Văn hóa tội lỗi được cho là thông dụng ở các nước phương tây trong khi văn hóa xấu hổ được coi là ngự trị ở các nước phương đông.
Sự khác biệt của hai nhóm văn hóa
Nhận thức về trách nhiệm và điều sai trái sẽ không giống nhau giữa các nền văn hóa, thậm chí cũng khác nhau với từng nhóm người với mức độ nhận thức khác nhau trong cùng hệ văn hóa.
Các nhà nghiên cứu đã chia văn hóa làm hai nhóm khác biệt:Shame culture (văn hóa cảm nhận xấu hổ hay gọi tắt là văn hóa xấu hổ, đôi khi còn gọi là honour-shame culture: Văn hóa cảm nhận về vinh dự-xấu hổ) và guilt culture (văn hóa cảm nhận tội lỗi hay gọi là văn hóa tội lỗi).
Xấu hổ là cảm giác "tôi thật xấu xa". Tội lỗi là cảm giác "tôi đã làm một việc xấu". Cảm giác xấu hổ là để chỉ tôi là ai trong khi cảm giác tội lỗi để chỉ việc tôi đã làm gì.
Có thể nói người tiên phong cho các khái niệm văn hóa này là nhà nhân chủng học về văn hóa, Ruth Benedict, người Mỹ. Bà đưa ra phân định này trong nghiên cứu của mình về nước Nhật trong Thế chíến thứ II (bài viết được xuất bản năm 1946).
Có thể tóm tắt như sau:
|
|
Từ niềm tin của cả cá nhân lẫn cộng đồng đối với những khái niệm liên quan đến tội lỗi, mỗi nền văn hóa có những định nghĩa có thể không giống nhau về những điều sai trái.
Người ta qui kết dạng văn hóa nào là dựa trên phản ứng hay hành xử của cá nhân đối với ý kiến của cộng đồng. Thực ra, trong cả hai dạng văn hóa, cá nhân ứng xử tương tự nếu có sự thống nhất trong đánh giá của cả hai phía, cá nhân và cộng đồng.
Sự khác biệt cơ bản sẽ là: Cá nhân trong mỗi dạng văn hóa sẽ hành xử khác khi đánh giá của cộng đồng khác với đánh giá của chính cá nhân đó. Đó là trường hợp cá nhân tin mình không có lỗi trong khi cộng đồng tin là có và ngược lại.
Người thuộc văn hóa tội lỗi sẽ phản bác (thậm chí rất mãnh liệt) khi bị oan và cảm thấy tội lỗi cả khi không ai biết tội của họ. Với họ, động lực ưu tiên là nội lực, là nhận thức của chính họ. Nhận thức bên ngòai không quan trọng. Họ coi trọng thực tế hơn cái biểu hiện bên ngòai.
Với người thuộc văn hóa xấu hổ họ sẽ xấu hổ cả khi bị oan và không xấu hổ khi người khác không biết lỗi của họ. Với họ, lỗi thực không phải cái để suy nghĩ. Họ coi trọng thể hiện bên ngòai hơn thực tế.
Cá nhân và cộng đồng trong sự phát triển văn hóa
Văn hóa tội lỗi nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân, không ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội hay những điều đã được xã hội phê duỵệt. Văn hóa tội lỗi liên quan đến sự thật, pháp lý và bảo tồn quyền cá nhân.
Ảnh minh họa
|
Nó cũng cho thấy sự phán xét bên trong của cá nhân mới đóng vai trò quan trọng trong hành xử. Do vậy dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao tự do cá nhân (individualistic society). Cảm giác tội lỗi sẽ giữ con người khỏi những việc làm sai trái. Tuy nhiên nó cũng nguy hiểm khi người ta nhận thức sai.
Trong nền văn hóa xấu hổ, các tập tục xã hội phát triển xung quanh các ý niệm liên quan mật thiết đến nhận dạng về cộng đồng. Dạng văn hóa này thích hợp với xã hội đề cao cộng đồng (collective society). Trong văn hóa xấu hổ, cái mọi người tin (hay nghĩ) quan trọng hơn.
Cá nhân thường đặt tiêu chuẩn sống cho mình dựa vào khát khao được tôn trọng hoặc tránh bị xấu hổ lên trên mọi thứ. Những động cơ này làm người ta buộc phải sống tốt theo mong đợi của xung quanh nhưng cũng dễ làm người ta liên quan đến những việc sai trái có thể che giấu được.
Về mặt tâm lý, người phương tây cho rằng cảm giác tội lỗi được coi là cảm xúc "cao cấp" hơn cảm giác xấu hổ. Xấu hổ hay tội lỗi đều là cảm giác tinh thần về trách nhiệm cá nhân, nhưng cảm giác tội lỗi diễn tả trách nhiệm theo chủ quan và vì vậy khuyến khích sự thay đổi nhân cách một cách tích cực.
Cảm giác xấu hổ lành mạnh có thể kích thích động cơ tốt nhưng vẫn bao hàm trách nhiệm ép buộc (mang tính khách quan) và ức chế thay đổi tích cực. Cảm giác xấu hổ hay cảm giác bị coi thường có thể dẫn đến sự hối cải nhưng cũng có thể dẫn đến tính trơ cứng.
Có ý kiến cho rằng khi phương tây di chuyển từ văn hóa xấu hổ sang văn hóa tội lỗi, sự hiện đại hóa được tạo ra. Bởi vì khi cảm giác tội lỗi trở thành động lực chủ yếu của một nền văn hóa thì nền văn hóa ấy sẽ thành công hơn trong việc xây dựng các nền tảng hợp lý, là tiền thân cho phát triển.
|
Xã hội với văn hóa xấu hổ là xã hội hướng đạo con trẻ bằng cách tạo tâm lý xấu hổ và mối đe dọa bị tẩy chay. Đồng thời điều hành người lớn cũng bằng tâm lý đó. Xã hội với văn hóa tội lỗi được điều hành bằng cách tạo ra và duy trì cảm giác tội lỗi đối với hành vi mà cá nhân tin là không được xã hội phê duyệt và chắc chắn bị lên án (dẫn đến việc trước sau cũng sẽ bị trừng phạt).
Có ý kiến cho rằng khi phương tây di chuyển từ văn hóa xấu hổ sang văn hóa tội lỗi, sự hiện đại hóa được tạo ra. Bởi vì khi cảm giác tội lỗi trở thành động lực chủ yếu của một nền văn hóa thì nền văn hóa ấy sẽ thành công hơn trong việc xây dựng các nền tảng hợp lý, là tiền thân cho phát triển.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực chất quá trình cảm nhận này thể hiện lòng tin (tin điều này là đúng, điều kia là sai) hơn là kiến thức. Cho nên không có dạng văn hóa nào là hòan hảo, cũng không có dạng nào là xa lạ với mỗi con người.
Khái niệm về mắc lỗi và sự công bằng được hiện diện trong cả hai lọai văn hóa, chỉ có chúng được vận hành theo những luật lệ khác nhau. Hai dạng văn hóa này thực sự cùng tồn tại trong một xã hội, chỉ có mức độ ảnh hưởng là khác nhau. Thậm chí trong mỗi con người cũng có thể tồn tại cả hai dạng văn hóa đó.
Văn hóa tội lỗi được cho là thông dụng ở các nước phương tây trong khi văn hóa xấu hổ được coi là ngự trị ở các nước phương đông. Người ta cũng giả định rằng các dân tộc mang tôn giáo Do thái và Thiên chúa thuộc về văn hóa tội lỗi. Còn các dân tộc Hồi giáo và phương đông thuộc văn hóa xấu hổ. Như phân tích ở trên, các giả định này chỉ mang tính tương đối.
Kết luận của nhà nhân chủng học Ruth Benedict về xã hội Nhật với văn hóa xấu hổ đặc trưng đã bị nhiều học giả Nhật ngày nay phản đối và bác bỏ. Nhưng những khái niệm về hai dạng văn hóa trên rất có ích trong phân tích hành vi của cá nhân và cộng đồng liên quan đến nghiên cứu về văn hóa.
Tác giả : Châu Sa
Nguồn : Tuanvietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét