Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Quá đau lòng !


Bé gái mất tích bí ẩn đã chết

Thứ Sáu, 22/07/2011 14:34

(NLĐO)- Thi thể bé gái mất tích bí ẩn Lê Đinh Ngọc Hiền vừa được phát hiện tại một ngọn đồi hoang cách nhà 4 km.

Chị Đinh Thị Huệ, mẹ Hiền, xác nhận gia đình vừa phát hiện thi thể bé tại một ngọn đồi ít người lai vãng sáng nay, 22-7, nhờ một người dân đi kéo ống nước tại khu vực trên.
“Thi thể cháu nằm ngửa, tay chân bị cháy nắng trở nên tím đen, đầu chỉ còn hộp sọ. Tôi nghĩ con tôi không thể nào băng đồi, lội suối đi xa nhà đến 4 km được”- chị Huệ nghẹn ngào, kể câu được, câu mất.
Theo những người thân của cháu Hiền, mẹ bé như người mất hồn kể từ khi hay tin tìm được thi thể con. Để tránh cho chị Huệ bị xúc động quá mức, gia đình buộc phải cấm chị đến ngọn đồi trên.
Cũng theo người nhà, Hiền được xác định dựa trên các chi tiết về  hình dáng, quần áo bé mặc khi mất tích. Hiện cơ quan pháp y tỉnh Đồng Nai đang giải phẫu tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết bí ẩn của bé Hiền. Vụ án sẽ được Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, bé Hiền mất tích vào ngày 1-7 trong lúc ngồi chơi sau nhà (tổ 6, ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú - Đồng Nai).
Gia đình đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy bé Hiền. Trong thời gian này, ở địa phương đã xuất hiện nhiều lời đồn ác ý, như cho rằng bé đã bị xẻ thịt lấy nội tạng. Không ít người còn vòi tiền nạp điện thoại rồi mới cung cấp thông tin về bé...
Tin-ảnh: Ph.Dũng

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Nói láo-bản chất của lưu manh

Nói láo là nói những điều không thực, khác với nói dối, nói láo bao giờ cũng vì mục đích xấu sa.
Tuỳ theo vị trí của từng người, nói láo biểu hiện với những mức độ khác nhau, nhưng hầu hết mọi kẻ nói láo điều có một đặc điểm rất chung : giỏi ngoa ngôn và côn đồ.
Trong vấn đề Biển Đông, ai cũng thấy những người lãnh đạo Bắc Kinh nói láo hay đến cỡ nào, nói trắng thành đen, nói chó thành mèo, biến kẻ cướp thành nạn nhân, biến nạn nhân thành kẻ cướp v.v... Điều vĩ đại ở chỗ họ nói láo mà nhiều người nghe. Phải thừa nhận 'nói láo' được họ nâng lên ở một mức nghệ thuật-nghệ thuật nói láo, họ nghiên cứu hẳn hoi. Bởi vậy mà họ đã đúc kết : nói láo lặp đi lặp lại thì thành nói thật, và nói láo thì phải nói láo cho to.
Khi nói láo của họ không lừa phỉnh được thế giới, họ chuyển sang đe doạ những ai (nước nào) dám vạch mặt họ, đó đích thị là hành vi của những kẻ lưu manh. Tất nhiên, họ chỉ doạ được những nước nhỏ hay chính xác những nước có não trạng nhỏ.
Một nước lớn đúng nghĩa không thể là đất nước được điều hành bởi những kẻ lưu manh, theo đường lối lưu manh. Một nước nhỏ vẫn có thể mang tầm vóc lớn nếu bộ não của nó lớn hay chí ít không cam phận của một kẻ nhỏ, tất nhiên nó không thể mang bản chất lưu manh hay học những kẻ lưu manh.

Hy vọng & Giấc mơ

Thế là những vị trí chủ chốt lèo lái con tàu đất nước cũng được phân chia. Dù chưa biết thế nào, nhưng như thừa nhận của ông TBT Nguyễn Phú Trọng ngay trước khi có kết quả cuối cùng là chúng ta đã có một 'đội hình đẹp'.
Theo dõi cuộc họp, tôi có chút thắc mắc không biết hỏi ai :
  1. Sao kỳ họp chọn bầu những vị trí chủ chốt (Chủ tịch quốc hội,Chủ tịch nước, Thủ tướng,...) chưa xong mà ông biết được chúng ta có 'đội hình đẹp'?
  2. Ngay sau khi ông Nguyễn Sinh Hùng được chọn làm Chủ tịch quốc hội thì hôm sau ông đã trình lên quốc hội người đề cử cho Chủ tịch nước. Và ngay sau khi ông Trương Tấn Sang được chọn làm chủ tịch nước thì hôm sau đã đề cử ông Nguyễn Tấn Dũng cho chức vị thủ tướng. Trời ơi! Những vị trí quan trọng như thế mà không cần thời gian suy xét chọn người? Hay mọi thứ đã có sẵn (đã sắp đặt) và việc chọn-->thông qua chỉ có tính hình thức?

Hỏi để mà có hỏi và cũng không mong trả lời. Tuy vậy, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và hy vọng, hy vọng ngày mai đất nước tươi sáng hơn. 
Nhưng hy vọng ai, hy vọng cái gì, hy vọng vào đâu,..? Tôi cũng không biết nửa. Trong trường hợp này nó như giấc mơ mà giấc mơ làm gì có cơ sở, có điều không ai đánh thuế giấc mơ đâu. Vậy thì, chúng ta cứ mơ,..., và cứ hy vọng. Hy vọng vào những người lãnh đạo đất nước sắp tới sẻ tốt hơn hay ít ra là cũng đỡ xấu hơn.
Tôi thì cứ dặn mình : Hãy cố gắng, luôn trung thực và đừng bao giờ tắt hy vọng.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Nghệ thuật? Để làm gí?

Tác giả : Trần Đạo

...la conscience dans son appel à soi-même pose l'exigence du bien dans l'action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l'achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l'homme.

Trần Ðức Thảo

... khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức, và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người.

Cách đây 50 năm, trong giới văn học, nghệ thuật Việt Nam nổ ra một cuộc tranh luận : nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh. Cuộc tranh luận không ngã ngũ : chiến tranh. Hầu hết văn nghệ sĩ tiếng tăm thời ấy xếp bút nghiên theo kháng chiến. Hầu hết cụt hứng, không sáng tác được tác phẩm bằng hoặc hơn trước. Trong chiến tranh, nghệ thuật quan trọng nhất là "nghệ thuật" giết người. Thời chiến có thể là thời thai nghén của nghệ thuật, chưa bao giờ là thời nghệ thuật thịnh vượng. Lôgíc chiến tranh mâu thuẫn với lôgíc nghệ thuật ? Kỷ luật chiến tranh mâu thuẫn với tự do sáng tác ? Con người của chiến tranh mâu thuẫn với con người của nghệ thuật ? Nói thế hơi dễ. Chiến tranh là hiện tượng thuần nhân tính, súc vật không giàn quân tiêu diệt nhau. Bản thân chiến tranh là một hình thái quan hệ giữa người với người. Trong chiến tranh, nghệ thuật vẫn là kích thước cơ bản của con người. Nghệ thuật quân sự đâu phải chuyện đùa ! Cuộc tranh luận kia chấm dứt vì nó bị vùi dập. Người ta vùi dập được nó vì cách đặt vấn đề sai, không mấy ai thấy nó đủ tầm cỡ để đáng mất thời giờ suy ngẫm, tranh luận, đặc biệt khi suy nghĩ, tranh luận có thể phải trả giá bằng sinh mạng.

Ðặt sai một vấn đề, đương nhiên ta không thể giải đáp nó. Ngược lại, điều đó mở đường cho một cách giải quyết nó, cách giải quyết thường tình khi lý đuối, tình cạn : vũ lực, không giải đáp vấn đề, giải quyết người đặt vấn đề. Cách giải quyết ấy tiêu diệt được người, không thủ tiêu được vấn đề.

Thoạt nghe, nghệ thuật vì nghệ thuật và nghệ thuật vì nhân sinh là hai quan điểm phản nghịch. Phân tích kỹ, chúng là một, thể hiện cùng một nhân sinh quan, mập mờ ở cùng một điểm, nguy hiểm như nhau.

Nghệ thuật là gì ? ở đâu ? có tính đặc thù nào ? mà có thể vì chính mình ! Chưa bao giờ, chưa ở đâu, chưa ai, trả lời được. Không bao giờ, không ở đâu, không ai định nghĩa, chứng minh được (cái) Ðẹp. Vì sao ? Câu nói kia, trong nghĩa đen, sặc mùi tôn giáo. Nó đặt nghệ thuật vào vị trí của Thượng đế. Chỉ có Thượng đế mới vĩnh hằng, vĩnh cửu, mãi mãi là chính mình trong vô tận của thời gian : Thượng đế là giấc mơ tự tại của con người. Vì thế, Thượng Ðế cũng là một giá trị nhân bản, tuy có lúc không nhân đạo lắm. Ðó là ý nghĩa lời phê bình nổi tiếng của Sartre đối với nhà văn thiên chúa giáo Francois Mauriac : Dieu n'est pas un artiste ; M. François Mauriac non plus[1].

Chuyện hiển nhiên như thế, sao nhiều người vẫn thiết tha với câu ấy, thậm chí sống chết vì nó ? Vì nó tiết lộ thân phận người. Toát ra từ hồn người, câu đó có nghĩa : nghệ thuật là kích thước của con người, là một đặc tính của con người. Trong nghĩa đó, nghệ thuật chỉ có thể vì chính mình : ý nghĩa, giá trị, mục đích của con người, trong tư cách người, là con người. Trong nghĩa đó Nghệ thuật vì nghệ thuật đồng nghĩa với Nghệ thuật vì con người, không có gì khó hiểu, lờ mờ. Nó thuộc loại định nghĩa dễ chấp nhận như A chính là A. Ðó cũng là ý sâu sắc của câu nói nổi tiếng :La nature imite l'art[2]. Người đời ghi nhớ nó không chỉ vì nó đẹp bất ngờ, vô lý. Nó tiết lộ ý trên. Thiên nhiên có nhiều cảnh, hiện tượng đẹp. Không ai coi chúng là nghệ thuật. Ðẹp không là một thuộc tính của thiên nhiên. Nó hình thành trong sự tiếp xúc giữa người với thiên nhiên. Trong quan hệ ấy, con người "gán" cho thiên nhiên những giá trị trong hồn mình. Thiên nhiên chỉ đẹp khi thiên nhiên phù hợp với thẩm mỹ của ta, khi thiên nhiên bắt chước nghệ thuật.

Nghệ thuật vì nhân sinh. Câu này thoạt tiên dễ hiểu, dễ nghe. Nó bao hàm ngay ýNghệ thuật vì con người, nhờ sự hiện diện của từ nhân. Tuy vậy, nó cũng nhập nhằng. Có người hiểu : nghệ thuật phải phục vụ cuộc sống của con người. Cuộc sống ? Tác phẩm nghệ thuật chưa bao giờ làm ai no bụng, ấm thân. Ngay nghệ sĩ cũng khó dựa vào nó để sinh nhai. Cuộc sống tinh thần ? Tinh thần là gì mà cần nghệ thuật ? Mà thực sự nó có cuộc sống không ? Hết gạo, chắc chắn nó biến theo thân xác. Nghệ thuật là gì, phải như thế nào mới thích hợp với nhu cầu tinh thần, mới biến thành món ăn ! tinh thần, mới ăn được, mới ăn khách ? Milan Kundera có nhận xét : khi tiền đầy túi, con người nẩy vô vàn sáng kiến, khi túi rỗng, bụng teo, nó chỉ có một ý duy nhất : ăn. Nguyễn Huy Thiệp cũng có nhận xét tương đương : Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ có tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ[3]. Cuộc sống tự nhiên đòi tiền và gái, không thèm nghệ thuật.

Thực tế, những người theo quan điểm Nghệ thuật vì nhân sinh ở Việt Nam muốn vận dụng quan điểm thực dụng của Lênin : nghệ thuật phải là một con ốc trong guồng máy cách mạng. Họ muốn sử dụng nghệ thuật như một công cụ, một phương tiện để tác động vào thế giới thực, buộc nó phải chuyển mình. Họ muốn như vậy vì họ tin vào một loại chủ nghĩa duy vật máy móc. Tuy họ công nhận hiện tượng tâm linh, họ không xác định được tính đặc thù của nó, họ hiểu sai quan hệ của nó với con người xương thịt, sinh vật sống nhờ dạ dầy, tái sinh nhờ bộ phận sinh dục. Do đó, trong lý luận, họ trốn sau một mớ lập luận "biện chứng" lờ mờ, được kinh thánh hoá bằng nhồi sọ và quyền lực, và trong thực tế, họ dùng dạ dầy để uốn nắn văn chương, nghệ thuật. Khốn nỗi, như Marx nhận định : la puissance matérielle ne peut être abattue que par la puissance matérielle[4]. Trong ý đồ này, đỉnh cao của nghệ thuật là nghệ thuật đánh trống điều khiển nhịp chèo của nô lệ trên những chiến thuyền cổ. Không phải tình cờ nhạc hành quân cơ bản dựa vào nhịp đôi : ếch, ơ. Thêm nhịp nữa, bất lực ngay. Không ai có thể dùng nhịp valse để hành quân. Chiến trường sẽ tức khắc biến thành sân khấu. Nhưng không có nhạc hành quân nào giữ nổi hàng ngũ chỉnh tề khi lòng người tan rã. Vì thế, người bảo vệ quan điểm Nghệ thuật vì nhân sinh thường khinh nghệ sĩ và sợ nghệ thuật. Ðó là nỗi đau riêng của nó : nó tự tin không vì nó tin đồng loại, mà vì nó muốn làm tình nhân, đầy tớ trung thành của ... Lịch sử, con đĩ khát máu, vô tình nhất trong quá trình hình thành nhân loại.

Nếu ta hiểu Nghệ thuật vì nhân sinh là Nghệ thuật vì con người, câu này cùng nội dung với ý nghĩa sâu sắc của câu Nghệ thuật vì nghệ thuật, không có gì để tranh luận.

Hai quan điểm trên giống nhau và nguy hiểm ở cùng một điểm : tống cổ nghệ thuật ra khỏi nhân giới, thần thánh hoá nghệ thuật. Một bên thần thánh hoá theo kiểu duy tâm kinh điển, biến nghệ thuật thành một Sự Thật tồn tại vĩnh cửu bên kia bờ nhân loại, biến người nghệ sĩ thành con chiên, đầy tớ, tình nhân khốn nạn của (cái) Ðẹp. Bên kia thần thánh hoá nghệ thuật theo kiểu duy vật, biến sáng tác thành một quá trình tự nhiên, biến tác phẩm thành phế phẩm của quá trình tiêu hoá của bộ óc, như cứt là sản phẩm của quá trình tiêu hoá của dạ dầy, biến người nghệ sĩ thành công cụ trong một guồng máy[5]. Trong quan điểm đầu, nghệ thuật là vực thẳm giữa người với người, không ai thông cảm được người nghệ sĩ (thế thì đăng, triển lãm, trình diễn làm gì ? đơn thuần làm tiền ? thiếu gì cách khác đỡ khổ hơn !). Trong quan điểm sau, nghệ thuật là một cái xích trói người với người. Có lẽ vì thế, trong thế giới ấy, nghệ sĩ cụt hứng, tác phẩm có tính chất nghệ thuật hiếm, và cuối cùng, nghệ sĩ chân chính thường biến thành người bất mãn, phản kháng.

Khi ta tìm nghệ thuật, ta thấy ngay điều hiển nhiên : không có nghệ thuật. Chỉ có những tác phẩm ta thấy đẹp. Lối nói : nghệ thuật của người Hy Lạp cổ đúng ở khía cạnh thông tin : những tác phẩm đó do người Hy Lạp cổ làm ra. Câu đó sai ở mặt nghệ thuật : vẻ đẹp ta cảm thấy, chắc gì, đối với người Hy Lạp thời ấy, (có) thật. Có thể họ coi các vật ta chiêm ngưỡng như đồ dùng tầm thường hàng ngày. Ngay đối với những bức tượng họ thờ (tất nhiên họ quý), cảm giác đẹp ta cảm nhận, chắc gì trùng hợp với khái niệm Ðẹp của họ ? Không lẽ nghệ thuật chỉ là một sự hiểu nhầm liên miên giữa người với người ? Giống tình yêu quá ! Và có lẽ thế thật ? Nghệ sĩ thường là kẻ liên miên si tình, miên man thất tình mà ! Ðẹp không là một thuộc tính của hiện vật ta chiêm ngưỡng, nó không tác động vào ta như một phản ứng hoá học, vật lý. Thậm chí, nó cũng chẳng là một phản ứng thuần văn hoá. Ta có thể không hiểu biết nền văn hoá Inca, mà ngắm một mặt nạ Inca vẫn mê hồn. Mặc dù văn hoá khác biệt, mặc dù xa cách nhau hàng mấy nghìn năm, tác phẩm kia, hôm nay, vẫn đẹp vì (cái) đẹp ấy là ta, người của thời nay. Nhưng rõ ràng nó từ sản phẩm của người xưa đến với ta. Ta dựa vào sản phẩm của người xưa để sáng tạo trong hồn ta vẻ đẹp của hôm nay. Ðẹp là một quan hệ giữa người với người xuyên qua sản phẩm của con người. Vì thế, không ai coi cảnh đẹp của tự thiên là tác phẩm nghệ thuật : nó không có tác giả. Vì thế, vẻ đẹp có thể tồn tại vượt thời gian ngắn ngủn của đời người : con người là sinh vật duy nhất cất mồ, thờ mả, tưởng nhớ người quá cố. Vì thế, ta có thể nưng nui vẻ đẹp của một cái bát, cái đĩa vớ vẩn của một nền văn minh khác : nó nói với ta một điều gì ta linh cảm về con người.

Ðẹp là một quan hệ giữa tác giả và độc giả, khán giả, xuyên qua tác phẩm. Nó là một khả năng của nhân giới. Khả năng ấy hiện thực khi mối quan hệ đó được cụ thể hoá qua một hiện vật do con người sáng tạo : tác phẩm. Khi tác phẩm là bản thân con người, Ðẹp thổ lộ bản chất thuần nhân tính. Ta dễ mê nghệ sĩ trình diễn vì thế. Chỉ có tiếng đàn, giọng hát, điệu múa... của họ mới có khả năng mang lại cho ta cả một nhân giới không tồn tại ở đâu cả. Nghệ thuật giống tình yêu ở điểm ấy. Nó là giấc mơ hão huyền khi nó lơ lửng trong tưởng tượng. Nó chỉ là sự chạ chung giữa hai làn da khi nó chỉ thể hiện bản năng sinh tồn của một loài sinh vật. Tình yêu có thực, đẹp thật, khi hai tâm hồn, xuyên qua thể xác, quyện lấy nhau.

Vì Ðẹp là quan hệ giữa người với người nên không gian của nghệ thuật thường là không gian công cộng, không gian chung của con người, nơi con người tìm đến để gặp nhau, người đang sống, người đã chết : công trường, vườn hoa, viện bảo tàng, nhà hát, thư viện... Không gì nguy hại cho tác phẩm nghệ thuật hơn cũi, dù là cũi vàng của nhà trọc phú. Tác phẩm trở thành tác phẩm, tồn tại và tái sinh với tính cách tác phẩm khi có người xem, khi còn người tái tạo nó trong nhân giới. Câu Truyện Kiều còn, nước Việt Nam còn sâu sắc ở nghĩa đó.

Tới đây, có câu hỏi : quan hệ giữa người với người xuyên qua tác phẩm nghệ thuật như thế nào mà khiến ta, người Việt của thế kỷ 20, cảm xúc trước tác phẩm của người Ai cập mười mấy thế kỷ trước Công Nguyên ? Marx đã tự đặt câu hỏi ấy : tại sao hôm nay nghệ thuật của người Hy Lạp cổ vẫn động lòng ta ? Ông cho rằng : con người, lớn lên, vẫn nhớ thương tuổi thơ của mình, nhân loại cũng vậy. Nghe hơi khờ khạo, nhưng có lý. Vấn đề ở đây là : làm sao ta, một cá nhân đơn thuần, nhớ nổi tuổi thơ của nhân loại ? Và nhớ những gì khiến ta chung với người xưa ý niệm Ðẹp ?

Ta thừa biết, ngay trong một nền văn hoá, quan điểm về Ðẹp thay đổi qua những thời đại. Ðiều ta có thể có chung với người xưa không phải quan điểm ấy. Nếu người chỉ gặp người trong Ðẹp vì họ chung quan điểm về Ðẹp thì, trên đất này, chẵng còn gì tồn tại, thế hệ sau sẽ san phẳng sản phẩm không thực dụng của thế hệ trước. Cứ coi guồng máy Ðảng cộng sản Việt Nam xử lý chùa chiền, lăng đình, cách đây không lâu, đủ khiếp. Cái ta có thể có chung với người xưa, người khác văn hoá, là khả năng thấy đẹp.Khả năng ấy từ đâu ra, hình thành thế nào trong ta, có thực là một thuộc tính của con người nói chung, độc lập với hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hoá ? Hỡi ơi, bệnh trí thức ! Người đời đã trả lời từ lâu. Khi ta yêu một người khác chủng tộc, khác văn hoá, ta hồn nhiên khẳng định điều đó. Nhưng lỡ ngứa tay, làm người khác ngứa mắt, ngứa tai, ngứa miệng, phải gãi nhau tới cùng. Ðó cũng là Ðẹp.

Hình thái tồn tại duy nhất của nghệ thuật là ngôn ngữ, nghĩa rộng : ký hiệu. Ðặc điểm thứ nhất của ký hiệu là nó có thực, dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có thể quan sát : hình thù, âm thanh, mầu sắc... tóm lại, cũng như thân xác ta, nó thuộc thế giới vật chất. Ðặc điểm thứ hai, nó chuyên chở một ý nghĩa đối với con người, người phát ra ký hiệu và người tiếp thu ký hiệu. Ý nghĩa đó, như tâm hồn ta, không có thực. Không có phương tiện, phương pháp nào cho phép ta phát hiện, xem xét, đo đếm nó. Ý nghĩa là hiện tượng tâm linh, thuần nhân tính. Nó chỉ hình thành trong quan hệ giữa người với người. Oái oăm thay, cũng như tình yêu, nó chỉ hiện thực xuyên qua vật chất. Nhưng vật chất, tự nó không có ý nghĩa gì cả. Ðó là một đặc điểm của thân phận người : ngôn ngữ, nhờ xác vật chất của nó, một mặt, là nhịp cầu thực duy nhất giữa người với người, mặt khác, nó là nguồn gốc duy nhất của sự gian trá giữa người với người. Ðừng mơ tưởng con người có thể có cách khác để giao tiếp trung thực với nhau. Ðôi mắt say đắm của em, hơi thở dồn dập của em, đều có thể thành thật, gian trá không thua giọng trìu mến, lời ngọt lịm toát ra từ môi em. Nói như thế có nghĩa : Ðẹp là một hiện tượng tâm linh, một quan hệ giữa người với người chỉ hình thành xuyên qua một hiện vật, hoặc : Ðẹp hình thành qua một hiện vật được dùng làm môi giới giữa người với người. Nó là một hiện tượng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là hình thái tồn tại duy nhất của tư duy. Quan trọng hơn, nó là một hình thái tồn tại vừa độc lập với người dùng nó, vừa sinh động. Nó cho phép tư duy của con người "sống" lâu hơn cuộc sống của mình, xuyên qua cuộc sống của người khác, trong nghĩa : còn người sử dụng ngôn ngữ ấy, những tâm tình, ý nghĩ đọng lại trong ngôn ngữ còn có cơ tồn tại ; tất nhiên qua lăng kính của người đang sống, đó là thân phận của mọi ngôn ngữ, kể cả khi tác giả còn sống. Thí dụ, những dòng chữ rồng bay phượng múa của người Ai Cập cổ bắt đầu sống động, kể lại cho ta những tâm tình, suy nghĩ, lo âu của họ, bắt đấu tái sinh trong nhân giới khi Champollion bắt đầu đọc được chữ viết của họ. Trước đó chúng chỉ là những bức họa khó hiểu, vô nghĩa, tuy đẹp mắt, vì chúng là sáng tác của người xưa, như tranh thời thượng cổ trên vách đá. Thí dụ, Dương Thu Hương và Thụy Khuê hiểu nhầm nhau.

Như thế tìm hiểu nguồn gốc của nghệ thuật cũng là tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ, của tư duy.

Trong thế kỷ 20 khoa học phát triển mãnh liệt trong hai lãnh vực, bất lực nhục nhã trong một lãnh vực. Ngày nay con người hiểu quy luật vận động của vật chất tới mức có thể dùng vật lý tạo những nguồn năng lượng không có trên quả đất, có thể phóng phi thuyền vào vũ trụ. Con người cũng hiểu quy luật phát triển của sinh vật tới mức có thể tạo những giống thú mới (chimères). Nhưng đối với quan hệ giữa người với người (chính trị, kinh tế, xã hội, tình yêu và... nghệ thuật...), khoa học thường được dùng làm lá nho che sự bất lực, và con người vẫn phải sống với chiến tranh, đàn áp, khủng hoảng, sợ hãi... Sự chênh lệch trong khả năng hiểu biết ba hình thái vận động cơ bản của tự nhiên – vật chất, sinh vật, tư duy – chỉ chấm dứt khi con người hiểu được quá trình biến vật chất phi sinh tính (matière inerte) thành sinh vật, và quá trình biến sinh vật thành người. Hai câu hỏi hóc búa ấy, khoa học chưa giải đáp được. Tuy vậy, ta vẫn có thể quan sát những tính đặc thù của ba hình thái vận động cơ bản của tự nhiên.

Tính đặc thù của vật chất, như Engels đã nhận định, là : il n'y a pas de matière sans mouvement[6]. Không có gì tự tại và trường tồn. Vật chất vô ngã, vô thường. Câu : mọi sự vật phát triển do mâu thuẫn nội tại của nó theo quy luật tự phủ định, có nghĩa : trong sự vận động không ngừng của vật chất, những quan hệ của vất chất với chính nó, đã sản sinh ra sự vật, cũng là những quan hệ dẫn tới sự tiêu vong của sự vật. Mọi sự vật đều phải tuân theo quy luật entropie của con tạo. Sông sẽ cạn, núi sẽ mòn. Ðó là hình thái thứ nhất của mâu thuẫn. Trong hình thái này, mọi sự vật (với tư cách là một phần và một trạng thái tồn tại của vật chất) là toàn bộ những mối liên hệ có thời gian tính của nó với vũ trụ. Những mối liên hệ ấy sẽ phủ định hình thái tồn tại đương thời của nó, biến nó thành một sự vật khác. Khái niệm tự phủ định phải hiểu trong nghĩa : sự vật tự phủ định trong hình thái tồn tại của mình vì hình thái ấy là toàn bộ những mối liên hệ hình thành ra nó và những mối liên hệ ấy luôn luôn vận động (vì nó là liên hệ giữa vật chất) khiến nó phải biến dạng. Sự vận động ấy không ngừng tiêu diệt mọi hình thái tồn tại của vật chất, đồng thời nó cũng không ngừng sản sinh những hình thái tồn tại mới. E = Mc 2. Rien ne se perd, rien ne se crée[7]đồng nghĩa với Tout périclite, tout meurt[8]. Trong câu đầu, ta nhìn đời từ "góc độ của vật chất". Trong câu sau, ta nhìn tự nhiên từ quan điểm của con người. Khoa học khác văn học ở đó. Ðặc điểm của quá trình tự phủ định này là nó không cần môi giới (médiation), hay nói cách trừu tượng, vật chất làm môi giới cho vật chất, mọi vật thể đều là sản phẩm của một quá trình phủ định, đều tự phủ định. Nước có nguồn. Trong thế giới thuần vật chất, mọi sự đều có gốc có ngọn, có lý do tồn tại và tiêu vong. Trong thế giới ấy, không thể có nghệ thuật. Thượng Ðế không có máu nghệ sĩ trong nghĩa đó. Nhưng con người có máu nghệ sĩ, và do đó có khả năng tạo khái niệm Thượng Ðế toàn hảo, toàn mỹ. Vì sao ? Hạ hồi...

Theo Engels, tính đặc thù của sinh vật là : nó trao đổi vật liệu với thiên nhiên để tái tạo cơ cấu nội tại của nó, để tiếp tục tồn tại với tính chất sinh vật, tiếp tục sống. Ðây là hình thái thứ hai của mâu thuẫn, khác hẳn hình thái đầu, tuy vẫn bảo tồn hình thái đầu. Trong mâu thuẫn này, vật chất tự phủ định : cuộc tồn sinh của sinh vật đồng thời là cuộc phá hủy môi trường sinh sống của nó. Hơn nữa, bản thân sinh vật, tuy tiếp tục sống, tiếp tục là chính nó, nhưng cũng đã thay đổi (gầy đi, béo ra, già thêm...). Ðương nhiên, sinh vật cũng là vật chất. Không những nó ắt tiêu vong :Poussière, tu retourneras à la poussière[9], nó còn không thể, không bao giờ làchính mình. Nhưng trong quan hệ này, nó đạt khả năng trở thành nó xuyên qua vật chất. Trong quan hệ này vật chất (thức ăn) trở thành môi giới (médiation) cho vật chất (sinh vật đang sống) với vật chất (sinh vật tiếp tục sống) để tái tạo một hình thái tồn tại của vật chất (sinh vật). Tóm lại, vật chất làm môi giới giữa sinh vật với sinh vật. Như thế, trong hình thái thứ hai của mâu thuẫn, sự phủ định một hình thái tồn tại đồng thời là sự khẳng định một hình thái tồn tại. Loại mâu thuẫn này khai triển đồng thời hai sự phủ định khác nhau : sinh vật phủ định môi trường sinh sống của mình để tái tạo mình (ăn để sống), đồng thời nó tự phủ định (sinh vật hiện tại + thức ăn) để trở thành nó (sinh vật tương lai). Sự phủ định đầu tiêu diệt một hình thái tồn tại (như trong mọi hiện tượng thuần vật chất), sự phủ định thứ hai tái tạo một hình thái tồn tại. Quan hệ giữa sinh vật với tự nhiên khác quan hệ giữa sự vật với sự vật ở điểm ấy. Sinh vật ăn để sống, và tính đặc thù của sống là ăn. Và... ỉa. Tính đặc thù này còn gọi là bản năng sống (instinct de vie) : bất cứ sinh vật nào cũng biết mình có thể ăn gì để sống, biết mình có thể biến thành đồ nhậu cho ai. Và đã ăn, phải ỉa. Quan điểm của Engels sâu sắc ở đó, nó kết thúc một cuộc tranh luận trang nghiêm, vớ vẩn nổi tiếng : ăn để sống hay sống để ăn ?

Sinh vật còn một bản năng khác : bản năng tái tạo cuộc sống như mình ngoài mình, bản năng sinh đẻ (thú). Sinh vật giao tiếp với đồng loại để tái sinh trong tự nhiên những sinh vật cùng giống, sẽ tồn tại sau khi mình chết. Có lẽ đây là khác biệt lớn nhất giữa hai hình thái tồn tại của vật chất : chó đẻ ra chó, người đẻ ra người, nhưng chưa bao giờ có hai hòn núi ôm nhau mà đẻ ra bất cứ cái gì, kể cả chuột nhắt. Khả năng sinh sản (pouvoir de procréation) là đặc điểm của sinh vật. Vì vậy, người ta gán từ création cho tự nhiên hay cho Thượng Ðế, nhưng dành riêng từ procréationcho sinh vật. Câu kinh thánh Soyez féconds, multipliez, remplissez la terre, l'assujettissez[10]... xác nhận sự khác biệt cơ bản giữa sinh vật và sự vật. Bản năng sinh đẻ là nguồn gốc của bản năng tôn trọng cuộc sống của đồng loại. Lệnh của Chúa Tu ne tueras point[11] nhắc nhở con người : ít nhất, phải biết cư xử với nhau như thú ! Cá đớp cá, nhưng, nói chung, loài cá đớp lẫn nhau hiếm. Có nhà văn đã từng than : so sánh người với thú là sỉ nhục thú. Ông không hiểu tính đặc thù của con người không ở bản năng sinh tồn. Nó có bản năng ấy với tư cách một con thú. Ngoài ra, nó có tính đặc thù của con người, khiến nó vừa biết giết người, không chỉ vì miếng ăn, vừa biết xây mồ, dựng mả, thờ người đã chết. Nói như thế, ông đánh giá người với "quan điểm" của một con thú. Trong thế giới thuần sinh vật, có ăn, có ỉa, có sinh, có tử, không có nghệ thuật.

Người khác thú ở khả năng tư duy. Khả năng ấy hình thành qua quá trình nào, hiện nay, ta chưa chứng minh được. Theo Trần Ðức Thảo, khả năng ấy hình thành trong quan hệ giữa người với người, đồng thời và xuyên qua ngôn ngữ, hình thái tồn tại vật chất của nó. Quan hệ ấy, thời thượng cổ, là quan hệ hợp tác trong những cộng đồng nguyên thủy, do yêu cầu cùng tồn sinh (săn bắn, nhặt hái, sản xuất công cụ...). Vì ngôn ngữ nẩy sinh và phát triển trong quan hệ xã hội, ngôn ngữ và tư duy, ngay từ đầu, có tính chất xã hội, tính chất lịch sử (trong nghĩa nó là một quá trình vận động không ngừng) : tác giả của nó là cộng đồng, người đã chết và người đang sống. Vì, thuở ấy, không ai tách rời cộng đồng mà sống được, mọi người phải dựa vào nhau để sống, mỗi người phải vì mọi người và mọi người phải vì mỗi người thì cộng đồng mới tồn tại được, nên khái niệm đầu tiên của con người về chính mình là : ta là ta vì ta là một bộ phận của cộng đồng, và, trong tư cách ấy, ta như mọi người ; ta bằng ta vì ta bằng mọi người, tóm lại, ta là ta vì ta là người nói chung (bước đầu, trong giới hạn của cộng đồng, và sau này, qua sự trao đổi lễ vật, qua sự hợp tác giữa các cộng đồng, trong cả nhân loại). Do đó ta luôn luôn là người khác. Je est un Autre[12] ! Ðây là hình thái thứ ba của mâu thuẫn. Trong loại mâu thuẫn này, con người, với tư cách người, trong khả năng tư duy, trở thành mình xuyên qua quan hệ của mình với đồng loại. Con người trở thành môi giới giữa người với người, giữa ta với ta. Ta phải phủ định đồng loại để trở thành ta, nhưng đồng thời ta phải phủ định chính ta để trở thành người. Nói cách khác, ta không phải một con vẹt, một máy ghi âm, ngôn ngữ ta dùng là của ta, là chính ta, nhưng nó chỉ trở thành ngôn ngữ nếu nó là của mọi người, là mọi người (đồng ngôn ngữ với ta). Ngược lại, ngôn ngữ chung của con người chỉ trở thành ngôn ngữ , chỉ hiện thực, xuyên qua cá nhân từng người. Ðây là một luận điểm của Marx, Trần Ðức Thảo đã làm rõ nghĩa và phát triển trong quá trình tìm tòi của ông mấy năm qua. Trong quá trình ấy, ông nêu một giả thuyết đáng chú ý vì ta có thể quan sát và kiểm nghiệm : trong những năm tháng đầu của cuộc sống, qua quan hệ gia đình, con người lập lại quá trình hình thành tư duy của nhân loại.

Một đứa trẻ sơ sinh không khác một con thú. Miệng nó có thể tìm vú mẹ, nguồn sinh sống của nó, như mọi con thú. Tai nó có thể nhận ra nhịp tim của mẹ, nó đã quen từ thuở nó trong bụng mẹ. Ðiều chắc chắn, mắt nó mù, đầu nó không chứa một ngôn từ nào. Cứ nuôi nó như một con thú, không cho nó có quan hệ với người (trường hợp những trẻ bỏ hoang, được thú nuôi), quá 6 tuổi, nó trở thành thú, chỉ còn khả năng "học" của một con khỉ hay hơn một tí. Khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy của con người hình thành trong tuổi thơ xuyên qua quan hệ với người khác gắn liền với sự phát triển của óc não.

Sau một hai tuần, đứa trẻ bắt đầu thấy. Mẹ nó chỉ cho nó một quả bóng. Nó học nhìn, học phân biệt một sự vật với thế giới xung quanh. Ðồng thời nó học phân biệt nó với sự vật : nó thấy sự vật tức là nó bắt đầu linh cảm nó không là sự vật ấy. Có lẽ, nếu khả năng thấy của con người khác khả năng "thấy" của con vật, nó khác ở tính ý hướng[13] và sự ý hướng ấy nẩy nở trong quan hệ giữa người với người : mẹ chỉcho con một vật thể, con nhìn theo hướng mẹ chỉ và thấy. Khả năng tư duy của connở qua hành động có ý hướng của mẹ, qua cách nhìn có ý hướng của con. Rồi mẹ nói : quả bóng. Nhân giới bắt đầu từ đó : Au commencement était le Verbe. Thoạt tiên có Ngôn ngữ. Và ngôn ngữ, thoạt tiên, là giả dối. Vì quả bóng không có thực. Hơn thế, giọng trìu mến, ấm áp của mẹ đã "lồng" vào một hình thù, một mầu sắc, một âm thanh. Hiện vật trước mắt ta là chính nó, chỉ là nó, một hiện vật duy nhất, có một không hai trong không gian – thời gian. Như mọi sự vật, có ngày nó sẽ tiêu vong. Còn quả bóng, chính vì không có thực mà có cơ tồn tại "mãi mãi", tồn tại cho tới ngày trong vũ trụ không còn ai chỉ một vật tròn tròn cho một đứa trẻ và dậy : quả bóng. Nghệ sĩ thường nghĩ mình sáng tác cho muôn đời. Có thể hơi chủ quan, nhưng không vô lý. Trong đời làm gì có quả bóng ! Khoảng cách giữa hiện vật ấy vàquả bóng là khoảng cách không gì lấp được giữa ngôn ngữ và sự vật, la distance des mots aux choses[14], một nội dung cơ bản của tác phẩm Les Mots[15]. Ðó là khoảng cách giữa thế giới tự nhiên (vật chất, sinh vật) và thế giới người. Khoảng cách ấy là điều kiện hình thành của tư duy, của ngôn ngữ. Nó biểu hiện tính ý hướng của tư duy, tính tự do của con người. Con người, trong tính cách người, (là) khoảng cách ấy. Vì con người đồng thời là sự vật, là sinh vật, khoảng cách giữa người với người, giữa ta với ta là vô tận, không gì lấp được. Vì thế, bảo đảm một khoảng cách nào đó giữa người với người trong cuộc sống cũng là bảo vệ nhân tính của nó. Muốn xã hội thuận hoà, ít nhất, phải tôn trọng không gian riêng của từng người, tôn trọng tự do cá nhân. Muốn yêu nhau lâu dài, không nên quanh quẩn quanh nhau, hãy cho phép nhau xa xa nhau một tí ! Khoảng cách đó là môi trường sáng tạo của nghệ thuật, người nghệ sĩ không nhại thiên nhiên, nó tạo trong thiên nhiên một hình thái tồn tại vượt tự nhiên, chỉ có trong nhân giới, trong cái "không gian" rỗng tuếch, vô ngã nhưng khả thường, dĩ nhiên cho tới ngày nhân loại tiêu vong. "Không gian" kỳ ảo ấy, người đời còn gọi là không gian của nghệ thuật. Nó không lệ thuộc thời gian vì nó không có thực. Ðúng hơn, người nghệ sĩ mượn tự nhiên để tái tạo và sáng tạo nhân giới, tạo điều kiện cho nhân tính của mình tồn tại vượt giới hạn sinh vật của mình, có thể dưới dạng vật chất (kiến trúc, tranh...), có thể dưới dạng "phi" vật chất (nhạc, thơ, văn...). Khoảng cách giữa ngôn ngữ và sự vật là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của nghệ thuật, nhưng tự nó không đủ để nghệ thuật chào đời. Không phải bất cứ ngôn ngữ nào cũng có tính chất nghệ thuật. Nhất là ngôn ngữ ca tụng nghệ thuật !

Mẹ chỉ một hiện vật cho con và dậy : Quả bóng. Ký ức đứa trẻ ghi nhận một hình thù, một mầu sắc, gắn chúng với một âm thanh, tái táo một khái niệm. Nó tái tạo trong nó khả năng tư duy. Thế thôi.

Nhưng mẹ lại thủ thỉ : đẹp quá ! Thiên đường và địa ngục hình thành từ đó. Mẹ hạ ngục con từ đây. Ngưỡng cửa của tội lỗi không nằm trong quả táo của kiến thức, nó hé mở trong tình người. Ðó là nguồn gốc của mọi hạnh phúc, mọi sự khốn nạn trong đời người. (Cái) đẹp kia không những không có thực, nó còn không dính dáng gì với quả bóng, với hiện vật. Nó chỉ là giọng âu yếm của mẹ, là bàn tay ve vuốt của mẹ, là làn da ấm áp, mùi sữa của mẹ. Ðúng hơn, nó là tâm hồn con hình thànhbằng tâm hồn mẹ, chỉ bằng tâm hồn mẹ, "vật liệu" duy nhất khai sinh nó. Nó là mẹ sáng tạo hồn con, thành con, ở con. (Nó cũng là một nguồn sinh nhai lớn của các vịpsy đủ loại). Con người là một hiện thực tự tạo trong nghĩa đó, và chỉ trong nghĩa đó. (Cái) Ðẹp ấy là Mẹ, là Ta, là Người, là Mẹ của Người. Nó là Cha, là Con, là Ðức Thánh Thần. Nó là quan hệ yêu đương giữa người với người hình thành qua ngôn ngữ, qua quá trình con thú học làm người, biến thành người. Nó là bí ẩn, là huyền diệu của chính ta. Quá trình nghiệm sinh trong đó sự vật, cuộc sống, ý thức và tình thương đồng sanh trong ký ức của ta qua một ký hiệu là thiên đường của tuổi thơ, ta không bao giờ quên được, và cũng chẳng bao giờ tìm lại được. Nó là giọng ru hời của thời thơ ấu, là câu hỏi bốn nghìn năm của người Việt, là bình minh của nhân loại từ nghìn xưa vọng lại trong ta, đọng lại trong ta, nó là nhân tính, nhân tình, là giá trị, nền tảng của nhân cách. Nó khác tình yêu ở một điểm gốc, nó hình thành trong ta ngay trong quá trình ta trở thành ta, một con người, nó (là) ta. Lớn lên, tình yêu đôi lúc mở cho ta những nghiệm sinh tương tự. Vì thế nghệ thuật và tình yêu thích liếc nhau. Nhưng đã muộn. Ta đã nên người, đã nuôi trong mình cả một rừng già nhân cách, đã có khả năng khẳng định : sự vật là sự vật, thú là thú, người là người, khoa học là khoa học, văn là văn, em không phải là anh. Em ra đi, anh có thể chết nửa thân người, nửa còn lại tạm đủ để sống tiếp kiếp người. (Cái) Ðẹp kia là mẹ quyến rũ con, lôi kéo con vào một thế giới ảo, một thế giới thuần nhân tính, thế giới của tình người vô căn cứ. Yêu con, cho roi cho vọt là chuyện thuận lý. Phương pháp giáo dục ấy giúp con người bớt viễn vông, khiến nó thực tế hơn và, biết đâu, khoa học hơn ? Nếu muốn con luôn luôn thực tế, khách quan, có thể vận dụng phương pháp : mỗi lần chỉ cho nó một sự vật, dậy cho nó một từ ngữ, bèn quát : đẹp quá ! và táng nó một bạt tai nên thân. Chắc chắn, lớn lên, nó sẽ có óc thẩm mỹ khác người. Tình yêu vô căn cứ kia là nền tảng của khả năng tạo giá trị của con người, của khả năng thấy đẹp, của nghệ thuật. Vì nó "độc lập" với sự vật, với ngôn từ, với khái niệm, nên tính chất nghệ thuật, vẻ đẹp, giá trị của tác phẩm nghệ thuật không tùy thuộc kiến thức, các loại ngôn ngữ, vẻ hiện thực hay vẻ siêu thực của tác phẩm, không tùy thuộc truyền thống văn hoá, không lệ thuộc vật liệu, không lệ thuộc thời gian. Nó chỉ tùy thuộc khả năng lưu tình truyền ý qua ký hiệu của nghệ sĩ.

Ðẹp quá ! qua lời thủ thỉ ấy, trong tâm hồn đang chớm nở của con, trong khoảng khắc bừng tỉnh của ý thức, có tất cả, vũ trụ, cuộc sống, tư duy và tình người, có cảnhân loại đang tự tái tạo : có một người tặng cho người khác nhân cách của mình.Có Mẹ ở ta. Do đó con người có khả năng tạo khái niệm Thượng Ðế : nó tự tạo và trường tồn tới ngày tận thế, tới ngày Thượng Ðế hết là một vấn đề, tới ngày nhân loại vong thân. Do đó, ngày nay, người ta có thể không tin ở Thiên Ðường, nhưng vẫn có nhu cầu tin ở Chúa.


Dĩ nhiên, ta có thể nhận xét : trong thiên nhiên, các loài thú, nhất là những loài sống đàn, cũng biết phát và tiếp thu ký hiệu. Ta có thể phân vân về mức độ khác biệt giữa những ký hiệu ấy và ký hiệu của con người. Tuy vậy, có điều chắc chắn : chỉ có người mới có khả năng tạo cho ký hiệu mình phát ra một hình thái tồn tại độc lập với thân xác mình để chuyền mình cho người khác, chỉ có nó mới có khả năng sáng tạo, tái tạo tác phẩm. Tiếng hót của con hoạ mi tiêu vong với thân xác con hoạ mi. Nó không là tác phẩm, không thể gián tiếp truyền cho con hoạ mi khác. Nhạc Chopin không tiêu vong với thân xác Chopin. Nó có trạng thái tồn tại ngoài Chopin, mà người khác có thể tiếp nhận, hồi sinh : nó là ngôn ngữ, nó không bắt chước hoạ mi, hoạ mi phải bắt chước nó ta mới thấy đẹp.

Con người vừa là vật chất : nó sẽ có ngày cát bụi ; vừa là sinh vật : nó sinh ra để chết[16] và để sản sinh con người ; vừa là người : qua ngôn ngữ, nó truyền lại cho nhau bản thân nó và quá khứ thuần nhân tính của nhân loại. Nó đạt sự thực của nó (trong tư cách vật chất, sinh vật) khi nó sống đồng nhất với tạo hoá (identité de soi à la nature[17]), khớp với quy luật vận động của vật chất, với bản năng tồn sinh của sinh vật (không bay từ mái nhà xuống đất, ăn những gì dạ dầy có khả năng tiêu hoá, tôn trọng sinh mạng của đồng loại...). Nó đạt nhân tính của nó khi nó đồng nhất với nhân loại (identité de soi à l'Autre[18]). Nó đạt thẩm mỹ khi, qua hành động, nó đạt cả hai. Do đó, tác phẩm nghệ thuật không phải thế giới duy nhất của Ðẹp. Có thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động... đẹp. Có cú sút của Platini đẹp không thua tranh của Van Gogh, ngắm đi ngắm lại vẫn mê hồn. Không phải tình cờ người đời hay liên hệ tình yêu với Ðẹp. Trong đời sống hàng ngày, yêu đương thuộc loại quan hệ dễ lôi cổ ta tới ý niệm Ðẹp. Tình yêu đẹp thật khi, xuyên qua thể xác, hai tâm hồn nhìn nhận nhau, quyện lại thành một : nó vừa có thực, vừa nồng nàn thú tính, vừa đậm nhân tính, nó là nhân tình. Mình với ta tuy hai mà một. Không có gì cấm cản chuyện ấy xẩy ra mỗi ngày. Nghệ thuật cũng vậy, nó là kích thước thuần nhân tính của con người, hình thành trong ta từ tuổi thơ, khi ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh em, bè bạn, đồng loại... dậy ta làm người qua tình yêu vô căn cứ của họ.

Vì trong quá trình hình thành tư duy của ta, qua những lời bập bẹ học nói, ta tái tạo tuổi thơ của nhân loại, nên ta còn nhớ nó, còn nhớ sự liên kết giữa người với người đã tạo ra nhân giới. Tình mẫu tử thiêng liêng ở đó. Thượng Ðế, hoặc không có mặt như trong đạo Hồi, hoặc, đã có mặt người, phải có Mẹ. Con người thù hận nhau thường lôi mẹ cha, tổ tiên nhau ra mạt sát : họ cảm nhận rõ nguồn gốc nhân cách của nhau. Vì thế ta có thể xiêu lòng ngắm một nét họa của người thượng cổ trên vách đá. Vì thế người biết giết người để bảo vệ nhân cách của mình, của đồng loại, bảo vệ nhân giới. Không phải tình cờ, xưa nay, thiên hạ vẫn nghĩ nhân tình là nội dung cơ bản của nghệ thuật.

Nghệ thuật, để làm gì ?

Chẳng để làm gì hết. Ðể làm nghệ thuật. Ðể làm người. Hai câu đồng nghĩa. Trong thời đại cái gì cũng có thể mua, có thể bán, có thể xài, ai cũng khả nghi, nghệ thuật là một trong những không gian hiếm hoi của nhân cách.

2-1993
Chú thích

Tuy bài này đề cập tới vài quan điểm của Marx, Engels, Trần Ðức Thảo, khái niệm mâu thuẫn dùng trong bài này là khái niệm riêng, không trùng hợp với học thuyết mácxít. Ý kiến về quá trình hình thành khái niệm Ðẹp cũng vậy, tuy nội dung chủ yếu là của Trần Ðức Thảo.

Lý luận biện chứng dựa vào ba khái niệm khó hiểu của Hegel :

1) Thể đồng nhất của tương phản (identité des contraires).

2) Phủ định của phủ định (négation de la négation).

3) Lượng biến thành chất (transformation de la quantité en qualité).

Trần Ðức Thảo có phân tích sâu sắc khái niệm 3 trong Recherches dialectiques[19].

Sau đây, lối hiểu riêng về hai khái niệm đầu, xin trình bầy để thảo luận.

Câu một nói lên, ở mức trừu tượng nhất, tính thống nhất, vô ngã, vô thường của vật chất : vật chất (là) vận động, mọi hình thái tồn tại của nó đều có ngày biến dạng, chính vì chúng là hình thái vận động của vật chất. Một cách nói khác : chúng biến hoá do mâu thuẫn nội tại. Ðương nhiên, không thể hiểu mâu thuẫn nội tại như một cái gì ẩn nấp trong vật thể. Bửa một cục đá, chẳng bao giờ thấy một cái gì có thể gọi là mâu thuẫn nội tại của nó. Phải hiểu : cục đá, với tư cách là một hình thái tồn tại của vật chất, sẽ có ngày thành cát. Nguồn gốc sự nhập nhằng ở đây là thói quen suy nghĩ "cụ thể", "khách quan" của ta : chữ nội tại không áp dụng cho cục đá, nó áp dụng cho toàn bộ vật chất trong sự vận động liên miên của nó, qua đó cục đá hình thành và tiêu vong. Vật chất tự nó vận động, không cần một cái búng của Ðấng Thiêng Liêng ; hơn thế, giả dụ có một Ðấng Thiêng Liêng búng nó vận động thì, ngay sau đó, nó vận động theo quy luật của chính nó, Thượng Ðế không là giả thuyết cần thiết để hiểu sự vận động của vũ trụ. Những thí dụ Engels dùng để bàn về phép biện chứng trong Dialectique de la nature[20] làm ta khó chịu vì ông muốn cụ thể hoá ý tưởng của ông qua những hình ảnh thô thiển cho độc giả dễ tiếp thu. Ðiều này có thể hiểu được. Trong thời Engels, chưa có môn cấu trúc học (structuralisme)trong triết học. Nếu ta ý thức : cục đá là một cấu trúc vật chất lồng trong cấu trúc chung luôn luôn vận động của toàn bộ vật chất thì ta thấy đương nhiên nó phải thành cát bụi vì :

a/ nó không tồn tại độc lập với tổng thể vật chất.

b/ cấu trúc riêng của nó quy định tương lai nó : cát bụi.

Ðặc điểm của quan hệ tự phủ định của vật chất là : những vật thể phủ định lẫn nhau để cùng biến dạng. Trong quan hệ này, khái niệm môi giới không cần thiết, thậm chí vô lý. Trong quan hệ này, hoặc không có phủ định của phủ định, hoặc mọi phủ định đều là phủ định của phủ định, chẳng có gì khác nhau khiến ta phải tạo một khái niệm riêng. Có đặc biệt chăng là sự phủ định đầu tiên, khai sinh vũ trụ. Nhưng chuyện ấy còn là giả thuyết.

Khi xem xét tự nhiên ở mức trừu tượng nhất, không phân biệt sự vật, sinh vật, người, hay nói cách khác, chỉ xem xét người và sinh vật trong tính vật chất của chúng, những khái niệm tự phủ định, môi giới, phủ định của phủ định, phủ định thứ nhất, phủ định thứ hai, phủ định thứ ba và phủ định thứ tư của Hegel vô cùng khó hiểu và nan giải.

Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới thuần vật chất, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong thế giới sinh vật. Trong thế giới này, quá trình tự phủ định bao hàm hai hình thái. Hình thái thứ nhất xác nhận tính vật chất của sinh vật : một vật thể phủ định một vật thể khác để cả hai đều biến dạng. Quá trình này còn gọi là mâu thuẫn ngoại tại (tạm dịch từ contradiction externe), thể hiện quan hệ giữa sinh vật với thế giới xung quanh, nhìn từ "góc độ" của sinh vật (đương nhiên, từ "góc độ" của vật chất, nó là mâu thuẫn nội tại). Quan hệ này, như mọi quan hệ trong thế giới thuần vật chất, là quan hệ hủy diệt. Hình thái thứ hai thể hiện tính đặc thù của sinh vật : nó tự phủ định, xuyên qua quan hệ của nó với vật chất, để tái tạo chính nó. Nó trở thành nó xuyên qua vật chất. Trong hình thái này, những khái niệmmôi giới và phủ định của phủ định gắn liền với khái niệm tự phủ định, không có gì khó hiểu : trong tư cách sinh vật, nồi cơm là môi giới giữa ta và ta, ta phủ định nồi cơm để trở thành ta, đồng thời ta phủ định thằng đói để trở thành thằng no. Rồi ta ỉa : ta phủ định thằng no để trở thành thằng đói. Hình thái thứ hai của quá trình tự phủ định còn gọi là mâu thuẫn nội tại (contradiction interne). Mao Trạch Ðông đã biến những khái niệm này thành mâu thuẫn đối kháng (phải dẫn đến tiêu diệt nhau) và mâu thuẫn nội bộ (không đối kháng, có thể dàn xếp với nhau). Triết học của ông "phản ánh quy luật" sinh tồn của thế giới sinh vật. Ðây cũng là nền tảng triết học của nhiều trường phái "khoa học" nhân văn hiện nay. Ngày nay, kinh tế là thần tượng của chính trị vì vậy. Cũng vì vậy, công dân bắt đầu có khuynh hướng khinh chính khách và trí thức, nhưng vẫn quý trọng nghệ sĩ. Xưa nghệ sĩ hay ăn bám quyền lực, nay chính khách thích ve vuốt nghệ sĩ. Dễ hiểu : tả và hữu, họ đều là học trò tồi của Marx.

Khi ta chú ý tới sự khác biệt giữa thế giới sinh vật và thế giới người, ta phát hiện tính đặc thù của sự vận động trong nhân giới. Trong thế giới này (thế giới của tư duy, của ngôn ngữ), quá trình tự phủ định của tự nhiên bao hàm thêm một hình thái. Trong hình thái thứ ba này, chính con người làm môi giới cho con người, con người trở thành người xuyên qua quan hệ với người khác. Không những nó phải không ngừng trở thành nó, xuyên qua tự nhiên, như mọi sinh vật, nó còn phải không ngừng trở thành người, xuyên qua nhân loại. Nó trở thành người vì nó là nhân loại, và nhân loại trở thành nhân loại xuyên qua cá nhân nó. Ngoài quan hệ ấy, chỉ có một bầy thú. Mâu thuẫn ấy là "không gian" vận động của kiến thức, khoa học, văn học, nghệ thuật, giá trị... Sông sẽ cạn, núi sẽ mòn. Nhưng lời thề khắc sâu vào xương tủy, nỗi đau nhân tình, 2+2=4, E=Mc 2, có thể "tồn tại" cho tới ngày loài người vong mạng. Khi ta rung cảm trước cánh chim lạc khắc trên trống đồng, khi ta buột miệng nói Con dại, cái mang, ta khẳng định điều ấy. Mẹ ơi, sao nỡ dậy con chữ Ðẹp !

[1] Thượng Ðế không là nghệ sĩ ; Ông François Mauriac cũng vậy.
[2] Thiên nhiên bắt chước nghệ thuật.
[3] Những người thợ xẻ, Nguyễn Huy Thiệp.
[4] chỉ có sức mạnh vật chất mới đánh quỵ được sức mạnh vật chất.
[5] Lênin có quan điểm nghệ thuật rõ ràng. Tuy vậy, ông không ưa giải quyết những vấn đề nghệ thuật bằng quyền lực. Xem một triển lãm tranh, ông đã từng than : phải chi có thời giờ tìm hiểu, sẽ khám phá biết bao điều làm phong phú học thuyết mácxít.
[6] không có vật chất phi vận động.Engels, Dialectique de la nature.
[7] không có gì tự diệt, không có gì tự sinh.
[8] Mọi sự đều phải suy tàn, mọi sự đều phải chết.
[9] Là cát bụi, ngươi sẽ trở về cát bụi.
[10] Hãy sinh sôi mạnh mẽ, hãy nhân lên, tràn ngập quả đất, và làm chủ nó...
[11] ngươi sẽ không giết người
[12] Ta là Tha nhân
[13] tạm dịch từ intentionnalité ; định nghĩa chính xác, xin xem Phénoménologie et matérialisme dialectique, Hiện tượng luận và duy vật biện chứng.
[14] khoảng cách giữa ngôn ngữ và hiện thực.
[15] Ngôn từ, J.P. Sartre
[16] êtreỞpourỞmourir kiểu Heidegger
[17] đồng nhất giữa ta và thiên nhiên
[18] đồng nhất giữa ta và tha nhân
[19] Nghiên cứu lý luận biện chứng.
[20] Biện chứng của tự nhiên


Nguồn:amvc

Kẻ tiểu nhân,anh và tôi là ai?

Tác giả : Cảnh Thái

Ai cũng muốn mình không phải là kẻ “tiểu nhân”
 Vậy cuộc đời sẽ thật tươi đẹp ! Có gì hơn khi ta sống mà không phải lo lắng gì, không phải lo toan vì có kẻ “tiểu nhân” sẽ hại người lương thiện.
Những đêm hôm có việc tiếp khách hay công tác về khuya, cuộc sống về đêm làm ngạc nhiên những kẻ ít lang thang hoặc không có tâm hồn lãng tử. Thế giới về đêm của Sài gòn thật lạ dù tôi đã sống cả đời ở nơi này.
Ánh đèn khuya lung linh, hàng quán nhiều nơi vẫn mở cửa dù quá nửa đêm. Chỉ có biết nơi biết chỗ để vào hay không.
Các vũ trường nhộn nhịp với tiếng nhạc được DJ mở hết công suất và điều tiết thay đổi tiết tấu phải gây ngạc nhiên cho những gã say rượu lơ mơ.
Toilet với người phục vụ mẫn cán đứng hẳn trong nhà vệ sinh chờ khách ra để đưa khăn lau tay với sự đón chờ chút tiền còm từ vị khách béo tốt cho vào một thùng như thùng công đức ở các đình chùa ! Kẻ tiểu nhân kia, sao anh lại làm nghề này ?
Những đêm khuya lặng lẽ, trời trút cơn mưa như hờn giận ai đó, cơn mưa có thể thổi bay mũ nón, áo đi mưa, làm ướt sũng những kẻ vô tình trong cơn giận dữ của đất trời. Ai đó đẩy xe rác vội vàng trên đường, áo xanh vàng phản chiếu ánh đèn, dáng nặng nhọc cố sức đẩy xe về phía trước. Ai chấm điểm công, điềm thưởng cho cơn mưa bất chợt nặng nề này. Một kẻ tiểu nhân không biết chọn nghề phải gánh chịu những thứ mà người đời gọi là rác rưởi hôi thối, kiếm sống bằng sức lực lao công trên suốt các chặng đường đời.
Vỉa hè có nhiều phế nhân, lữ khách không nhà tạm dừng chân an giấc trong cơn gió lạnh trước những thềm nhà lúc lạ lúc quen.
Góc đường tối sáng còn có các bác xe ôm, các cô gái của thế giới về đêm, các bác bảo vệ cơ quan, những người mua gánh bán bưng, các công nhân ca đêm, và tất cả đang thức cùng một đêm và qua nhiều đêm với những người lính trên khắp các nẻo đường biên cương Việt Nam.
Sáng ra, trời quang mây tạnh, thành phố quay lại nhịp sống ban ngày hối hả.
Hối hả … hối hả … như ai cũng biết mình có không tới một trăm năm chờ đợi, trăm năm yêu thương, hy vọng nhưng chưa chắc đã có một vài năm hạnh phúc !
Những chiếc xe máy chen lấn giành nhau từng tấc đường, nửa bánh xe để vượt lên nhanh hơn.
Các va quẹt, đụng chạm xãy ra là chuyện thường tình. Dễ thì lườm nhau một cái, khó thì cự cãi đánh nhau bươu đầu sứt tráng nằm bệnh viện hoặc về chầu trời cũng là chuyện thường.
Kẻ sĩ và các “đại nhân” gặp những lúc khó nhọc, trời nóng nực có khi cũng “phàm phu tục tử” như chơi.
Xe ô tô đời mới trong thành phố không hề thiếu biển xanh biển trắng. Hai cửa tới bốn năm cửa, gầm cao gầm thấp, 6 hay 8 máy, loại nào thế giới có là ta có. Nhập siêu hay lạm phát là chuyện ở rất xa. Tiền của “đại gia” sài vài trăm năm với nếp tiêu tiền hiện tại cũng chưa hết đâu mà lo !
Các VIP ngồi xe xịn, có người thư thái vô ưu nhưng cũng khối người đăm chiêu khó nghĩ, trán nhăn, tóc bạc, đầu hói, khóe mắt hằn dấu chân chim không thẩm mỹ viện nào xóa giúp được.
Các tòa nhà biệt thự mỗi lúc thêm hoành tráng cả về diện tích khuôn viên lẫn qui mô kiến trúc xây dựng và nội thất có thể dễ dàng làm “lay động” lòng người bình dân và dựng cả tóc gáy nếu biết giá tiền của những vật dụng bên trong các ngôi biệt thự này.
Âu cũng là người Sài gòn biết sống, biết dung hòa sự khác biệt, chấp nhận sự phân hóa xã hội tạo nên những đẳng cấp sống rất khác nhau.
Kẻ tiểu nhân đành phải sống phận đời thấp kém về vật chất, tinh thần mà mãi không hiểu tại sao tôi lại khốn khổ thế này.
Đành rằng nghề nghiệp nào cũng lương thiện hay cao quý, nhất nghệ tinh – nhất thân vinh, người đời vẫn gọi tôi, nghĩ về tôi, thương hại cho tôi là kẻ tiểu nhân vì bước đường “cơm áo gạo tiền” đôi khi lòng “tham sân si” của tôi đành trỗi dậy thắng thế, thậm chí tôi sử dụng chút thủ đoạn hẹp hòi để kiếm thêm chút miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình.
Không biết có kẻ tiểu nhân nào may mắn có được đời sung sướng, không phải làm việc khó nhọc hay học hành phấn đấu vất vả mà vẫn lên xe xuống ngựa, công thành danh toại hay không?

15 June 2011

Nguồn : Văn Hoá Nghệ An

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Người hành khất quảng đại

Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.

Vừa thức giấc, người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Ông đếm từng đồng xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại.

Nguồn : Internet

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Bớt đi cái xấu là ta đã gieo mầm cho cái tốt.

Là kẻ phàm, chắc chắn không ai có thể hoàn hảo. Trong mỗi con người chúng ta luôn tồn tại cái tốt và cái xấu, không ai tốt hoàn toàn và cũng không ai xấu hoàn toàn, không ai có thể toàn thành công cũng như không ai chỉ hoàn toàn thất bại, không ai hạnh phúc tất cả và cũng không ai là toàn bất hạnh. Nhưng có một sự thật là có sự khác biệt giữa những con người. Tốt hay xấu, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh,...tất cả tuỳ thuộc vào chính thái độ của mỗi người.
Ta không mong vào sự hoàn hão, nhưng trong mổi chúng ta, bất kỳ ai, đều có thể tốt hơn. Hãy sống tích cực, suy nghĩ về những điều tích cực.
Bắt đầu bằng cách bớt đi những cái xấu. Giảm đi cái xấu tức là ta đã gieo mầm cho cái tốt phát triển.

Hành Khất

Xây dựng cuộc sống tích cực

1. HỌC HỎI


Để phát triển tinh thần, chúng ta cần đến sự hiểu biết. sự hiểu biết sâu sắc đặt ta vào khuôn khổ đúng đắn của tâm trí, dẫn dắt ta đến với sự thông suốt. Nó còn mang đến cho ta khả năng biết sự việc với một cách nhìn hoàn toàn mới, loại bỏ các cách thức cũ, không hiệu quả, mang lại một luồng sinh khí mới mẻ cho cuộc sống.
Sự hiểu biết dù được gọi là tri thức hay trình độ nhận thức, hay sự nhận thức, hoặc bằng một cụm từ có ý nghĩa to lớn nào khác, cũng sẻ chỉ mang lại kinh nghiệm thực tế khi nào ta hành động dựa trên sự hiểu biết ấy. Và kinh nghiệm thực tế có được, qua quá trình thực hành,sẻ biến lý thuyết thành hiện thực. Hiện thực làm tăng sức mạnh nội tâm. Quy trình này là một sự tiến bộ.
Sự hiểu biết, đôi khi, đến nagy với chúng ta, nhưng thường thì cần phải có thời gian. Sự hiểu biết là nền tảng của sự học hỏi.
Trong học tập có sự tiến bộ, và trong tiến bộ có niềm vui. Chúng ta luôn học tập và thử nghiệm để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ví dụ, Leonard de Vinci muốn khám phá ra cách giúp con người bay. Nhưng những người cùng thời với ông khăng khăng rằng nếu thượng đế muốn con người bay, ắt hẳn Ngài đã tặng cho con người đôi cánh như Người đã tạo ra cho chim chóc. Họ cho rằng chỗ của con người là trên mặt đất. Bất chấp những lời này, Leonard vẫn cứ cố gắng. Dù cho thất bại, Leonard de Vinci vẫn được con người nhớ đến qua những nổ lực và ý chí của ông trước sự chống đối của những người cùng thời. Bốn trăm năm sau, phi trường ở Roma đặt tên là phi trường Leonard de Vinci.
Sự thật thì điều chúng ta biết không bao giờ là đủ. Cuộc sống luôn tiếp diễn, luôn có những điều cần đến khám phá và luôn có những điều mới để học hỏi.


2. KIÊN NHẪN


Kiên nhẩn là sẵn lòng làm việc để đạt được kết quả như mong muốn. Điều tốt đẹp, tích cực, sự thật không thể có được ngay tức thì hay tự động mà có, chúng đòi hỏi phải có thời gian và phải trải qua quá trình tiến triển theo từng đoạn. Có những lúc chúng ta phải hành động, nhưng có những thời điểm chúng ta phải chờ đợi. Nhưng thành công chỉ đến khi ta có những quyết định hợp lý, đúng lúc. Con người thường cố buộc sự việc phải xảy ra. Đôi khi sự ép buộc này có hiệu quả, nhưng ngay sau đó, trong chúng ta không có cảm giác đã hoàn thành một cách đúng nghĩa. Nếu sự thành công được gặt hái qua một cuộc chiến hay một sự sung đột thì chiến thắng ấy chỉ là một sự trống rỗng.
Những thành quả tốt đẹp nhất không chỉ phụ thuộc vào bản thân chúng ta hay công sức của riêng ta mà còn đến từ việc học cách chấp nhận thực tại-hoàn cảnh và những người trong mối quan hệ của chúng ta. Hãy để họ là chính họ và những tình diễn ra một cách tự nhiên. Chắc chắn mổi việc chúng ta làm điều có một mục đích rõ ràng,tuy nhiên,chúng ta không nên bám quá chặt vào mục đích, tìm cách đạt được nó bằng mọi giá. Chính sự đeo bám đó sẻ khiến kết quả công việc của chúng ta bị hạn chế. Khao khát đạt được thành quả sẻ tước đi sự trong sáng khỏi những hành động của chúng ta. Lúc đó, những gì chúng ta làm điều phụ thuộc sự toan tính.
Thành công thực sự luôn dựa trên sự cộng tác tích cực. Người cộng tác không chỉ nhìn thấy vai trò của mình mà còn nhìn thấy vai trò của người khác. Và bản thân chúng ta cũng không nên quên trách nhiệm của riệng  mình trước sự đóng góp của người khác. Chúng ta khong được quên quy luật quân bình.
Không hành động không có nghĩa là kiên nhẫn. Không hành động có thể đồng nghĩa với thờ ơ, hờ hững. Một khi châm chước cho thái độ thờ ơ, hờ hững thì trong nội lực của chúng ta không còn chỗ cho nổ lực khát vọng, phấn đấu hay tự cam kết với chính mình
Chúng ta nên gieo những hạt giống hành động đúng đắn và tưới chúng bằng tinh thần trách nhiệm và sự chăm chút. Đừng bao giờ gò ép hành vi hay tìm cách đi ngược lại quy luật tự nhiên, vì như thế những tham vọng,những ham muốn ích kỷ sẻ phá huỷ vụ mùa. Không thể có được thành công-đúng nghĩa hạnh phúc và mãn nguyện-nếu như luôn có một sự can thiệp, thao túng của tham vọng và những suy nghĩ không trong sáng. Chúng ta hãy làm việc bằng sự tôn trọng đối với những quy luật tự nhiên và điều tốt đẹp vốn có sẻ hiện ra từ bản chất sự việc.


Trích : Tư duy tích cực

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ : Kỳ 3


Đại khái cái tình hình buôn bán. Cái lợi độc quyền. Nghề buôn lúa gạo. Mấy điu dân tham ca h. cuc buôn bán ca Hoa kiu, do mt người Pháp bán.
          Xứ Nam kỳ ta là một trường hợp rất hay cho cái nghề sở trường của họ, là nghề buôn bán, cho nên ta thấy Hoa kiều trong 90 phần 100 là nghề buôn bán, nội những đồ gì họ bán rất có buôn, mình hay mua tất có bán, nghĩa là họ hiểu sâu đến cái tâm lý cùng sự nhu dụng của mình, và liệu trước được thời cơ về đường tới lui của hàng hoá lắm.
          Thành phố Sài Gòn là một thị trường to, trong 4 phần, ta thấy đến 3 phần của Khách trú, san sát ở phố Catinat, đường Charner, chợ Mới, chợ Cũ, từ hàng buôn to, công ty lớn, cho chí cửa hàng cửa hiệu tầm thường, đều treo cờ buôn người Tầu cả, đông đúc rộn rịp đến nỗi rằng: những phố buôn bán to, không có nhà mà thuê dọn hàng được nữa thì ở hai bên hè phố, cứ cách mấy thước họ lại dựng lên một cái quán nhỏ, trông vuông vắn đẹp đẽ lắm, để bán hàng đông đúc rộn rịp đến nỗi thuê một cái cửa hàng, mà họ thường các tiền nhau đến hàng nghìn bạc. Chợ Lớn lại là một thị trường hoàn toàn của Khách trú, chỉ thấy ta chen vào được mấy tiệm thợ may, tiệm bán đồ vàng bạc, và nhà cho thuê ôtô. Tây thì chen được vào một cửa hàng bào chế, mà mấy hàng tạp hoá mà thôi, kể sự buôn bán hoạt động của thành phố này, thì tưởng nước ta không có chỗ nào hơn được nữa, như những phố Paris, phố Marin, phố Chợ thì đồ xộ quá chừng, không lấy gì hình dung ra được, chỉ biết là đi quanh trong đường phố, cứ gặp mười người Tầu, mới gặp ba người mình, như thế thì Chợ Lớn tuy là đất Nam kỳ, mà là áo môn Thượng Hải của họ vậy.
          Còn như ở Lục tỉnh, thì tỉnh nào Khách trú cũng chiếm già nửa, thứ nhất ở mấy tỉnh Hậu Giang là kho tiền bạc của xứ Nam kỳ thì khách trú lại càng kinh doanh lắm. Hai bên duyên giang biết bao nhiêu là lò gạch, lò gốm, châu vựa lúa, lò nấu đậu phủ ky (phủ trức).v.v…. Trong những chốn nhà quê xa châu thành, một xóm cũng có sáu bảy tiệm các chú buôn bán giá mình có cần be rượu mà uống, hay hoặc cân thịt mà ăn, phần nhiều cũng phải đến quán rượu và hàng thịt các chú cả, mấy tiệm ấy thường trử những vật cần dùng hàng ngày như là dầu hoả, nước mắm, và hương đèn nến, bán chịu cho người mình để lấy lúa, cứ một đồng bạc thì đến mùa giả 3 giạ thúng. Họ lại bán lúa ấy ra cho các nhà máy gạo mỗi giạ từ 1$00 cho tới 1$40, 1$50. Bấy nhiêu cũng đủ biết cuộc buôn bán của họ bao la lắm rồi.
          Xem đại khái thì ta cũng đủ biết họ bố trí cuộc buôn bán là lấy Chợ Lớn làm nơi tích trữ, lấy Lục tỉnh làm trườn tiêu thụ, hàng buôn to, tiệm buôn nhỏ, làm ỷ gốc cho nhau rất là vững chãi. Đường vận tải giao thông của họ trong Nam kỳ càng tiện lợi lắm, vận tải giao thông nước họ và nước ngoài thì họ đã có hải thuyền bản quốc đi lại luôn luôn ở cửa bể Sài Gòn, hàng hoá trở sang trở về bớt được kinh phí nhiều lắm vận tải giao thông trong xứ, dưới thuỷ thì các tầu thuyền của họ tự biện lấy hết, trên bộ thì xe bò xe ngựa toàn là họ làm chẳng phải nhờ đến ai cả.
          Nói tóm lại, không kể những nơi châu thành là những nơi ta xúc tiếp toàn với người Hoa kiều đã đành, đến những nơi thôn quê hẻo lánh, có dễ không khi nào ta đi một giờ đồng hồ, mà không trạm phải một vài tiệm Khách trú bán hàng, để cung cấp mọi sự nhu dụng cho người Nam kỳ, như thế cũng muốn ta để chế họ, thì có phải là dễ làm đâu.
          Trong trường buôn bán, hễ kiếm được “độc quyền” nghĩa là thứ hàng gì cũng chỉ có một mình mình được quyền buôn quyền bán, mới thật là một mối lợi to. Độc quyền chỉ lợi cho một người, một hội, hay là một đảng người, mà có hại to khắp cả chỗ hoàn cảnh, vì một thứ hoá sản gì mà đã có độc quyền thì chỉ có tham lợi mà không có cạnh tranh, không cạnh tranh chẳng những không tiến bộ, mà lại có hại, hại cho đường sinh hoạt, đường tiến thủ của rất nhiều người, bởi thế cho nên, không kể là thứ độc quyền gì, càng lối độc quyền như thế nào, đều là đáng ngờ đều là có hại cả.
          Hoa kiều buôn bán ở nước ta mà được thịnh vượng như thế kia cũng bởi độc quyền, cái độc quyền của họ không phải chính phủ nào ban cho, cũng chẳng phải dân tộc nào đem cúng, thế mà ai phạm đến độc quyền của họ thì họ phạt cho nặng hơn là luật pháp, nghĩa là họ đã buôn thứ gì, làm nghề gì thì họ chỉ giữ lấy cái quyền cái lợi được buôn thứ ấy, thì họ cũng chẳng có phép nào bảo nghề ấy hàng ấy là nghề lậu, hàng lậu, như là bảo là rượu lậu, thuốc phiện lậu, muối lậu.v.v…nhưng mà họ hạ nhiều độc thủ, làm cho ta phải thất bại ngả nghiêng, khó có cái thế gì mà tranh lại với họ. Ví dụ họ chế thứ gì, mà ta cũng chế thứ ấy, thì lập tức họ hạ ngay giá xuống trong mấy tháng rồi chịu lỗ, là mình đủ chết, một là vì mối hàng, họ quen, hai là tư bản họ sẵn, mà ta thì mối hàng bỡ ngỡ, tư bản ít ỏi, có ai có nghị lực mà đối địch được với họ, cũng là hiếm thấy vậy.
          Không những họ bịt đường tiến thủ của ta ở trong nước mà thôi, họ lại bịt đường ta trực tiếp giao thông với ngoại quốc nữa. Ta nên biết rằng, mối hàng vật sản của ta ở ngoài, phần nhiều là mối hàng của khách trú, ta lại nên biết rằng: vật sản ở ngoài tiêu thụ vào ta, thì cũng phần nhiều khách trú là mối hàng của khách trú, thế nghĩa là buôn ra bán vào, độc quyền cũng ở tay họ, không để cho ta biết được rằng thứ này đem ra bán ở đâu, thứ kia đem ra mua từ đâu, hoặc như có tìm cách được trực tiếp giao  thiệp gì chăng nữa, thì dễ có khi mua không có ai bán, khi bán không có ai mua, vì bao nhiêu đường lối ngạch nguồn, đều bị họ rào vấp cả vậy. Trong Nam kỳ dùng hàng tầu nhiều quá, từ già trẻ lớn bé, không có một người nào không có quần áo hàng tầu, chẳng phải đâu thông thường như ngoài ta chỉ quần sổ áo vải, cho nên những hàng tơ lụa của Tầu như cẩm châu, lục soạn, vóc nhiễu.v.v… tiêu thụ ở Nam kỳ nhiều quá, những thứ hàng này sản ở bên Tô Châu, Hàng châu phần nhiều, mà chỗ xuất phát là Thượng Hải. Người mình có người một người buôn bán to ở Sài Gòn, biết thóp cái tổ của nó ở đấy, và món lợi này là món lợi to, bên giao thiệp thẳng với mấy cửa hàng tơ lụa to ở Thượng Hải, thoạt tiên mấy chuyến thì cũng mua bán như thường, giá có rẻ thật, về sau thấy bên ấy bán mỗi ngày một cao, trừ tiền thuế nhập cảng chưa nói, còn so với giá mấy cửa hàng tơ lụa ở của Khách trú bán bên này, thì lại thành ra đắt hơn một tí, sau mới biết té ra bọn kiều thương bên này điều đình với những nhà bên kia đừng bán, vì nếu thế thì hàng của họ bên này phải đình trệ.
          Những khách mua hàng xuất cảng của ta, như gạo, ngô, bông gôn, cá mắm v.v… thì phần nhiều là người Tầu hay là người Tầu làm đại lý cho cửa hàng ngoại quốc tại các thương phụ lớn, như Hương Cảng, Thượng Hải, Hoành Tân, Tân gia pha, cho nên, giá bây giờ mình có đem sản vật của mình xuất cảng ra bán cho những người kia, thì một tiếng của bọn kiều thương trong này, lập tức đồ hàng của mình chẳng có chỗ bán, vì họ bảo nhau đừng mua, như thế thì mình xuất cảng với ai, cho biết cái độc quyền buôn bán ở ta bọn Hoa kiều không cho ta phạm vậy.
          Trong sự độc quyền của họ, còn có cái nghĩa đùm bọc lẫn nhau, họ cũng có cạnh tranh với nhau, nhưng cạnh tranh là để khuyến khích nhau, chớ không phải để giết nhau, cho nên ta thường thấy mấy cửa hiệu khách, cùng bán một thứ, ganh đua xô sát nhau trong mấy hôm, rồi lại mở tiệc hoà giải với nhau ngay, không mấy khi hại nhau đến một còn một mất, có chăng chỉ đối với ta mà thôi. Chẳng những không cạnh tranh độc ác với nhau, mà lại khéo nhường nhịn nhau nữa, nghĩa là hiệu to vẫn che chở cho các tiệm nhỏ, thì hiệu to hay dìm hàng ít hôm, cho các hiệu nhỏ bán đi đã; lại khi thấy khi có thứ hàng gì mới đến, thì hiệu to để cho tiệm nhỏ bán trước, rồi tự mình mới bán sau, ví dụ như mỗi năm đến mùa chè mới, thế nào thì thứ chè tạp hiệu có bán trước, chán chè mới đến chè chính hiệu bán sau, vì họ khéo nhường nhịn nhau thành ra trong việc buôn bán, cái tiếng “dọng hàng” hay “ế hàng” ít thấy họ dùng đến lắm. Họ buôn bán lại có hò ứng với nhau làm, thí dụ lúc này trong Nam kỳ hút môn gì, như là sợi, vải, ruợu, thuốc.v.v... mà bọn Hoa thương ngoài Bắc nhiều món đó, thì họ đánh giây thép cho bọn ngoài này, gửi vào mà bán, trái lại, bọn ngoài Bắc có khan thứ hàng nào, mà bọn trong này có thì cũng gửi ra như thế, té ra trong cuộc buôn bán, cái gì lợi là trong tay họ chiếm lấy phần cả.
          Cái độc quyền to nhất của bọn Hoa kiều trong Nma kỳ là ở nghề buôn thóc gạo.
          Xứ Nam kỳ ta là xứ sản xuất thóc gạo thứ nhì hoàn cầu, sau nước Điến điện, vào khoảng ba bốn năm nay càng được mùa lắm, có người đã tính mỗi người Nam kỳ mỗi năm sản xuất được 555 cân tây (kilogrammes), mà mỗi người ăn mỗi năm chỉ hết 140 cân tây mà thôi, bởi thế mỗi năm xuất cảng non 2triệu tấn, ấy là còn 2triệu mẫu đất bỏ hoang chưa vỡ, không thì còn nhiều thóc gạo nữa. Trong non hai triệu tấn gạo xuất cảng đó, chia làm 100 thành, thì Hoa kiều chiếm đến 60 thành. Ta tuy cũng có ít nhiều nhà máy xay lứa, nhưng cũng chỉ xay bán lại cho Khách trú thôi. Hiện nay, tại Chợ Lớn, có 18 nhà máy gạo cả thảy, trong số đó công ty Rizeres dExtreme Orient có 4 nhà, mỗi ngày xuất phát được cả thảy 2.600 tấn gạo, và một nhà của công ty máy rượu (Societe des Distilleries de Iindochine) mỗi ngày 600 tấn, còn bao nhiêu là của Khách trú hết, họ có 6 nhà máy gạo to, mỗi ngày xay được 100 tạ là ít, trước mặt có bến thuyền của họ vận tải ra bến tầu Sài Gòn, đã có tầu buôn họ ở Hương Cảng, Thượng Hải sang chờ để chở đem ra ngoại quốc.
          Trong nghề buôn bán thóc gạo của họ, mặt nào cũng có lợi to cả. Trươc hết là người đi mua lúa về các nhà máy, những người này cũng là các chú, đi tán bố ra khắp các miền nhà quê để mua lúa, bọn này có thể được gọi là con sâu mọt trong lúa gạo Nam kỳ, vì chúng ăn chặn bắt chẹt cũng là lường gạt ta, nhiều điều tệ quá. Cứ đến mùa gặt xong, là đến mùa thuế mà và công nay việc kia, cần phải chi tiêu nhiều, sẵn lúa thì phải bán. Hoa kiều thừa lúc này bắt chẹt ta, giá lúa 130$ một trăm giạ, thì họ chỉ mua 115$ mà thôi. Là thường khi giá lúa cao mà nói hạ, để gạt nông gia mình không được tường thị giá hàng ngày, chỉ bằng ở mồm họ mà định việc buôn bán. Tình tệ còn nhiều không thể nào nói hết được, các nhà nông Nam kỳ phần nhiều cũng biết đấy, nhưng thóc lúa chất đống, chẳng bán cho Khách trú thì bán cho ai?.
          Lúa mua các nơi, lại cũng thuyền bè của họ trở về các nhà máy gạo ở Chợ Lớn để xay. Số gạo xuất cảng mỗi năm Khách trú được bao thành, thì đã có định hạn, vì còn phải nhuờng phần cho các nhà máy tây. Bởi thế khi số cua họ đã bán hết rồi, thì họ mua lại của các nhà máy gạo Tây để đem bán ra nữa, thành ra giá gạo ấy phải cao lên một tầng. Kể từ khi còn là hột thóc, mà đến khi thành thân hột gạo đem ra bán ở ngoại quốc được, thì phải trải qua mấy lớp, nào là bòn đi mua lúa, nào là nhà máy gạo, nào là các nhà đại lý của họ ở Tân gia Pha, Hoàng Tân, Hương Cảng.v.v... nhân đó giá gạo dẻ mà thành đắt, ta lợi ít mà họ lợi nhiều, ấy chưa nói đến lòng tham mưu độc của họ, đem pha trộn thứ xấu vào thứ tốt là để gạo ẩm cho nặng cân, làm mất giá trị gạo của mình ở thị trường thế giới nữa.
          Các nhà máy gạo của Khách trú, trong các tỉnh cũng rải rác có nhiều, nhưng mà nho nhỏ, chẳng những xay gạo để bán xuất cảng mà thôi đâu, lại còn bán lẻ nữa. Trừ ra mấy chợ thôn quê, xay giã lấy mà ăn, còn các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn cùng các nơi tỉnh lị, ăn gạo lẻ đều phải mua cửa hiệu của Khách trú, cho nên nghề buôn bán thóc gạo trong Nam kỳ đều ở tay họ lũng đoạn hết. Có thể nói được rằng các nhà nông gia ta chỉ cậm cụi cày cấy, đến khi có lúa gạo thành kho đụn, thì ở tay mấy chú Hoa kiều giữ mà phân phát ra, nói tóm lại các chú làm ông chủ nhân và lúa gạo Nam kỳ, mà Chợ Lớn là một kho chứa. Năm có phong trào tẩy chay, khách trú ở các tỉnh đã phải lục tục chạy về Chợ Lớn là kinh đô của họ, mà dám nói rằng, cho người Annam vây bọc Chợ Lớn mấy năm, Khách trú cũng chẳng chết đói, xem thế thì cái nghề buôn bán thóc gạo của họ to tát biết chừng nào.
          Vốn buôn thóc gạo của họ to lắm. Nhà máy nào và nhà buôn nào cũng có vốn từ vài ba mươi vạn trở lên cho đến hàng triệu cả. Ngày đầu năm kia (1922) họ có một hiệu Nghĩa xương thành (TQ) là nhà buôn gạo to nhất, lỗ vốn mất 10 triệu, xem cái lỗ vốn của họ như thế, thì tức khắc biết trong cái nghề này, ta làm gì mà địch lại được. Nhà máy gạo của ta có ăn thua gì! Hội Nông Nghiệp Tương Tế đã có công hiệu gì không.
          Sau cuộc buôn bán thóc gạo, đến cuộc buôn bán tơ lụa, buôn vải sợi, buôn tạp hoá v.v.... nói tóm lại, công cuộc buôn bán của họ cái gì cũng có vẻ thịnh vượng phát đạt hết cả.
          Ta nên biết rằng cái nghề buôn bán của người Hoa kiều thật là đủ điều, không những là giỏi giang, khôn ngoan, sành sỏi, riết róng, mà lại có nhiều cách quỷ quái nữa. Họ buôn bán với lòng tin của ta, hễ cái gì mua của các chú mới được của tốt của thật, nhưng cũng bởi thừa cái lòng quá tin của ta, họ mới sinh ra bụng quỷ quái, thóc gạom sợi vải cũng rấp nước đi để cho được nặng cân, vải bán cũng đánh tráo thước ngắn thước dài, đồ tơ lụa cũng lộn xòng đồ tốt đồ xấu, gặp người nhà quê thì tha hồ nói thách, phải kẻ mua hớ thì ra sức đánh lừa, nói tóm lại sự buôn bán dan tham phần nhiều của người Tầu, thì người ngoại quốc đã kêu ca, lựa chi ở đây là xứ, trong việc buôn bán hãy còn dần, họ càng sinh được  cái lòng ấy lắm.
          Cách buôn bán quỷ quái của họ, dáng phục nhất là cách buôn bán không xu, thật giản dị và tầm thường, quanh quẩn trong một thành phố đó thôi, được lời lãi nhiều mà phí công phu rất ít. Ví dụ như một chú giỏi về mặt ấy, biết món hàng hoá nào ở hàng này bán sụt giá, thì mua về cất cả, sếp đó chờ lúc nào cao giá mới bán ra, có khi đi dò la, thấy tiệm ở góc này bán món hàng ấy giá bao nhiêu, nghĩ có phần rẻ, chú ta bèn chịu giá mua cất hết, rồi cứ gủi lại đó đã mới chạy đến tiệm khác, hoặc là Annam, hoặc là Chàvà để dạm bán, nếu thấy lời thì chở món hàng chú ta đã mua ở hiệu kia mà đem về, té ra buôn không vốn liếng, bán không cửa hàng, chỉ nhờ về lời nói và công đi, thế mà cũng có lợi to chắc chắn, chẳng quỷ quái mà làm được như thế ư?.
          Họ quỷ quái hết sức, nên thường gạt mấy ông chủ điền ở Nam kỳ ta phải lắm miếng cay đắng lắm. Thường thấy mấy chú lập chành ăn lúa gạo tại Lục tỉnh, làm quen đủ mặt các ông chủ điền, chủ điền mà làm quen với Tầu kê (tiếng khách gọi là người làm chủ) thì dễ lắm, chưa đong lúa chớ muốn mượn trước mấy trăm mấy ngàn cũng được, ấy là các chú dùng cách “thả con săn sắt bắt con cá rô” vậy.Vì thế cho nên khi thì chủ điền thiếu bạc tầu kê, khi thì tầu kê thiếu bạc chủ điền, chở lúa rồi mới về chòng bạc là sự thường. Lại thêm văn hoá nói của mấy chú như thế khéo lắm, nghe rất bùi tai, thành ra mấy ông chủ điền ta chẳng nệ gì năm bẩy nghìn một vạn mà cho tầu kê chở lúa. Sự thường một giạ lúa, người ta mua có 1$30, mà tầu kê mua tới 1$35, hám cái 5 xu ấy mới chết ! có khi chở hai ba kỳ lúa mới trả hết tiền một lần, mấy ông chủ điền ta, bị ngu lộng thế mà chẳng hay, lại nói rằng bạc để tủ sắt tàu kê cũng như để tủ sắt mình, mất đi đâu mà phòng sợ.
          Tầu kê làm một vài chuyến sòng phẳng, để kết lòng tin như thế đã, rồi mới giở ngón ra, đong chịu của ông chủ điền này một vài ngàn, ông chủ điền kia năm bẩy ngàn, tính đâu chừng được một vài muôn, cũng nói rằng chở lúa lên nhà máy Chợ Lớn, rồi về chồng bạc thế rồi là chim rời cá nước, bằn bặt mất tăm hễ hỏi thì nói tầu kê còn ở Sài Gòn chưa về, hay là còn đi nằm uống thuốc đâu đó, một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, thấy nhà cửa còn đó tủ sắt còn kia, thì chẳng nghi ngại gì, chừng nghe rõ bao nhiêu nhà cửa ruộng nương, đất đai, bà con đã sang tên cho Tầu kê rồi, bấy giờ mấy chừng hững, người biết đâu mà tìm, kiện lấy gì mà làm chứng, đành phải nín tiếng thở dài mà thôi. Hoặc có kiện ra được mấy chú cũng chịu ở tù ba năm mà thôi, mà gạt được ba vạn đồng, chuyên sang tay người khác hết, thì khoắng được mấy vạn, ngồi tù mấy năm chơi, hết tù là hết chuyện. Than ôi ! mình làm bồ hôi nước mắt quanh năm, mấy chú chỉ có vớ một ngày là sạt nghiệp, cay đắng hay chưa.
          Việc lường gạt như thế, nhiều người đã từng nghe nói xảy ra luôn, ấy là chưa nói đến cái tình tệ, đến nỗi khi mua lúa giả tiền xong, thì họ gạ đánh cờ bạc, giở ngón gian lận ra, làm cho mấy ông chủ điền vừa bán lúa được bao nhiêu tiền họ lại thu về sạch.
          Nói tóm lại Hoa kiều trong Nam kỳ hầu hết là buôn bán, mà cái thế lực buôn bán của họ to, ta cứ lấy cái hiện tình buôn bán của Hoa kiều ngoài này, mà hình dung ra gấp mười thì mới biết được cái thế lực buôn bán của Hoa kiều Nam kỳ là vậy. Thôi thì bao nhiêu cái mối lợi, thượng vàng hạ cám, trên bến dưới thuyền, đều vào tay họ lũng đoạn hết. Họ có một phòng thương mại, tại thành phố Chợ Lớn để thông báo giá mục hàng hóa cho nhau,để bảo thủ cái quyền lợi buôn bán của nhau, tức là Bộ tham mưu của đội quân Hoa thương vậy. Ngoài ra họ còn có nhiều cơ quan để cổ động về việc buôn bán, như là báo trương, như là hội xã, không thiếu thứ gì. Mỗi bang họ có một nhà hội quán rõ to, tối đến, mấy nhà hào thương làm đầu sỏ trong bang đến hội họp với nhau trong tận cái phòng sâu, kín cổng cao tường đèn trong cửa đóng, để bàn bạc với nhau hoặc việc ở nước hoặc việc ở trong bang, mà câu chuyện phải bàn bạc dài nhất, là việc buôn bán của họ, làm thế nào cho mở mang lên, làm thế nào tranh với người Pháp, làm thế nào trừ tiệt được thương mại công nghệ của Annam v.v… rủ rỉ ngấm ngầm, chẳng có tính kín (tức mình gọi là mật thành) nào vào đấy mà xuếch vay dê cả.
          Một người Pháp hiểu xứ ta lắm, là ông luật khoa bác sĩ Largue, viết một quyển sách là “Vấn đề di dân của người tầu ở Đông Pháp” (Lmmigration chinoise en Indochine). Có đoạn ông nói rằng: “ Người Tầu sang kiều cư ở bên Đông Pháp này chuyên chủ vào việc buôn bán, mà cũng phải thú thật rằng, Chính phủ có ý muốn gia tâm khuyến khích cho ta phải lấy làm ân hận lắm.”
          Ông lại trích mấy đoạn ở trong bài đại luận về “Người Tầu ở Đông Pháp” (Les Chinois en Indochine) đăng báo Courrierd HaiPhong ngày năm 1909. Trong bài kể rõ cái sự nhầm ấy ra, và phán đoán một cách phân minh lắm. Người viết bài ấy nói rằng: “Mấy chú thiên triều “dan tham và hám lợi”, chăm chăm vào việc kinh doanh, chiếm đoạt ở trong xứ trong dân, một cách vô sỉ và đáng ghét quá. Chính phủ đáng lẽ phải bênh vực dân bảo hộ, thế mà hình như lại dung túng cho người Tầu, Chính phủ nhường cái quyền bán thuốc phiện cho mấy chú Thiên Triều, làm họ bán trôi được thuốc phiện dễ, Chính phủ định cất cái quyền buôn muối của họ để chiếm lấy độc quyền nhưng không được, thì lại phải để cho họ làm, Chính phủ lại cho họ quyền đứng chủ bán rượu, thứ nhất là ở trong Nam kỳ, khi các công sở có cho thầu hay là đấu giá làm công việc gì, thì Chính phủ cũng hay điều đình với các chú, các nhà thương mại Thiên triều lại cử đại biểu ra ngồi ở trong các phòng thương mại, ngay bên cạnh người Pháp. Nghị định ngày 5 December 1893, chính phủ đã định thể lệ buôn bán cho những người ngoại quốc châu Á ở đây phải theo, song mãi chẳng mãi thi hành, mà tự chính phủ đặt ra, nhưng bây giờ lại làm lơ không biết đến, thành thế người Hoa kiều buôn bán vẫn giữ một lối riêng. Mỗi một hiệu buôn vô số là kẻ hùn phần, song không biết những người hùn phần ấy là công ty thì lấy tên hoặc là “Vĩnh Phúc” hoặc là “Đốc Tín” hoặc là “Chí Thành”. Công việc buôn bán mà xem chừng khá thì ta thấy nhiều ống kính lý lên nối nhau, mỗi người làm thì ai cũng biết, và lấy tên hiệu để có quyền bầu cử. Công việc buôn bán thua lỗ không ra gì thì ông “ Đốc Tín” đóng ngay cửa hiệu lại, nhảy xuống tầu nhảy tót về Hương cảng hay là sang Tân Gia pha, mặc kệ những người chủ nợ ở lại đó, không thiết gì. Bấy giờ luật pháp chỉ có tuyên án báo cùng là hết cách, các ông trái chủ cũng chỉ đến theo luật mà giải tán cái hội ấy đi, trừ tiền phí tổn tòa án đi rồi còn chút đỉnh thì chia cho nhau cho hàng bao nhiêu người chủ nợ thế là hết chuyện. Chẳng có thể dùng cách nào mà trị được những kẻ hùn phần hay là những kẻ khác mà mình chẳng biết là ai, trước khi vỡ hiệu, thì chúng đã khôn ngoan, rút hết những vốn liếng của hội ra, và thu được đồng tiền nào thì đã chia nhau rồi. Được ít lâu anh lừa đảo của hội kia ở lại Hương cảng sang mở hiệu đặt tên là hiệu “Chí Thành”, thế là lừa đảo được trôi chảy đó.”
          Người viết bài ấy lại chỉ tỏ ra rằng “muốn cho được đản hộ cuộc buôn bán của các chú Thiên Triều, cho nên chính phủ thỉnh cầu được nhiều dụ chỉ ở bên Bộ sang, giảm bớt hoặc tha hẳn cho phần nhiều vật sản của Tầu bán vào Đông Pháp nữa (cá khô, quả khô, chè tầu, thuốc lá tầu, rượu thơm, tơ lụa, đồ thêu, quần áo cho người á đông, đồ thờ v.v…) Những vật sản mà người bản xứ hay dùng thì chẳng được giảm hoặc tha thuế, những đồ được giảm hoặc tha thuế, phần nhiều là người Tầu hay dùng.”
          Nghiệm lời người viết bài ấy, nói những từ năm nào, mà xem cái tình thế buôn bán của Hoa kiều trong Nam kỳ, vẫn đúng như thế, mới biết người Tầu sang doanh nghiệp ở ta, phần nhiều vẫn giữ cái cố tập từ xưa, cái căn tính không tốt, lại nhờ được sức đản hộ đủ cả mọi mặt, không trách nào trong thương trường ta, người Hoa kiều tung hoành đến thế được.

 (Còn nữa)