6.
Năm Gia Tĩnh thứ 35, Hồ Tôn Hiến làm Án
sát Chiết Giang vận động Thúy Kiều xúi Từ Hải qui hàng triều đình. Sau
vụ dẹp giặc Từ Hải và các đầu mục khác, Hồ Tôn Hiến muốn được thăng chức
xứng đáng với công lao của mình đã tìm cách móc nối với Thúc Sinh. Thúc
Sinh bảo mỗi chức 3000 lạng. Đến năm Gia Tĩnh thứ 39, Hồ Tôn Hiến được
thăng một hơi ba chức và làm đến Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô sát Viện Hữu
đô Ngự sử. Vẫn chưa hài lòng, Hồ Tôn Hiến muốn mua chức Tể tướng. Thúc
Sinh bảo được. Hồ Tôn Hiến hỏi bao nhiêu. Thúc Sinh đáp: “Chỉ có vàng
thì không đủ.” Bởi vua đâu có thiếu vàng. Hồ Tôn Hiến năn nỉ. Thúc Sinh
rỉ tai Hồ Tôn Hiến: “Tôi muốn được an dưỡng ở An Nam với Vương Thúy
Kiều, Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên.” Hồ Tôn Hiến siết chặt tay Thúc Sinh thay
lời cam kết.
Minh sử không ghi chép Hồ Tôn Hiến làm
Tể tướng vào lúc nào, nhưng trong dân gian đã truyền tụng nhiều câu
chuyện khác nhau để giải thích việc làm thế nào Hồ Tôn Hiến có thể làm
đến chức Tể tướng.
Có người bảo Tể tướng Hồ Tôn Hiến là con
rơi của Gia Tĩnh, nên được vua chiếu cố. Có người bảo Hồ Tôn Hiến có
công trong việc tuyển gái cho vua. Thật ra, ai làm Tể tướng thì cũng
không quan trọng. Dân gian quan tâm đến các lời tố cáo Tể tướng gian
tham và có âm mưu cấu kết với An Nam làm chuyện thoán nghịch. Minh sử đã
ghi chép việc Hồ Tôn Hiến tự vẫn trong ngục thất vào năm Gia Tĩnh thứ
43. Nhưng trong thực tế, Hồ Tôn Hiến đã chạy sang An Nam tá túc nhà Thúc
Sinh. Và Hồ Tôn Hiến không bao giờ từ bỏ giấc mộng làm Tể tướng. Lịch
sử thế giới cũng như lịch sử An Nam không thiếu trường hợp Tể tướng cướp
ngôi làm vua. Vì thế không loại trừ giả thiết Hồ Tôn Hiến có thể đã
từng là Tể tướng hoặc làm Vua ở Việt Nam.
Hồ Tôn Hiến hỏi Thúc Sinh: “Làm thế nào thoát được việc luận tội của lịch sử?”
Thúc Sinh bảo: “Thì cứ bỏ tù lịch sử.”
Hồ Tôn Hiến lại hỏi: “Làm sao bỏ tù được lịch sử?”
Thúc Sinh hỏi lại: “Ông có thu xếp cho tôi được an dưỡng ở Dubai cùng với các em gái không?”
Hồ Tôn Hiến nói: “Chuyện nhỏ.”
Thúc Sinh cười bảo: “Cũng đơn giản thôi,
hãy bỏ tù mấy thằng viết sử. Chúng là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ,
nhà báo ngoài lề, các nhân sĩ, trí thức phản kháng…”
Hồ Tôn Hiến nói: “Bọn chúng đông như ruồi. Bắt đứa này nó đẻ ra đứa khác.”.
Thúc Sinh bảo: “Phải chuyên chính thôi đồng chí ạ.”
Nhưng Hồ Tôn Hiến chợt đổi giọng: “Tại sao ông muốn bỏ chạy?”
Thúc Sinh cũng trở nên nghiêm trang:
“Tôi có thằng cháu làm trong ngành công an, nó muốn tôi giúp mua chức
thiếu tướng để được gia hạn tuổi về hưu. Tôi bảo nó, trước khi chơi canh
bạc chót, với một số tiền lớn có thể về hưu non mà không phải bận tâm,
mày nên đi coi thày xem sao. Nó nghe lời đi coi bói, thày bảo, cuối mùa
rồi rút lui đi. Phải, ông ạ, có những thứ cần được chôn vùi, bôi xóa.”
Hồ Tôn Hiến hỏi: “Ông cũng khuyên tôi rút lui?”
Thúc Sinh vội nói: “Tôi không nói vậy. Ở địa vị ông, có nhiều cách để chọn lựa.”
Chỉ có bậc thánh mới có khả năng từ bỏ
danh vọng và quyền lực. Vì thế, người cháu của Thúc Sinh vẫn điên cuồng
chạy chức và Hồ Tôn Hiến bằng mọi cách giữ chức.
Chưa bao giờ Thúc Sinh lại có lắm mối
xin chạy chức và chạy dự án đến thế. Từ Hải được chia việc. Cấp trung
ương do Thúc Sinh nhận lãnh. Từ Hải phụ trách các địa phương. Ân huệ và
tiền bạc của họ lai láng.
Đạm Tiên nói với Thúc Sinh và Từ Hải: “Các anh chớ dại chạy theo các em hoa hậu, người mẫu mà quên chúng em nhé.”
Cả Thúc Sinh và Từ Hải đều biết cái giá của sự được, mất.
Thúc Sinh nói: “Anh chẳng bao giờ quên anh là Thúc Sinh.”
Tuy nói thế, không phải Thúc Sinh không mơ màng đến cái quyền lực vô hạn như Hồ Tôn Hiến.
Từ Hải bảo Thúc Sinh: “Anh chỉ nên hưởng
nhàn tao nhã với tiếng đàn của Thúy Kiều thôi. Bon chen quyền lực không
phải cái tạng của anh. Vả lại buôn vua như anh nói có phải vĩnh cửu hơn
không.”
Thúc Sinh nói: “Cậu vẫn còn cay đắng với kinh nghiệm của vụ đầu hàng Hồ Tôn Hiến năm xưa à?”
Từ Hải bảo: “Tôi nghiệm ra, tiền và gái
mới là tất cả hiện thực lý tưởng của mọi thời đại. Nó cho chúng ta cái
chức của tất cả mọi chức.”
Vương Thúy Kiều nói với Thúc Sinh: “Thật
ra, hồi đó anh Từ Hải qui hàng triều đình không phải chỉ vì em. Anh ấy
nghĩ có thể làm điều gì đấy tốt hơn cả Hồ Tôn Hiến. Nhưng ảnh không phải
là con người chính trị. Vì thế ảnh phải chết đứng.”
Đạm Tiên bảo: “Trong cuộc sống, chỉ có người thắng hoặc người thua. Đàn ông hay ảo tưởng.”
Từ Hải nói: “Có thể Hồ Tôn Hiến cũng không nhận ra điều ấy, mặc dù ông ta đã tự vẫn trong ngục.”
Mã Kiều Nhi nói: “Em lại thích những người ảo tưởng. Vì những người ảo tưởng cũng thường phóng túng.”
Nhìn lại mình, quả thực Thúc Sinh thấy
không thể lươn lẹo như Hồ Tôn Hiến. Không đạp được người thì hay nhất là
bợ người. Vả lại, bợ Hồ Tôn Hiến không phải là mối lợi vô tận của ông
sao? Gạt bỏ dự án quyền lực, Thúc Sinh lập dự án kinh tế. Ông muốn là
người giàu nhất.
Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Gái là nhu
cầu muôn thuở của đàn ông. Bởi vậy, cái nghề nghiệp vững bền nhất chắc
chắn phải là nghề chăn gái. Cậu cho người làm cho tôi cái dự án kinh
doanh tình dục thật hoành tráng, với khả năng giải quyết việc làm cho
hàng triệu phụ nữ. Đặc biệt chú ý tới vấn đề thời vụ của các chị em nông
thôn. Đồng thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội.”
Từ Hải nói: “Ý tưởng hay. Nhưng liệu Hồ
Tôn Hiến có chấp nhận khi ông ta đang đòi hỏi chính quyền các cấp phải
xây dựng được các cộng đồng văn hóa từ cấp tổ dân phố tới cấp tỉnh?”
Thúc Sinh bảo: “Nền tảng kinh tế quyết
định thượng tầng văn hóa. Tôi sẽ thuyết phục Hồ Tôn Hiến chấp nhận dự án
này như một mũi đột phá cho nền công nghiệp du lịch nước nhà, vượt qua
Thái Lan.” Tự sướng với sáng kiến của mình, Thúc Sinh nói tiếp: “Thật
ra, không khó đâu. Phần cậu, sai đệ tử nghiên cứu làm luận chứng kinh tế
cũng đừng quên yếu tố thuần phong mỹ tục và truyền thống dân tộc. Cần
phải mang Truyện Kiều ra làm dẫn chứng. Vấn đề Hồ Tôn Hiến chỉ là bao nhiêu phần trăm lợi nhuận thôi.”
Dự án được triển khai tại tất cả 64 tỉnh
thành trên cả nước để tránh tình trạng ăn chia không đều gây bất ổn nội
bộ. Quỹ đất dành cho dự án của mỗi tỉnh thành do chính quyền địa phương
và các nhà đầu tư quyết định, tùy theo mức độ cung ứng lao động của địa
phương đó. Đối chiếu và đánh giá hiệu quả dự án dựa trên sự bất mãn của
người mất đất và sự hài lòng do lợi ích kinh tế mang lại cho ngân sách
nhà nước và các bên liên quan là tốt đẹp. Cái gọi là dân oan và những
cuộc biểu tình kêu đòi công lý của họ hoàn toàn không đáng kể.
Thúc Sinh nói với Hồ Tôn Hiến: “Tể tướng
Quản Trọng của nước Tề không phải là nhân vật xuất chúng sao? Chính ông
ta đã cho xây 700 nhà chứa giúp cho nhà Tề có kinh phí xây dựng binh
lực tranh hùng với thiên hạ. Ngày nay, để đất nước có thể hóa rồng,
chúng ta cũng cần tận dụng sức mạnh và nhan sắc chị em. Hiện có khoảng
25 triệu phụ nữ trong tuổi lao động, trong đó 80% sống ở nông thôn,
nhưng lao động nữ nông thôn chỉ chiếm khoảng 58%. Cái dự án mà tôi muốn
nói với ông chính là để giải quyết phần 32% còn lại thất nghiệp. Mà việc
này cũng không cần ông phải nhúng tay vào. Tôi sẽ đứng ra bán dự án này
cho các tỉnh.”
Hồ Tôn Hiến bảo: “Tôi đồng ý trên nguyên tắc. Những vấn đề khác ông làm việc với con rể tôi.”
Trong cuộc nhậu, Từ Hải nâng ly mời Thúc Sinh: “Phụ nữ Việt Nam – Điểm đến của thế giới.”
“Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra
Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan hành chính nhà nước
các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong
đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân các năm
chiếm 69,79%. Cũng từ năm 2004 đến năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường
đã tiếp nhận được 59.751 lượt đơn của 29.671 vụ việc, trong đó khiếu
nại hành chính về đất đai là 17.711 vụ chiếm 58,59%, có 5.966 vụ việc
khiếu nại quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai
chiếm 20,11%, có 4.639 vụ đòi lại đất cũ chiếm 15,63% và 1.355 vụ việc
tố cáo chiếm 4,57%. Trong lĩnh vực tư pháp, số lượng các vụ án hành
chính liên quan đến việc khởi kiện của công dân đối với các quyết định
hành chính về quản lý đất đai cũng có xu hướng gia tăng. Từ năm 2004 đến
năm 2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ, giải
quyết 2.857 vụ chiếm 71,5%, người khởi kiện là cá nhân chiếm 2.715 vụ,
khởi kiện là cơ quan, tổ chức chiếm 142 vụ.”
Các vụ xuống đường biểu tình của dân oan
từ các tỉnh kéo về Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội gần như mỗi ngày.
Lời kêu cứu của họ không được ai lắng nghe, kể cả những tâm hồn nhạy cảm
như nhà báo và nghệ sĩ các loại. Đã có những cái chết và những bản án
tù cho nạn nhân và những ai bênh vực họ.
7.
Từ Hải nói với Thúc Sinh: “Tôi đã đủ
tiền mua nhà ở Dubai và bảo đảm một cuộc sống vương giả ở đó. Xét cho
cùng, cuộc đời không phải cứ chống đối là hay.”
Thúc Sinh cười: “Cậu giác ngộ cách mạng rồi đấy.”#
Từ Hải hỏi: “Khi nào anh đi Dubai?”
Thúc Sinh: “Khi nào không còn kiếm tiền được nữa mới dzọt.”
Từ Hải cười: “Có lẽ chúng ta còn phải phấn đấu nhiều mới có thể tranh hùng với các anh hai dầu lửa ở Trung Đông.”
Thúc Sinh nói: “Đúng.”
Từ Hải đắc ý: “Phụ nữ thế giới – Điểm đến của Việt Nam.”
Thúc Sinh nói: “Có lẽ chưa bao giờ cậu nghĩ đến việc bán các dự án cho Trung Quốc?”
Từ Hải hỏi: “Khai thác nguyên liệu thô?”
Thúc Sinh bảo: “Cái đó ồn ào mà lợi
nhuận không bao nhiêu. Vũ khí hoặc công nghệ cao. Nhẹ nhàng, kín đáo mà
tiền khẳm. Trung Quốc không thể mua được các vũ khí hiện đại của Tây Âu
hay Israel, hoặc linh kiện công nghệ cao của Mỹ. Chúng ta sẽ làm việc
này thay cho họ.”
Từ Hải hỏi: “Ai sẽ làm cầu nối cho chúng ta với thế giới bên ngoài?”
Thúc Sinh: “Vợ cũ của tôi, Hoạn Thư. Bà ấy đang ở Mỹ.”
Hoạn Thư vượt biên năm 1978 theo diện bán chính thức dành cho các Hoa kiều với giá 4 lượng.
Từ Hải nói: “Tôi lúc nào cũng là chân tay của anh.”
Thúc Sinh giao cho Từ Hải móc nối với
cảng Hải Phòng làm trạm trung chuyển. Hoạn Thư thu gom hàng hóa dưới
dạng các phụ tùng và linh kiện rời. Phần ông, bán kế hoạch này cho tình
báo Hoa Nam.
Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Chúng ta là
những nhân vật tiểu thuyết, bởi thế chúng ta có thể làm bất cứ điều gì
nghĩ ra được mà không sợ ở tù.”
Từ Hải nói: “Giả dụ nếu bị ở tù thật thì cũng đâu có sao. Ra tù, lại tiếp tục. Chúng ta không bao giờ chết.”
Họ không biết rằng, dù là nhân vật tiểu thuyết, họ vẫn có thể bị vùi dập.
Nhiều năm sau, một số nhân vật liên quan
ở cảng Hải Phòng bị bắt. Từ Hải và Thúc Sinh vẫn là những người vô can.
Sau vụ này, mỗi người trong số họ mua một biệt thự ở New York.
Từ Hải nói: “Tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái chết đứng. Tôi sợ đến lúc mình chạy không kịp.”
Thúc Sinh bảo: “Người ta biết thì sống.
Cái biết của chúng ta là gì? Đấy là không bao giờ đặt cuộc đời mình vào
một cửa. Chủ nghĩa tư bản là gì? Đấy là ở đâu có lợi thì chơi. Chỉ có kẻ
ngu muội mới tin vào chính nghĩa. Chân lý là tiền. Chúng ta theo người
mạnh, nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo để biết kẻ mạnh cũng đến lúc
chết.”
Từ Hải hỏi: “Anh nghĩ Hồ Tôn Hiến còn sống được bao lâu?”
Thúc Sinh: “Hắn sống bao lâu không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải đánh hơi được người nào sẽ thay thế hắn.”
Từ Hải tâng bốc: “Anh lúc nào cũng sáng suốt.”
Thúc Sinh nói: “Cái lão Hồ Tôn Hiến B cũng đáng để chúng ta bỏ vốn đầu tư đấy. Cậu mang Thúy Kiều đến cúng cho lão.”
Vương Thúy Kiều được cải thiện chiều cao
bằng cách cưa ống chân độn thêm một khúc xương mới. Nàng trở thành
người đẹp chân dài. Nàng cũng được tân trang lý lịch lên đời người mẫu
thời trang. Chiến dịch PR cho Kiều được Từ Hải xúc tiến một cách qui mô
và bài bản. Kiều bỗng là “hot girl”. Các đại gia săn đón nàng, nhưng
nàng săn đón Hồ Tôn Hiến B.
Hồ Tôn Hiến B sập bẫy. Thúc Sinh và Từ Hải trở thành nhà tài trợ chính cho Hồ Tôn Hiến B để đáp ứng các nhu cầu của người đẹp.
Bí mật quốc gia nằm trong tay Từ Hải,
Thúc Sinh. Họ không đầu cơ chính sách, nhưng họ bán chính sách ăn huê
hồng. Họ bảo 30% là thuế của cuộc chơi.
Mỗi lần thay đổi nhân sự, chính sách lại
đảo chiều. Nhân sự và chính sách là một cuộc chơi bất tận. Nạn nhân và
những kẻ thủ ác, tất cả đều là những con rối.
Mã Kiều Nhi hỏi Thúy Kiều: “Mày đã mua được mấy cái nhà?”
Kiều đáp: “Mỗi thành phố một cái. Còn mày?”
Mã Kiều Nhi nói: “Tao chỉ mua một căn
thôi. Đường Lê Duẩn, Hòn Ngọc Viễn Đông. Dành để nghỉ ngơi. Còn khi làm
việc tao vẫn thích vào khách sạn.”
Thúy Kiều hỏi: “Làm gì cho hết tiền?”
Mã Kiều Nhi bảo: “Bao giai và đánh bạc.”
Thúy Kiều hỏi tiếp: “Thằng nào tốt phước thế? Ra mắt chị em chứ?”
Mã Kiều Nhi bảo: “Có lạ gì mà ra mắt. Nguyễn đấy.”
Thúy Kiều lại hỏi: “Vẫn còn tình yêu à?”
Mã Kiều Nhi: “Làm gì có tình yêu. Sở
thích thôi. Nuôi một thằng làm thơ là làm đẹp cho cuộc đời, huống gì nó
lại làm thơ ca tụng mình.”
Kiều bảo: “Tao không làm từ thiện được.”
Sáng cà phê, chiều nhậu. Ngày nào cũng
là một ngày đẹp đối với Nguyễn. Những dân oan khiếu kiện, biểu tình vất
vưởng ngoài phố lướt qua mắt chàng như những bóng ma. Thơ là cái đẹp
vĩnh cửu. Cái đẹp cứu rỗi thế giới. Những dân oan rách rưới lê lết sẽ
làm thơ nhiễm bẩn. Thơ cần sự tinh khiết và tính nhân văn của gái và
rượu.
Chữ nghĩa của Nguyễn là hoa hồng và mật ong.
Từ Hải bảo: “Ông viết giùm tôi một bài cho tập thơ sắp in nhé.”
Nguyễn bảo: “Được.”
Từ Hải hỏi: “Ông muốn lấy tiền hay vui chơi?”
Nguyễn bảo: “Vừa tiền vừa vui chơi.”
Từ Hải nói: “Chiều ông luôn.”
Nguyễn hỏi: “Ông muốn viết cho báo hay làm bài tựa?”
Từ Hải bảo: “Cả hai.”
Nguyễn nói: “Thế thì vui chơi cả tháng được.”
Từ Hải bảo: “Cả năm luôn. Bất cứ lúc nào ông muốn, cứ gọi.”
Nguyễn nhậu và gọi Từ Hải đến trả tiền. Đời lúc nào cũng đẹp.
Từ Hải nói với Thúc Sinh: “Tôi thích một giải thưởng văn chương quốc gia.”
Thúc Sinh bảo chuyện nhỏ. “Nếu cậu muốn,
tôi có thể lo cho cậu cả cái giải văn chương ASEAN với điều kiện cậu
đừng viết hay làm bất cứ điều gì mích lòng Đảng.”
Nguyễn nói với Từ Hải: “Tôi cũng có thể dịch thơ ông sang tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp.”
Từ Hải: “OK. Tôi sẽ cho in tập thơ bằng 4 thứ tiếng.”
Nguyễn bảo: “Thơ ông nên dát vàng.”
Từ Hải hỏi: “Còn kiểu gì sang trọng hơn nữa không?”
Nguyễn nói: “Mời Hồ Tôn Hiến viết tựa.”
Thúc Sinh nói: “Ý kiến hay. Tựa Hồ Tôn Hiến. Bạt Nguyễn. Thơ cậu đoạt giải văn chương cuối năm là cái chắc.”
Từ Hải nói: “Để tôi gọi các em đến nhậu cho vui.”
Nguyễn nói: “Kiếm cho tôi một em người mẫu nhé.”
Từ Hải hỏi: “Thích hoa hậu không?”
Nguyễn nói: “Á hậu thôi. Hoa hậu để anh Thúc Sinh.”
Từ Hải đọc thơ. Các em bảo thơ anh Từ
Hải thâm sâu quá bọn em không hiểu. Nguyễn đọc thơ. Các em bảo thơ anh
Nguyễn làm tụi em muốn khóc. Thúc Sinh đọc thơ. Các em cười nắc nẻ.
Thế giới có cần thơ không? Không, chỉ có các nhà thơ tự huyễn hoặc thơ cần mình, vì thế các nhà thơ vẫn tồn tại.
Đạm Tiên hỏi: “Em có tồn tại không?”
Nguyễn bảo: “Em tồn tại.”
Đạm Tiên hỏi tiếp: “Vì sao?”
Nguyễn nói: “Bởi chính câu hỏi của em.”
Đạm Tiên cười: “Lẽ ra một người như anh phải nói khác.”
Nguyễn hỏi: “Chẳng hạn?”
Đạm Tiên bảo thôi. Em không muốn giả dụ. Em thích thấy anh thực tế hơn là có vẻ triết gia-triết lý-triết học như thế.
Rồi Nguyễn cười. Lẽ ra, chàng phải nói: “Em làm anh rất nứng.”
Mã Kiều Nhi cầm ly rượu nói: “Có ai muốn làm chuyện đồi trụy, đồi bại, xúc phạm thuần phong mỹ tục không hè?”
Không ai trả lời. Mã Kiều Nhi đứng lên
làm vài điệu bộ khiêu khích. Nhưng các ông thánh lim dim uể oải. Mã Kiều
Nhi sờ vào đũng quần từng ông, tri hô: “Thế giới hòa bình.” Nàng cười
sằng sặc.
Vương Thúy Kiều ôm cây đàn gẩy vài tiếng
báo bão rồi bất ngờ buông tuồng một cơn mưa. Nhân gian nhão nhoẹt.
Nguyễn ôm Đạm Tiên như thiên cổ.
Năm 1976 ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn
bị bắt quả tang đang làm tình với Mã Kiều Nhi trong nhà trọ bởi một tổ
công tác hỗn hợp ban ngành, đoàn thể các loại…
Họ bị bêu riếu ngoài phố như hai con chó
phá hoại thành quả cách mạng. Người ta khoác vào cổ Nguyễn tấm bảng “Ma
cô tàn dư Mỹ ngụy”, với Mã Kiều Nhi là “Đĩ điếm”. Bọn trẻ con reo hò đi
theo như một đám rước, trong lúc loa phóng thanh phát đi những lời lên
án tàn dư văn hóa đồi trụy phản động.
Cũng trong thời gian đó tại Hà Nội, Từ
Hải được thủ trưởng gọi lên hạch hỏi: “Có dư luận nói đồng chí hủ hóa
với Vương Thúy Kiều. Đồng chí phải tự kiểm điểm về hành vi xấu xa này.”
Từ Hải viết kiểm điểm: “Tôi nhận thức
sâu sắc việc yêu Vương Thúy Kiều là xuất phát từ sự tiêm nhiễm tư tưởng
và thói quen phong kiến tiểu tư sản, thực dân đế quốc, không phù hợp với
nếp sống mới trong sáng của giai cấp vô sản. Tôi thành khẩn nhận khuyết
điểm và hứa khắc phục sai lầm, xa lánh Vương Thúy Kiều mãi mãi.”
Từ Hải nộp một bản cho cơ quan, một nộp cho chi bộ, một nộp công đoàn.
Mãi sau này, Từ Hải mới biết thủ trưởng
đã thế chỗ của mình trên giường Vương Thúy Kiều. Anh ta nói với Thúy
Kiều: “Anh không tin Từ Hải khỏe hơn anh.”
(Còn 3 kì)
© 2013 Nguyễn Viện & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét