Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Nhìn lại kiến nghị cấm chiếu bộ phim phản quốc" Lý Công Uẩn-Đường đến thành Thăng Long"

Như số đông người Việt, vì cơm-áo-gạo-tiền, tôi chỉ biết đến ông Cù Huy Hà Vũ qua những gì báo chí chính quyền loan tải. Nghe thật lạ, tôi cố tìm hiểu thêm và hiểu đôi chút về ông. Xin giới thiệu một kiến nghị của ông được đăng trên Bauxite Việt Nam

TS CÙ HUY HÀ VŨ ĐÃ TỪNG KIẾN NGHỊ CẤM CHIẾU BỘ PHIM PHẢN QUỐC

Kiến nghị cấm chiếu bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” của TS Cù Huy Hà Vũ

Lời dẫn của Bauxite Việt Nam: Mặc dù đã được tin Hội đồng duyệt phim quốc gia mở rộng sau khi thẩm định lần thứ hai, có để xuất kiến nghị không công chiếu phim “Lý Thái Tổ – Đường tới thành Thăng Long” trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nghĩa là từ 1-10-2010 đến 10-10-2010, ông Cù Huy Hà Vũ vẫn khẩn thiết nhờ BVN đăng bản kiến nghị của cá nhân ông gửi Quốc hội xin cấm chiếu bộ phim vĩnh viễn trên phạm vi toàn quốc, vì theo ông, đây là một bộ phim bôi nhọ văn hóa dân tộc một cách hệ thống với dụng ý rất xấu mà với thói quen dùng từ của mình, ông gọi thẳng thừng là “phản quốc”. BVN tán thành đưa bản kiến nghị này lên công luận, bởi theo chúng tôi, tuy Hội đồng duyệt phim đã đi đến những kết luận xác đáng, song về mức độ giải quyết đối với nó thì cách nói có phần quá uyển chuyển của Hội đồng vẫn chừa lại một khả năng là bộ phim có thể sẽ được tự do công chiếu sau ngày Đại lễ kết thúc, mà như thế, tác hại rất nghiêm trọng của nó đối với công chúng, nhất là thế hệ trẻ, vẫn còn nguyên. Kiến nghị của ông Cù Huy Hà Vũ chính là nhằm chấm dứt khả năng nguy hại này mà những người chịu trách nhiệm trước dân tộc không được phép nhân nhượng.

Bauxite Việt Nam

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————————————–
Hà Nội ngày 01 tháng 10 năm 2010

KIẾN NGHỊ CẤM BỘ PHIM PHẢN QUỐC
“LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG”

Kính gửi: QUỐC HỘI VIỆT NAM
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tôi là Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Thủ Đô nước Việt Nam, xin gửi tới Quốc hội lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa Quốc hội,

Cũng chính để tôn vinh Thủ đô yêu dấu ngàn năm tuổi của tất thảy người Việt chúng ta, bằng Kiến nghị này tôi yêu cầu Quốc hội khẩn cấp CẤM BỘ PHIM PHẢN QUỐC “LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG” do Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất, Tạ Huy Cường đạo diễn, Đoàn Thị Tình thiết kế trang phục… được chính thức đưa vào Chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia, trước khi được bí mật quay ở trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc!

Chỉ những gì mà những kẻ chủ trương tung ra trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đủ cho thấy bộ phim này xuyên tạc lịch sử, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc Việt Nam, tóm lại, phản quốc đến cỡ nào!

PHẢN QUỐC TỪ TÊN PHIM

Dân tộc Việt Nam ta có tục “kỵ húy”. “Húy” có nghĩa “kiêng, tránh”, sau được sử dụng để chỉ tên riêng, nhất là của người đã quá cố. Do đó mới có câu “nhập môn vấn húy”, nghĩa là đến nhà ai thì phải tìm hiểu tên riêng của gia tiên người ta để mà tránh.

Các triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu từ Nhà Trần nâng “kỵ húy” lên thành “Quốc húy”, cấm nói, viết tên riêng trước hết của vua. Kẻ nào phạm “Quốc húy” sẽ bị “tru di tam tộc”.

Vậy “Lý Công Uẩn” là tên riêng của Lý Thái Tổ thì chỉ nên sử dụng khi đề cập giai đoạn trước khi Ngài lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cù Việt chứ dùng để đặt tên cho một bộ phim đề cập cả giai đoạn sau đó rõ ràng là phạm “Quốc húy”, là hành vi báng bổ, xúc phạm nghiêm trọng người đứng đầu Nhà nước phong kiến Việt Nam, qua đó, xúc phạm nghiêm trọng dân tộc Việt Nam!

Không những thế, Thăng Long chỉ tồn tại với tư cách là “Kinh đô” của nước Đại Cù Việt chứ chưa bao giờ là “thành” với nghĩa đơn vị hành chính thông thường. Do đó gọi “thành Thăng Long” thay cho “Kinh đô Thăng Long” hay “Kinh thành Thăng Long” dứt khoát là hành vi xuyên tạc lịch sử, như thể người Việt không có Vua, không có Kinh đô, và qua đó, không có Nhà nước của riêng mình!

Tóm lại, đặt cho phim cái tên “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” là gián tiếp phủ nhận Độc lập dân tộc mà tổ tiên ta đã giữ vững trước phong kiến Trung Quốc cách đây 1000 năm!

PHẢN QUỐC QUA BÚI TÓC ĐẶC “HÁN”
Trong phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long”, tóc của vua Lý Thái Tổ được búi trên đỉnh đầu, điều này khác biệt hoàn toàn với cách búi tóc của ngưòi Việt từ xưa tới nay.

Thực vậy, người Việt, nhất là nam giới, từ cổ xưa đã có tục vấn tóc thành một búi sau ót trông như củ hành nên cách búi tóc này được gọi là “búi tóc củ hành”. Hình người trên cán muôi Việt Khê thời đại Hùng Vương cho thấy rõ điều này.

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Kiến văn tiểu lục chép: “Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu cho nên trong Sứ Giao châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: “Con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân đân đều như sư cả… Lúc ở nhà để đầu trần, có khách mới đội khăn, nếu đi ra ngoài thì có một người mang khăn đi theo, duy có quốc vương búi tóc, dùng lụa là phủ lấy búi tóc trông xa như luân cân (khăn xếp bằng thao xanh – CHHV chú thích) của nhà đạo sĩ”.

Nói cách khác, “búi tóc củ hành” là Bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Việt Nam, là Quốc hồn, hơn thế nữa, là Độc lập dân tộc tiềm ẩn trong từng người Việt yêu nước! Và tiêu biểu nhất cho người Việt biết giữ Quốc hồn – Độc lập dân tộc ấy chính là vua Hàm Nghi: cho đến cuối đời, sau 55 năm bị thực dân Pháp lưu đày tại Alger (thủ đô Algérie) sau công cuộc “Cần vương” bất thành, Ngài luôn để “búi tóc củ hành” cùng khăn vấn, áo the như một Tuyên ngôn Trường kỳ kháng chiến.
Vua Hàm Nghi (1871 – 1943)

Vậy thì búi tóc trên đỉnh đầu đặc Hán mà Lý Thái Tổ có trong trong phim không chỉ là một sự bội phản văn hóa mà nghiêm trọng hơn, bội phản dân tộc Việt Nam!

PHẢN QUỐC QUA TRANG PHỤC, KIẾN TRÚC ĐẶC “HÁN”

Về trang phục của vua, trong Lịch triều hiến chương loại chí, ở mục Quy chế về mũ áo của đế vương, Phan Huy Chú (1782 – 1840) chép: “Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu… Lý Thái Tông (vị Hoàng đế thứ hai của nhà Lý, trị vì từ năm 1028 đến năm 1054 – CHHV chú thích) mới chế thứ mũ gọi là ‘bát giác tiêu dao’ bằng vàng. Từ đời Lý, đời Trần trở về trước, mũ áo của vua thế nào, không thể khảo cứu được. Xem trong sử có hai thứ kể trên, tạm chép ra đây để biết đại khái”.

Như vậy, trước và sau Lý Thái Tổ, vua ta có dùng mũ đồng nghĩa vị Hoàng đế đầu tiên của Nhà Lý dùng mũ là chuyện không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chụp cho Ngài cái mũ nhái từ mũ “Bình thiên” của Hoàng đế Trung Quốc có từ Tần Thủy Hoàng rõ ràng là bất chấp bản sắc văn hóa dân tộc. Thực vậy, mũ “Bình thiên” rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dùng cho vua Việt vì mũ này được tạo ra để chụp vào búi tóc trên đỉnh đầu của người Hán trong khi người Việt, như trên đã mô tả, lại để “búi tóc củ hành” sau ót.

Để nói, nếu cần thiết phải có thì mũ cho Lý Thái Tổ phải được thiết kế có phần lồi phía sau, tương ứng với “búi tóc củ hành” được vén lên mà mũ của vua Gia Long (chân dung do người Pháp vẽ) hẳn là một gợi ý thích đáng.

Vả lại, cho dù độc lập dân tộc vẫn được giữ vững nhưng để giảm thiểu sinh sự từ đế quốc Trung Quốc, Lý Thái Tổ vẫn cử sứ sang nước này để cầu phong và được nhà Tống phong làm Giao Chỉ quận vương, rồi Nam Bình vương. Do đó, không thể có chuyện Lý Thái Tổ dùng mũ nói riêng, trang phục nói chung, y chang Hoàng đế Trung Quốc!

Còn nếu muốn thể hiện ý chí độc lập cao độ của người Việt ta với đế quốc phương Bắc thông qua cái mũ thì lịch sử cũng cung cấp cho ta đủ chất liệu để thực hiện. Thực vậy, khỏi cần nhái mũ “Bình thiên” (bằng Trời) để tỏ ngang bằng với Hoàng đế Trung Quốc mã hãy tạo cho Lý Thái Tổ hẳn mũ “Xung thiên” (chống Trời) có hai cánh chĩa lên trời mà người đứng đầu các triều đại sau của Việt Nam đều đội khi thiết triều hay tế lễ.

Tóm lại, chụp cho Lý thái Tổ cái mũ “Bình thiên” chẳng những không nâng cao được mà ngược lại, hạ thấp đến không ngờ vị thế của nước Đại Cù Việt so với đế quốc phong kiến Trung Quốc vì một trang phục đặc Hán như vậy rất dễ tạo cho người xem cảm giác vua ta là một người Hán được Nhà Tống phái sang cai trị nước Nam!

Tiếp nối ý đồ thâm hiểm nói trên là áo xống trong phim được thêu thùa rất lộng lẫy, y hệt trang phục của triều đình Trung Quốc trong khi nếu thừa nhận ông tổ nghề thêu ở Việt Nam là Lê Công Hành, đi sứ Trung Quốc vào thời Lê Thái Tông (trị vì từ 1433 đến 1442) – như có nhà nghiên cứu đã nêu – thì trang phục của vua, quan Nhà Lý quyết không thể nào như trong phim.

Áo giáp cũng vậy, rập theo mẫu của Trung Quốc. Đoàn Thị Tình người thiết kế trang phục không giấu giiếm: “Giáp trụ của tướng lĩnh dựa vào tám pho tượng Kim Cương”. Mà Kim Cương nào phải người Việt gì cho cam, là thần tướng hộ vệ Phật pháp – sản phẩm tôn giáo du nhập từ Trung Quốc.

Rồi đàn bà mặc quần, một hình ảnh phải nói thẳng là “quái thai” so với thực tế vì sử chép quân Minh, tức 4 thế kỷ sau, vẫn ra sức cấm phụ nữ ta mặc váy, lẽ dĩ nhiên với mưu đồ đồng hóa cho bằng được dân tộc Việt. Đó là chưa kể đến trang phục của diễn viên quần chúng, tất tật đều “sao y” Trung Quốc.

Trang phục có thể nói là duy nhất mang tính Việt là áo tứ thân dùng cho cung nữ, thế nhưng lại là xuyên tạc lịch sử. Thực vậy, loại trang phục này là của dân nghèo (thời xưa khổ vải do người Việt dệt chỉ rộng 35-40 cm nên phải chắp nhiều mảnh mới thành một cái áo) nên không thể là thứ dùng trong cung đình.

Bên cạnh trang phục thì kiến trúc trong phim cũng góp phần rất đắc lực trong việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam theo hướng Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long còn lưu lại ở thế kỷ XIX chỉ có 2 mái thế nhưng trong phim cung điện 8 thế kỷ trước đó lại có những 3 mái; kiến trúc đặc thù Việt là mái đao uốn lên trời một cách tinh thế thì được thay bằng mái nhọn hoắt…

Đến đây, một câu hỏi không thể không được đặt ra: một bộ phim phản dân tộc, phản quốc như vậy tại sao có thể được đưa vào Chương trình quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện trọng đại không chỉ mang tính lịch sử – văn hóa mà còn mang tầm vóc chính trị rõ rệt?

Công văn số 3055/BVHTTDL- ĐA ngày 14/9/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Lê Tiến Thọ ký thay Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh gửi Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho biết Văn phòng Chính phủ bằng Công văn số 5082 giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham gia Dự án xây dựng bộ phim truyền hình “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” có sự hỗ trợ từ phía Đài truyền hình ASEAN của Trung Quốc. Cũng tại Công văn trên, Bộ này khẳng định: “Bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” được hoàn thành hứa hẹn là một công trình nghệ thuật hấp dẫn, mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn” và “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Phó Thủ tướng xem xét, đưa bộ phim vào nội dung chính thức của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Chẳng chậm trễ, ngày 23/9/2009, Văn phòng Chính phủ gửi Bộ này Công văn số 6599/VPCP – KGVX thông báo “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến: Đồng ý”.

Trong trao đổi nói trên giữa Chính phủ và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, có 2 phi lý cùng cực:

Thứ nhất, phim chưa làm thì không thể đưa vào nội dung của bất cứ chương trình kỷ niệm nào chứ đừng nói Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tầm quan trọng quốc gia bởi do Chính phủ chủ trì!

Thứ hai, ngay cứ cho rằng bộ phim đã được hoàn tất thì để được đưa vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim phải được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đã rồi sau đó nếu thấy ổn thì Bộ này mới có thể đề nghị Chính phủ đưa vào Chương trình. Thế nhưng như ta đã thấy, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long lại theo quy trình ngược: “đi” từ Chính phủ xuống Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rồi sau đó Bộ này chỉ làm cái việc hợp pháp hóa “việc đã rồi”!

Để nói, chính Chính phủ, chứ không phải ai khác, đã chủ động đưa bộ phim phản quốc “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm thăng Long –Hà Nội bởi nếu không, hai phi lý cùng cực nói trên khó có thể tồn tại.

Thưa Quốc hội,

Bất luận thế nào, một khi bộ phim phản quốc này được công chiếu thì chắc chắn đó sẽ là thảm họa không chỉ đối với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà còn đối với chính dân tộc Việt Nam vì những lý do đã rõ.

Bởi lẽ trên, tôi kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền hạn của mình quy định tại Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp (Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội) và căn cứ Khoản 4 Điều 11 Luật điện ảnh (Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh: Xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc…) để bãi bỏ ngay tức khắc văn bản của Chính phủ đưa bộ phim phản quốc “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm thăng Long – Hà Nội đồng thời yêu cầu Chính phủ cấm chiếu vĩnh viễn bộ phim phản quốc này trên phạm vi toàn Việt Nam.

Tôi đợi chờ hồi âm tích cực từ Quốc Hội.

Trân trọng,
NGƯỜI KIẾN NGHỊ
CÙ HUY HÀ VŨ
ĐT: 0904350187
Email: havulaw@yahoo.com;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét