Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Gs Nguyễn Văn Tuấn


Là nhà khoa học, nhà giáo, người viết văn, biên khảo nhưng trên hết, ông là một người con của đất Việt. Chính vì thế, bao năm sinh sống ở nước ngoài, từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện để mưu sinh, ông đã tự vươn lên trở thành Giáo sư Tiến sĩ, là nhà nghiên cứu khoa học có tiếng trên trường quốc tế tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia.
Và những ký ức tuổi thơ gắn liền với chiến tranh đã khiến ông âm thầm trong nhiều năm trời nghiên cứu về một hậu quả nặng nề của chiến tranh trên quê hương mình: chất độc da cam, dioxin; để từ đó tiếp thêm một sức mạnh đầy tính khoa học và thuyết phục cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên hành trình đòi công lý. Ông là Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, người con của hai vùng đất Bình Định và Kiên Giang.
“Một lần đi cho bình minh lên sớm”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là người nguyên quán ở Bình Định, nhưng trong thời kháng Pháp, cha ông, một Vệ quốc quân đã vào Nam theo chiến dịch Nam tiến “Mùa thu rồi ngày 23…”. Ông lớn lên ở Kiên Giang và rời Việt Nam năm 1981 sang định cư tại Australia năm 1982. 
Những ngày tháng đầu tiên đặt chân lên xứ người giữa lúc nền kinh tế đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng, chàng thanh niên chưa từng kinh qua những việc bếp núc phải xin vào làm một chân phụ bếp tại Bệnh viện St. Vincent’s, một trong những bệnh viện danh tiếng nhất tại Australia, nơi có Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan nổi tiếng. Nhớ lại ngày đó, ông kể  bằng một cách nói rất nôm na: “ Tay giám thị chỉ một đống củ hành tây to như cái núi và bảo tôi lột vỏ. Cha mẹ ơi, từ bé đến khi ấy chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở đâu có nhiều hành như vậy! Tôi hỏi: “Tao phải lột hết đống hành này sao?”. Tay giám thị ngạc nhiên: “Chứ mày xin vào đây để làm gì?”. Lột được hai củ, nước mắt nước mũi chảy dầm dề! Cay quá chứ không phải tủi thân! Tay giám thị hỏi: “Mày làm sao vậy?”. Tôi cố nói “Tao không sao!”. Lỡ rồi, tôi nói với hắn là mình đã có kinh nghiệm làm phụ bếp hai năm khi xin vào đây mà! Tôi nhớ y như ngày hôm qua, vui thật!”. 
“Vui”! Đó là cảm xúc của ông khi nhớ lại những tháng ngày khó khăn gần một phần tư thế kỷ về trước. Nhưng những ngày tháng khó khăn ban đầu đó lại là thời gian để ông suy nghiệm về tương lai: đi học. Ý chí, lòng ham học hỏi và trên hết là sự tự trọng đã không cho phép ông bằng lòng với vai trò là một anh phụ bếp. Ông đi làm ban ngày, học ban đêm, và chỉ về đến nhà khi đã 10 -11 giờ đêm. Sau một thời gian ông cũng lấy được bằng thạc sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; tiếp tục sang Thụy Sĩ làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Basle. Đến năm 1997, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa nội tiết học, và được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư Dịch tễ học trường Y thuộc Đại học Wright States (Mỹ). Vài năm sau ông quay lại Trường Đại học New South Wales, và sau cùng về Viện nghiên cứu y khoa Garvan làm nghiên cứu cho đến nay. Hiện nay ông là nhà nghiên cứu cấp và Phó Giáo sư y khoa, chuyên về di truyền loãng xương. “Bây giờ tôi đang làm việc ngay tại bệnh viện mà trước đây đã làm phụ bếp. Hồi mới trở về cách đây hơn 10 năm, gặp lại bạn bè cùng làm phụ bếp hồi ấy và cả tay giám thị nữa. Họ hỏi tôi “mày làm gì ở đây”? Tôi chỉ lên tầng trên tòa nhà bên cạnh. Họ cứ tưởng tôi “lau kính” ở trên, chứ đâu biết tôi đã ở vai trò khác rồi! Quả thật cuộc đời biến đổi khó lường…” 
