người có chức vụ - Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết.


Vậy mà, ông Khánh lại mạnh miệng nói rằng: "Báo chí chỉ là thông tin chứ chúng tôi có nhận được văn bản nào của báo chí yêu cầu xác minh việc này đâu" (việc ai phá nhà ông Quý).

Với những phát biểu của ông Khánh, rất nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi về trình độ và năng lực làm việc của vị chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng.


“Là chánh văn phòng của UBND huyện mà lại trả lời với cơ quan báo chí như vậy, phải chăng học vị hay nhận thức của vị quan chức này có vấn đề, hay vị này bị chỉ đạo cố tình trả lời như vậy?"- bạn ducminh2010 băn khoăn.


Lắc đầu với ông Ca

Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Ảnh: VnExpress

Dù là ai đi chăng nữa thì việc phá nát căn nhà 2 tầng của ông Quý là hành vi hủy hoại tài sản của công dân. Vậy mà, thời gian trôi qua hơn 1 tháng, Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca vẫn không biết kẻ đó là ai và còn có phát biểu làm nhiều người nghe phải choáng: Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Quý không phải là nhà “mà chỉ là chòi trông cá vì không cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp”.

Bạn đọc Thu Vân nhận định: “Tôi chưa thấy chòi nào mà xây 2 tầng. Còn nói xây không phép, tại sao không xử lý việc xây dựng không phép bằng một quyết định hành chính lại đập nhà người ta?”


Đồng quan điểm, bạn đọc Xuân Thời cho rằng: “Nếu ông Giám đốc Công an TP Hải Phòng mà nói thế thì những căn nhà trong huyện tôi xây trước 2004 hầu như không xin phép chỉ là chòi sao? Giám đốc công an cấp TP mà phát biểu như vậy là nhằm bao che cho cấp dưới, xúc phạm tới nơi ở của người dân”.

Căn nhà 2 tầng của anh em ông Vươn trước khi bị đập nát


Một căn nhà 2 tầng, nơi che nắng che mưa 4-5 nhân khẩu của một gia đình bị ông Ca gọi là chòi làm nhiều bạn đọc chua chát.


Bạn Hồ viết: “Càng đọc tin tức về sau càng thấy buồn! Thưa ông Ca, nhà của dân lao động như thế là mừng lắm rồi nên người ta mới gọi là cái nhà, còn khái niệm của ông thì nhà chắc là phải khác xa lắm so với nhà của dân phải không ông?!”.


“Ông Vươn, Quý đã bỏ bao tiền của công sức, kể cả con chết nước cho công trình nuôi trồng thủy sản, hiện họ chưa thu hồi vốn thì làm gì có mà xây nhà to như ý ông? Nhưng "cái chòi canh cá" theo ông phát biểu mà cả gia đình họ sống ở đó sao gọi là chòi? Cái chòi canh mà sao phải cho máy ủi vào sang bằng? Tôi nghĩ ông nên có trách nhiệm với cái tâm của mình, vì không bao lâu nữa ông cũng là dân vạn đại...”- một bạn đọcnhắn gởi.

.........................................

Theo tôi, nó đã nói lên phẩm chất của các vị quan này:
  1. Thiếu trung thực. Hay nói thẳng là nói láo. Làm quan mà nói láo, lại nói láo một cách tự nhiên thì rõ là bản chất.
  2. Thiếu đạo đức. Không biết mấy ông này trước khi ra làm quan có được dạy về đạo đức không hay đạo đức của các ông đã bị mọt gặm nhấm rồi. Không thương dân mà còn tỏ ý xem dân như cỏ rác. Nhà của người ta thì gọi là cái chòi mà còn nhắc đi nhắc lại nữa chứ mày mà Đại Ca còn chưa gọi là chuồng đấy chứ.
  3. Thiếu năng lực. Những phát ngôn không chuẩn mực, không đúng lúc thì không thể nói là có kiến thức. Ra những chỉ đạo không đúng pháp luật,.. thì chỉ có thể gọi là "dốt".
  4. Tính côn đồ. Hãy nhìn lại hàng loạt hành vi của các quan chức đối với nạn nhân, với phương tiện truyền thông,.... Khi nắm trong tay quyền lực mà không có đạo đức lại ngu dốt và mất đạo đức thì sẻ hành xữ theo thói côn đồ. Hậu quả của sự côn đồ là...
 Ta hãy hy vọng rằng những cá nhân quan chức như ở Hải Phòng chỉ là cá biệt. Và ta chờ mong Thủ Tướng ra tay dọn dẹp.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Bóng đá VN - Đi về đâu em hởi?

Nhìn thực trạng bóng đá VN thật đáng buồn, nó như chiếc xe lao dốc không phanh. Nguyên do ư ? Hãy nhìn những quan VFF sẻ rõ, mà điển hình nhất là ông Hỷ. Họ say sưa tranh giành quyền lực, thủ đoạn,..., thậm chí chửi bới lẫn nhau.

Trong cái bức tranh 'xám xịt' đó, VPF ra đời như là một giải pháp tình thế "chẳng đặng đừng" và tất nhiên nằm ngoài mong muốn của VFF hiện tại. VPF mang bao kỳ vọng của bao trái tim bóng đá VN vốn đã chết mòn bởi những người điều hành, nhưng VPF có thể làm được gì khi hình hài chưa hoàn thiện, mới chập chững những bước đi đầu tiên ?

Thật ngây thơ khi nghĩ rằng VPF sẻ nhận được tất cả thịnh tình từ cơ quan cao nhất của bóng đá nước nhà khi trong con mắt họ (số đông quyền lực), VPF là một đứa con ngoài mong muốn nếu không muốn nói là 'nghịch tử'. Và cũng khó mà đòi hỏi VPF ngoan ngoãn với VFF khi nó nhận thức rằng cha nó (VFF) chỉ là một kẻ nát rượu, xấu xa.

Những tiêu cực trong những vòng đấu vừa qua (ở giải vô địch và cúp quốc gia) không phải do VPF gây ra như một số người nghĩ, mà nó là tất yếu của một chiếc xe trên đà lao dốc. Chúng ta- những người yêu bóng đá chân chính, chỉ mong rằng, có một cái gì đó giúp nó phanh lại sớm nhất theo cách an toàn nhất.

Thôi, không đề cập đến những tranh chấp liên quan đến bóng đá và bản chất của những cá nhân, tổ chức liên quan. Ta chỉ nên hướng đến những gì hy vọng.

Vậy ta hy vọng vào ai nếu không phải là VPF? Nhưng chắc chắn VPF chẳng nên thân nên hình gì nếu không có sự đồng lòng hưỡng ứng một cách tích cực từ chúng ta.