Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Chính sách đồng VN yếu và hệ luỵ

Kinh tế biến đổi theo chiều hướng sấu, đẩy người lao động vốn khó càng khó hơn trong việc mưu cầu cái ăn cái mặc. Tôi vốn là kẻ ngoại đạo nên hiểu biết về tài chính thật khiêm tốn nhưng cũng cảm nhận những bất ổn trong điều hành nền kinh tế của chính phủ. Hy vọng những người đang giữ trọng trách điều hành không mờ mờ,tỏ tỏ như tôi.
Đây là bài viết của tác giả Cảnh Thái (mà tôi cũng chẳng biết là ai) đăng trên vef.vn tôi đem về đây để đọc và chống dốt thêm

Đồng tiền yếu được cho là để hỗ trợ xuất khẩu nhưng ai là người xuất khẩu? Loại hình doanh nghiệp nào, đối tượng nào được hưởng lợi nhiều từ chính sách đồng tiền yếu?
Nếu xuất khẩu nói trên gia tăng tốt, vậy Việt Nam đã thu được lợi gì từ phát triển công nghiệp hóa hay tăng tỷ lệ nội địa hóa hoặc nhận được chuyển giao công nghệ như kỳ vọng ban đầu trong suốt những năm qua? Hay vẫn là nước xuất khẩu nông sản, khoáng sản và gia công thô với các giá trị gia tăng rất thấp?
Muốn chống nhập siêu, việc định giá thấp đồng tiền Việt Nam (VND) có giải quyết bài toán này? Nền kinh tế Việt Nam như đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, cần nhập nhiều máy móc thiết bị cho sản suất kinh doanh, nên nhập siêu có là điều bình thường, không thể đảo ngược?
VND liên tục mất giá có làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những người muốn bỏ tiền ra làm ăn, sản xuất kinh doanh, sau một thời gian bán vàng, bán USD lấy VND để tung vào thương trường làm ăn, thì cuối năm không thể mua lại được số vàng hay USD đã đầu tư đầu năm?
Người có tiền thấy lãi suất cao hấp dẫn sẽ không muốn đầu tư làm ăn kinh doanh cho mệt, vậy nên, lãi suất thực dương là chính sách được nhiều nhà nghiên cứu và điều hành kinh tế đang tích cực ủng hộ. Kinh doanh thì còn có rủi ro, gửi ngân hàng lấy lãi chắc ăn nhất. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu gặp lúc ai cũng lỗ, bạn ít lỗ nhất hoặc lời chút ít thì xem như đã thắng lớn!Việc VND liên tục mất giá có tạo tâm lý, muốn có lãi suất thực dương thì ngân hàng phải duy trì lãi suất huy động vốn cao để thu hút người có tiền gửi vào ngân hàng?
Nền sản suất kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì xu thế "chạy trốn" khỏi sự mất giá đồng nội tệ VND. Lãi suất cao, đẩy doanh nghiệp và những nhà đầu tư vào tình cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đã lỡ vay vốn quá nhiều, quá phụ thuộc vào vốn vay trong hoạt động đặc thù của mỗi ngành nghề.
Điều này cũng làm suy giảm tinh thần doanh nghiệp. Suy giảm lòng tin vào chính sách kinh tế vĩ mô, tạo tâm lý "ngồi chơi chờ thời" hoặc cố gắng trả hết nợ, cắt giảm hầu hết các hoạt động công ty, cắt lỗ giảm nợ để giảm chi phí trả lãi cao. Thậm chí, doanh nghiệp còn có tâm lý đưa doanh nghiệp vào trạng thái "ngủ đông" hay tuyên bố tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản.
Đối với người có tiền gửi ngân hàng, không có gì sai khi họ mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống, muốn làm những việc hiệu quả kinh tế cao nhất, trong bối cảnh đồng tiền VND mất giá liên tục như hiện nay, họ muốn bảo tồn vốn, hưởng lãi suất cao là một lựa chọn.  
"Đồng tiền yếu" có liên quan gì đến Lạm Phát hay Lãi Suất? Rõ ràng, một loạt các câu hỏi đặt ra như trên đã phần nào dẫn dắt đến câu trả lời, các mối quan hệ giữa: Đồng tiền yếu<=>Lãi suất cao<=>Tinh thần doanh nghiệp suy giảm<=>Kinh tế thiếu sức sống.Vậy chính sách đồng tiền yếu đang "thương" ai nhất và đang hỗ trợ có lợi cho nhóm lợi ích nào?
Sau đó, có là một hệ lụy gây thiếu hụt hay khan hiếm hàng hóa, doanh nghiệp trong nước không có sức cạnh tranh phải đóng cửa, nhường sân nhà cho hàng hóa nhập lậu và hàng nhập khẩu nước ngoài, hoặc có thể gây lạm phát do chi phí đẩy? Lúc đó, cả ba biến số kinh tế là chính sách đồng tiền yếu (độc lập và phụ thuộc), lạm phát và lãi suất sẽ trở nên có mối quan hệ vĩ mô rất phức tạp.
"Đồng tiền yếu" kết hợp với "Lạm phát cao" lại càng đẩy Lãi suất lên cao ngất ngưởng! Nói cách khác, chính sách "đồng tiền yếu" cũng có góp phần nào đẩy lạm phát và lãi suất lên cao một cách cộng hưởng! Do đó, giữ lãi suất cao đơn thuần cũng khó chống được lạm phát, vì lạm phát lại càng làm đồng tiền yếu thêm nữa.
Lạm phát cao<=>Đồng tiền yếu thêm<=>Lãi suất cao thêm<=>Kinh tế Việt Nam đình trệ.
Đồng tiền của hầu hết các quốc gia đều đang lên giá so với đồng ngoại tệ mạnh nhất thế giới là USD, gây quan ngại cho Nhật Bản, Brazil, Mexico, EU hay Đông Nam Á..v.v.. vì họ sợ ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Song, đồng Việt Nam vẫn đang yếu đi và ta thì khác các nước trong cơ cấu xuất khẩu, loại hình doanh nghiệp xuất khẩu, loại sản phẩm xuất khẩu, về cả tỉ lệ nội địa hóa và hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Trong một nền kinh tế mà chi tiêu công luôn ở mức bội chi ngân sách trên 5-6%/năm thì lạm phát và bất ổn kinh tế sẽ khó có giải pháp khắc phục! Vì lạm phát cao luôn liên quan đến chi tiêu công cao và không hiệu quả!
Các giải pháp về tiền tệ như điều chỉnh tỷ giá, đồng thuận lãi suất, nâng hạ dự trữ bắt buộc... có khi trở nên những giải pháp nhất thời, ngắn hạn, có tính đối phó, mang hơi hướng "phi thị trường" mà hiệu ứng rất khó lường, khó kiểm soát, làm méo mó cả quy luật cung - cầu tự nhiên của thị trường.
Nhìn ở góc độ nguyên nhân hay hệ quả ta đều thấy, một đất nước chưa có thế mạnh về đầu tư tài chính, ngân hàng nhưng các ngân hàng liên tục kinh doanh có lãi cao không bình thường (huy động >14% và cho vay >21% trung bình như hiện nay) suốt những năm qua, trong khi doanh nghiệp sản suất kinh doanh lại đang bị vắt kiệt sức, đang chịu nhiều áp lực thua lỗ, phá sản thì quả là bất cập!
Vậy giữa hai người có tiền, chúng ta nên thương ai hơn? Hy sinh quyền lợi của ai? Khuyến khích người có tiền gửi ngân hàng kiếm lời (lãi suất thực dương nhiều) hay động viên họ bỏ tiền vào sản suất kinh doanh, phát triển nền kinh tế đất nước (lãi suất thực dương ít hoặc âm)?
Giải pháp dung hòa tốt đẹp hơn là gì?
Tác giả : Cảnh Thái

1 nhận xét:

  1. Trong suốt nhiều năm nền kinh tế của ta luôn là nhập siêu của siêu. Một nên kinh tế non trẻ thì nhập siêu là tất yếu. Nhưng phải nhìn vào bản chất thực của nó, chúng ta nhập cái gì,xuất cái gì?
    Cái chúng ta cần nhập là thiết bị, kỷ thuật,công nghệ...để phục vụ cho sản xuất và phát triển từ đó tạo ra những sản phẩm để có thể tự phục vụ sau đó là xuất khẩu. Đằng này, chúng ta nhập toàn sa sĩ phẩm, hàng tiêu dùng... và những thiết bị lỗi thời,kém chất lượng. Còn xuất khẩu?Nào là nguyên liệu thô, những sản phẩm nông, hải sản hay những thiết bị gia công. Tóm lại toàn những thứ kém chất xám, giá trị thấp. Như vậy thì sao mà khá được? Thực sự những người điều hành đất nước còn chưa biết mình đã,đang và sẻ làm gì nữa kia.
    Hơn 30 năm phát triển? Nền công nghiệp của chúng ta phát triển được gì nào? Làm một cái bù lon cũng chưa xong-một con số 0 tròn trĩnh. Quá thất vọng! Thế nhưng ta vẫn luôn tự hào đấy-phát triển vượt bậc.
    Những nhà lãnh đạo của một đất nước được ví như bộ não của nó. Nhật, Hàn, Sing phát triển vì họ có bộ não tốt. Còn ta?
    Khi nào cho đến bình minh

    Trả lờiXóa