Trăn trở với những ký ức tuổi thơ - Trở thành nhà nghiên cứu chất độc da cam 
“Ngày nhỏ, theo mẹ trên chiếc ghe tam bản tản cư trốn xe tăng và những đợt hành quân của lính Mỹ, núp trong bụi cây tôi nhìn thấy những chiếc máy bay rải một chất màu trắng ngà ngà xuống làng quê bên cạnh. Tuần sau quay lại cây cỏ ở những nơi bị rải đều tiêu hủy hết. Tôi ngạc nhiên và tự hỏi chất gì mà “công hiệu” vậy? Rồi khi lên Sài Gòn học tôi biết đó là chất độc da cam gây nên căn bệnh ung thư, quái thai... Tôi để tâm tìm hiểu từ đó…  Có rất nhiều tài liệu của các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu về chất độc da cam, thế nhưng ở trong nước, mấy chục năm qua chỉ có một vài bài báo đề cập đến vấn đề này.... Chính vì thế mà tôi viết “Chất độc da cam, dioxin và hệ quả” (Nhà xuất bản Trẻ - tháng 07.2004)”.
Đây là cuốn sách đầu tiên viết về chất độc da cam ở Việt Nam một cách có hệ thống đã được in ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Điều đáng nói là sau khi in tác phẩm này, Tiến sĩ Tuấn còn tiếp tục đăng tải trên các báo ở Việt Nam và nước ngoài nhiều bài viết khác trình bày những bằng chứng chứng minh rằng chất độc da cam không chỉ để lại hệ quả cho người dân Việt Nam, mà ngay cả lính Mỹ. Ông dẫn chứng dữ kiện cho thấy Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nhân loại, bất chấp các Công ước Quốc tế như Quy ước La Hague (1907), Công ước Geneva (1925), Nghị quyết của Liên hiệp quốc (1929) về việc cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh. Đó cũng chính là luận điểm mà luật sư đại diện cho nạn nhân chất độc da cam gọi là “tội ác chiến tranh”,“tội ác chống nhân loại” không thể dung thứ được và phải được xét xử một cách công bằng. Riêng ông xem đó như một sự “sòng phẳng của lịch sử” trong đó công lý phải được tôn trọng. 
Có người hỏi: “Ông nói nhiều quá. Nếu mời ông về nước nghiên cứu, ông có về không?”. Tiến sĩ Tuấn cười với tâm trạng của một người luôn “dấn thân cho khoa học”, một quan điểm đã trở thành lẽ sống của nhà nghiên cứu khoa học: “Tất nhiên là sẽ về và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Mà dù cho không về đi nữa thì tôi vẫn giúp được, vì tôi có kinh nghiệm làm nghiên cứu trên một quần thể lớn trên vài ngàn người, tôi có thể cố vấn về chuyên môn cho đồng nghiệp trong nước, như là định hướng nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu, một phần quan trọng của công trình nghiên cứu”. Với suy nghĩ ấy, Tiến sĩ Tuấn đề nghị thành lập một ủy ban chuyên trách, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để chương trình nghiên cứu về chất độc da cam của Việt Nam mang tính khách quan, quốc tế và thuyết phục cao.  Những trăn trở ấy không chỉ là nỗi bức xúc của một nhà nghiên cứu khoa học, mà còn là nỗi niềm của một người con đối với đồng bào mình, quê hương mình. 
Yêu quê hương là một việc tự nhiên, cũng đơn giản như hít thở khí trời vậy! 
Không đơn thuần là một nhà nghiên cứu, có thể gọi Tiến sĩ Tuấn là một người “đa đoan”. Ông vừa làm nghiên cứu y khoa, vừa giảng dạy, vừa viết báo, viết sách, biên soạn, và thậm chí viết văn. Viết, đối với ông là một sự đam mê! Viết để giải tỏa những khắc khoải, băn khoăn, quan tâm… trong ông.
Trên trường quốc tế ông đã có gần 150 công trình nghiên cứu khoa học mà 70% là về di truyền học, 30% là dịch tễ học, đã từng làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Hồng Kông, v.v… Ở trong nước ông đã xuất bản hai cuốn sách, “Chất độc da cam, dioxin và hệ quả”  “Hai mặt sáng tối của y học”. Thông điệp mà ông muốn gửi đến các bạn trẻ qua hai cuốn sách này là: Làm khoa học cũng có vinh quang và khổ cực,phải biết dấn thân vì phúc lợi của cộng đồng. Ông thu hút giới trẻ làm khoa học, bằng cách đưa ra những ứng dụng của khoa học trong văn hóa, văn học và cuộc sống hàng ngày.  
Tác phẩm về chất độc da cam của ông, cũng như những bài viết xung quanh vụ án cá da trơn của Việt Nam và nhiều bài viết khác, đã khiến một vài người Việt quá khích ở hải ngoại đặt câu hỏi: “ông là người của “phía bên kia”? Ông chỉ cười “Tôi không quan tâm đến những lời nói bóng gió đó, bởi vì làm khoa học thì không có bên này hay bên kia, chỉ có sự thật mà thôi. Làm khoa học nói cho cùng là đi tìm sự thật. Nhưng nói rằng làm việc cho phía Việt Nam thì có, bởi vì đó là quê hương tôi! Nói ra thì có người có thể cho là cải lương, nhưng sự thật là tôi rất quan tâm đến quê nhà, cái mối quan tâm đau đáu như đứa con thương cha mẹ mình, một cách tự nhiên và đơn giản như hít thở khí trời vậy. Chính vì vậy mà tôi góp ý khá nhiều về những vấn đề liên quan đến giáo dục, khoa học và y tế”. 
“Đơn giản và tự nhiên”! Vâng, có gì dễ hiểu hơn thế, như tình yêu của một người con dành cho người sinh ra mình. Có lẽ vì thế mà trong lời tựa bài tùy bút “Một lần đi cho bình minh lên sớm” của mình, Tiến sĩ Tuấn đã tâm sự: Trong một bài nhạc thịnh hành thời thập niên 80 mà tôi thường nghe trong trại tỵ nạn ở Thái Lan, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hỏi: "Em còn nhớ hay em đã quên...". Câu hỏi nhưng mà cũng là câu trả lời. Như nhiều người cùng cảnh ngộ khác, tôi ra khỏi quê hương không phải để tìm cái quên hay sự chối bỏ quê hương; ở trong tôi luôn tồn tại một cảm giác nhớ 
nhung day dứt, dằn vặt. Mà thực ra con người nào chả thế, con người chẳng qua chỉ là một chủ thể luôn phải gắn mình với một nơi chốn nào đó, luôn phải chứng kiến sự hiện hữu của mình bằng một sự gắn bó với một địa điểm cụ thể. Sự gắn bó đó chỉ có thể tạo dựng cái gọi là nỗi nhớ. Cái nơi chốn cụ thể kia có thể gọi bằng hai tiếng "quê nhà". Một lần lênh đênh nguồn cội, tôi mới nghiệm ra rằng tôi là ai, nơi chốn của tôi là chỗ nào. Vì lẽ đó, tôi là người mãi mãi phát hiện, phát hiện một sự thực hiển nhiên rằng: đi không phải là chối bỏ mà để bắt đầu cho việc trở về tốt hơn. Tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày không xa, tôi sẽ quay về quê nhà, để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam”. 
Vinh danh nước Việt 2005 chào đón ông - một người con đất Việt.
Và ông đã trở về, như một đứa con xa nhà…
<Theo Vietnamnet>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét