Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Matsushita Konosuke

Được xem là một trong mười hai người tạo ra nước Nhật ngày nay, là cha đẻ của Tập đoàn Panasonic. Sáng lập và điều hành hơn 500 công ty, viện, trường nổi tiếng toàn cầu. Để điều hành, ông dùng ảnh hưởng của mình thay vì quyền lực. Và đây là những nguyên tắc "quản trị" của ông.


Lấy mình làm gương
Người quản lí nếu có tố chất tốt, tự giác đặt ra các quy tắc và thực hiện những quy tắc đó, sẽ có được sự tôn trọng và phục tùng của cấp dưới. Nếu người quản lí tôn trọng kỉ luật, lấy mình làm gương, sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn, vô tình khích lệ nhân viên.
Đặc biệt khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thất bại và thách thức, người quản lí nên đứng ra làm gương cho nhân viên, dùng hành động thực tế khích lệ nhân viên, như vậy mới khích lệ hiệu quả ý chí của nhân viên, để mọi người cùng nhau khắc phục khó khăn, thất bại, vượt qua mọi trở ngại.

Dùng phẩm chất đạo đức tốt đẹp để đối xử với mọi người
Người quản lí có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, lòng khoan dung và tài năng, học thức uyên bác thì mới thể hiện được khả năng hiệu triệu và sức ảnh hưởng lớn, nhận được sự tin cậy, ngưỡng mộ của nhân viên. Người quản lí không nên dùng chế độ quản lí lạnh lùng, cho dù nhân viên có phạm lỗi nào đó, cũng nên cố gắng dùng khả năng ảnh hưởng của bản thân để thuyết phục, cảm hóa nhân viên.

Chân thành đối xử với mọi người
Người quản lí cần cố gắng tạo ra môi trường làm việc hài hòa, thân thiện, để mỗi nhân viên đều cảm thấy thoải mái, phát huy sự tích cực nhiệt tình đối với công việc của mình. Muốn làm được điều này, người quản lí cần có thái độ bình đẳng, tôn trọng, quan tâm và yêu mến nhân viên, để nhân viên cảm nhận được thái độ chân thành của lãnh đạo. Người quản lí cũng cần gần gũi, quan tâm, trò chuyện chân thành với nhân viên, đồng thời kịp thời phát hiện vấn đề và giải quyết mọi vấn đề, khích lệ tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề của nhân viên.

Công bằng, liêm chính
Phẩm chất quang minh chính đại là tiêu chuẩn đánh giá sức ảnh hưởng của người lãnh đạo. Người quản lí cần giữ được hình tượng công bằng, liêm khiết, như vậy mới tạo được không khí cạnh tranh công bằng và đoàn kết hợp tác trong công ty. Người quản lí khi quản lí doanh nghiệp, cần có phẩm chất quang minh lỗi lạc, công tư phân minh, công bằng khách quan, đặc biệt khi đề cập đến lợi ích của mình càng cần thực tế, đúng đắn.

Trí Thức Trẻ (lược trích)