Trong cuốn tiểu thuyết phản lịch sử, phản hư cấu, phản hiện thực và phản tiểu thuyết này, các nhân vật chính của tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng nhất, Truyện Kiều, và cả tác giả của nó, Nguyễn Du, bước thẳng ra từ hư cấu và lịch sử để lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà tất cả chúng ta dường như đều có mặt.
Bạn có thể thích hay ghét, rất thích hay rất ghét, khen hay chê tác phẩm Phản Kiều, hay Tân Đoạn trường tân thanh này, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ không thể dửng dưng với nó. Tôi hân hạnh giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Viện, đăng thành 5 kì trên pro&contra.
Phạm Thị Hoài
Gặp Mã Kiều Nhi trong một lầu xanh tại
Bắc Kinh nhân chuyến đi sứ năm 1813, Nguyễn đã chới với. Đó là một kiều
nữ tài hoa. Cầm kỳ thi họa đủ món ăn chơi vành ngoài bảy chữ vành trong
tám nghề, đặc biệt là món thổi kèn điêu luyện theo đúng tinh thần Karma
Yoga không phân biệt đối xử của nàng. Dẫu sao, Nguyễn cũng không tránh
được cái mặc cảm của người tiểu quốc đi trả thù dân tộc. Vì thế, hành
động vô cầu bất phân rất lương tâm chức nghiệp của Kiều Nhi khiến cho
Nguyễn cảm động. Và chàng muốn chiếm lấy nàng, theo một cách nào đó
tương tự như Từ Hải trong một giả định hóa giải oan nghiệp. Tất nhiên,
khoản được gọi là “bo” của Nguyễn không thể so sánh với các hào phú bản
địa, nhưng Mã Kiều Nhi thượng thừa bản lĩnh và thâm hậu nhân sinh hiểu
được đây là cơ hội nàng bước vào một thế giới khác, mà ngay cả một hảo
hán như Từ Hải cũng không thể làm nổi. Thế giới của ảo tượng văn chương.
Mã Kiều Nhi trốn theo Nguyễn về Việt Nam năm 1814.
Cho đến sau năm 1820, không còn ai ở
Việt Nam biết Mã Kiều Nhi là ai nữa. Nàng đã có một khai sinh mới được
gọi là Vương Thúy Kiều. Tôi chưa bao giờ ngưỡng mộ Truyện Kiều, nhưng tôi thích cái hệ lụy của Truyện Kiều.
Vì thế, có một Mã Kiều Nhi trở thành
nhân vật văn chương và cũng có những Mã Kiều Nhi khác vẫn quanh quẩn đâu
đó trong các lầu xanh. Nàng đi xuyên suốt dòng lịch sử từ những kỹ viện
đầu tiên do Quản Trọng, Tể tướng nước Tề sáng lập khoảng 2700 năm trước
đến các khu đèn đỏ đương đại. Đĩ là vĩnh cửu.
Sau khi vượt ải Nam Quan, Mã Kiều Nhi đã
rũ bỏ bộ đồ hóa trang làm tên lính hầu của Nguyễn. Nàng trở lại là một
cô gái xinh đẹp. Xinh đẹp và e lệ thì cũng đến lúc phải đi tiểu. Tiết
tháng ba ở rừng biên cương mát mẻ và phong quang, vì thế nàng đã phải đi
hơi xa để tìm một chỗ kín đáo. Kiều Nhi nhìn thấy một gò đất. Và nàng
ngồi xuống. Cỏ vàng hiu hiu. Bỗng nhiên, Kiều Nhi nghe thấy tiếng nói
sau lưng mình: “Cô đã đánh thức tôi dậy.” Nàng quay lại thấy một cô gái
dường như rất quen. Đoán được điều ấy, cô gái nói: “Tôi là Đạm Tiên,
cũng từng ở lầu xanh như cô ở Bắc Kinh. Tôi theo Mạc Đĩnh Chi sang đây.”
Kiều Nhi hỏi ngay: “Sao chị không về Tràng An mà lại ở chốn hoang vu
thế này?” Đạm Tiên bảo: “Chuyện dài lắm, không có thì giờ để nói đâu. Em
hãy đi theo chị.” “Tại sao?”, Kiều Nhi hỏi lại. Đạm Tiên nói: “Vương
phủ không phải là chỗ của chúng ta. Chị đã đến đó và chị đã quay về.”
Kiều Nhi lại hỏi: “Chị muốn đưa em về?” “Không, không phải trở lại Bắc
Kinh, mà là trở về con đường của mình”, Đạm Tiên giải thích.
Thấy Mã Kiều Nhi đi lâu, Nguyễn đích
thân cùng vài tên lính đi tìm. Trong vòng vài dặm, không thấy một bóng
nhà. Khi tối trời vẫn không thấy nàng đâu, Nguyễn và đoàn tùy tùng đều
cho rằng Kiều Nhi có thể đã bị thú hoang ăn thịt.
1.
Mã Kiều Nhi đến một trong những trang
trại ở khu vực rừng biên giới được các nhà đầu tư Trung Quốc thuê của
Việt Nam. Đạm Tiên dặn Kiều Nhi: “Em không được nói tiếng Hoa.” Kiều Nhi
thắc mắc: “Ở đây toàn là người Trung Quốc không mà?” Đạm Tiên bảo: “Tất
cả bọn đàn ông đều thích của lạ. Bởi vậy em hãy nói tiếng Việt hoặc
tiếng dân tộc nào ở Việt Nam cũng được.”
Chính sách mỗi gia đình chỉ có một con
của Trung Quốc dẫn đến tình trạng đàn ông khó tìm được vợ. Đến Việt Nam
không phải chỉ là lời mời gọi của miếng cơm manh áo mà còn bởi cơn quẫn
bách thèm khát giống cái của lao động giống đực Trung Quốc đòi được giải
quyết. Giống cái Việt vừa đẹp vừa nhiều vừa rẻ. Việt Nam trở thành thị
trường giống cái của thế giới.
Kiều Nhi và Đạm Tiên mở quán nhậu bán
rượu Mao Đài. Mái tôn vách lá sơ sài. Nhưng chiều tối nào quán cũng đông
nghẹt. Công nhân Trung Quốc cũng không khác Việt Nam, lao động cật lực
rồi uống rượu. Rượu lên cơn thì gái nào cũng là gái, kể gì hàng dạt hàng
xịn. Kiều Nhi thường tiếp khách suốt đêm, sáng ngủ bù. Khô rát âm đạo,
để đỡ đau Kiều Nhi phải dùng gel bôi trơn. Bọn Trung Quốc bảo nàng không
có chút biểu cảm.
Kiều Nhi từng là ngôi sao của vũ trường
Kit ở Sài Gòn. Trong số những khách quen của nàng có Thiếu tá Việt Nam
Cộng hòa tên Tùng. Tuy không oai phong ngang tàng như các sĩ quan Dù,
Biệt động Quân hay Thủy quân Lục chiến, nhưng Tùng hào hoa đẹp trai và
nhiều tiền nhờ bán hàng quân tiếp vụ cho Việt cộng. Tùng yêu và chiều
Kiều Nhi. Nàng thích chàng không phải vì tiền mà ở những bước nhảy bay
bướm cũng như thái độ sùng tín gái đẹp của chàng. Nhưng có một người đàn
bà khác không cho đó là mối tình đẹp. Vợ Tùng đánh ghen bằng một lon
acid và một bản án chung thân máng vào cổ nàng: “Hồng nhan bạc phận”.
Sau này, Kiều Nhi đã giải phẫu thẩm mỹ khuôn mặt nhưng bản án “Hồng nhan
bạc phận” nàng khắc vào miếng lắc đeo ở tay. Từ đó, không ai thấy được
cảm xúc của nàng trên khuôn mặt nữa. Bù lại, thân thể của nàng càng ngày
càng đẹp và quyến rũ. Kiều Nhi trở thành đĩ tinh ròng.
Vào đầu những năm 2000, khi nền kinh tế
thị trường trong nước phát triển, những cô gái sở hữu một thân hình
chuẩn có vơ vàn cơ hội kiếm tiền. Họ làm người mẫu trình diễn hoặc quảng
cáo và được các đại gia theo đuổi. Những giá trị mới được xác lập. Kiều
Nhi được một đại gia bao trong căn biệt thự tuy không lộng lẫy nhưng
cũng đủ danh giá. Nàng tân trang lại trinh tiết. Thỉnh thoảng bán trinh
tìm cảm xúc mới. Nàng phát biểu, nhận tiền từ tay những người đàn ông đi
mua trinh nó khác hẳn làm điếm chuyên nghiệp. Không hẳn vì những số
tiền lớn lao, mà nàng nhận được cả niềm tin thiêng liêng của người mua
trinh về cái lộc của tạo hóa. Nàng bảo “lộc trời bao la, sao nỡ hẹp với
mọi người”.
Đôi khi nhớ tới Nguyễn, nàng cũng muốn
tặng chàng “chữ trinh còn một chút này” để cảm tạ tấm lòng tri kỷ. Nhưng
dường như Nguyễn không quan tâm đến điều ấy. Chàng vẫn nói: “Lần nào đụ
em, anh cũng tìm thấy cảm giác của sự trinh bạch.” Lần nào cũng là lần
đầu tiên. Kiều Nhi cũng không hiểu được lòng mình, tại sao với Nguyễn,
nàng luôn luôn trinh bạch. Nguyễn bảo “anh vẫn nhìn thấy khuôn mặt thật
của em dưới lớp da nhân tạo.”
Hoài niệm vẫn là một khuynh hướng tự
nhiên của con người. Thời kỳ chuyên chính vô sản xã hội chủ nghĩa, ai
cũng khổ như chó. Kiều Nhi sống bằng cách tham gia đoàn văn công thành
phố. Nàng có nhiều khách. Nhưng họ chỉ trả bằng tem phiếu hoặc nhu yếu
phẩm. Không huy hoàng, nhưng vẫn được sống tiện nghi hơn người. Nguyễn
có rượu ngoại uống và thuốc lá thơm hút cũng nhờ Mã Kiều Nhi từ bi nhân
hậu chia sẻ.
Thơ mộng nhất trong cuộc đời Kiều Nhi có
lẽ phải kể đến giai đoạn hưng thịnh của cô đầu. Phẩm chất nghệ sĩ hoang
đường với cây tì bà của nàng cùng nhịp phách tiếng hát đa tình của
Nguyễn Công Trứ quả là một cặp đôi hoàn hảo, anh hùng và mỹ nhân kinh
điển cho mọi thời đại. Trong số những người tình của Mã Kiều Nhi, không
kể Nguyễn Du, thì Nguyễn Công Trứ làm nàng say đắm nhất.
Không như Từ Hải, Trứ phụng sự triều
đình tận tụy theo cốt cách của một quân tử. Và Trứ cũng trở thành một
hình tượng đối nghịch với bọn văn nô nịnh thần trong thời đại của ông.
Cùng với một đức hạnh ngay thẳng như Nguyễn Công Trứ, nhưng Kiều Nhi vẫn
chan hòa với bọn văn nô dịch vật, bởi vì với nàng “tiền nào cũng là
tiền” và nàng phục vụ theo đúng nghĩa vụ công bằng mà thiên hạ đã mua
nàng. Kiều Nhi bảo “Em tam giáo đồng nguyên, vô vi theo Lão giáo, hành
động mà không làm gì cả. Phục tùng ước muốn của đàn ông mọi lúc mọi nơi
theo kinh tế thị trường định hướng Khổng Nho nên em đòi hỏi ăn bánh trả
tiền. Đời là ảo tượng vô thường, vì thế không bám níu chấp trước để giải
phóng oan nghiệp theo lời Phật dạy.”
Không hối tiếc. Đàn ông hay tiền bạc
cũng là một thứ nhu cầu. Cũng chẳng thấy đâu là ngu muội hay minh triết.
Nàng bảo “không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Vì thế, khi Nguyễn mang
cho nàng đọc Truyện Kiều, nàng chỉ nói “em không biết mình có
thiện căn hay không, nhưng em tin rằng em luôn sống thành thật.” Nguyễn
biết điều ấy, chính vì thế Vương Thúy Kiều trở thành bất hủ. Sau 200 năm
ngày sinh, Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình Thế giới phong tặng “Danh
nhân văn hóa”.
Năm 2012, nhà văn đồng hương của Mã Kiều
Nhi đoạt Giải Nobel Văn chương. Dư luận không thống nhất về kết quả này
bởi thái độ chính trị của Mạc Ngôn đối với một chế độ toàn trị như
Trung Quốc. Văn tài và nhân cách trở thành một vấn nạn thời đại. Bất cứ
nhà văn nào cho rằng mình đứng ngoài chính trị đều là ngụy biện cho sự
ẩn náu trước cái ác.
Kiều Nhi viết một status trên Facebook: “Nếu anh Mạc Ngôn muốn, em sẵn sàng chiêu đãi miễn phí món phong nhũ phì đồn
đặc sản thiên nhiên của em để tưởng thưởng cho tinh thần đồng văn đề
huề giữa đĩ hiện đại và truyền thống thập thành của Trung Quốc cố cựu.”
Tin Giải Nobel cho Mạc Ngôn tuy đến được
với xóm lao động Trung Quốc trong rừng sâu đầu nguồn của Việt Nam,
nhưng không ai quan tâm, ngoại trừ Mã Kiều Nhi. Đêm đó, nàng tiếp gần
hai chục khách. Lần đầu tiên, nàng cảm nhận một cách khác thường về
những con cu Trung Quốc. Tất cả đều vội vã. Tất cả đều tột đỉnh. Nhưng
cũng tất cả tinh dịch đều khô như bột. Mã Kiều Nhi hỏi Đạm Tiên về hiện
tượng này, Tiên cũng chỉ phỏng đoán: “Có lẽ đó là kết quả của một chính
sách về toàn cầu hóa của người Trung Quốc. Chị ngờ rằng, đàn bà chỉ ngửi
bằng mũi cũng có thể thụ thai.”
Tinh khí bay mù mịt. Những cô gái người
dân tộc thiểu số sống ở quanh vùng đều mang bầu khống. Bụng của họ càng
ngày càng to ra nhưng rỗng tuếch. Nỗi hoang mang lan tỏa khắp rừng núi.
Nhưng hơn chín tháng sau, bụng của họ tự xẹp xuống như chưa có chuyện
gì. Tuy nhiên, cái tai nạn kỳ cục đó đã để lại những vết nhăn di chứng
không những trên bụng họ mà còn trên bụng của tất cả những bé gái sinh
ra sau này. Các thày cúng đều cho rằng đó là hội chứng “thiên triều”.
Một trong số những cô gái từng mang bầu
khống đã theo anh chàng buôn gỗ lậu về miền xuôi nói với Kiều Nhi: “Em
hoàn toàn mất cảm giác về chuyện ấy. Nhưng em muốn theo chồng để phục
hồi chức năng. Chị giúp em được chứ?”. Kiều Nhi bảo: “Không cần đâu. Cảm
giác chỉ là sự bịa đặt của mấy ông nhà văn. Em muốn thế nào thì nó sẽ
là như thế.” Cô gái không hiểu. Nhưng cô ta có bản năng của một thú
rừng, vì thế sự hoang dã có bài học của riêng nó.
Những ngày hành nghề trong rừng với lao
động đồng hương Trung Quốc, Mã Kiều Nhi không cảm thấy bị tổn thương như
Nguyễn đã thương cảm một cây quế cao quí để cho mán mường trèo leo.
Ngược lại, nàng hoàn toàn sống an vui với truyền thống “thập nữ viết vô”
trong sự tồn tại của mình. Một cách nghịch lý, nó giải thoát nàng bằng
thân phận một con đĩ. Đậm đà bản sắc Nho giáo.
Chính Nguyễn cũng đã không nhìn thấy
tính phản động của tinh thần Nho giáo trong cuộc đời mình. Vì thế đã có
lúc, Nguyễn muốn chạy vào Gia Định theo phò Nguyễn Ánh chống giặc Tây
Sơn. Nhưng Nguyễn không bao giờ cảm thấy được hóa giải nghiệp chướng như
con đĩ toàn phần Mã Kiều Nhi. Nguyễn lúc nào cũng là một hàng thần lơ
láo thân phận trí thức.
Cuộc đời Mã Kiều Nhi không có biến cố,
kể cả việc nàng phải bán mình chuộc cha và trở thành Vương Thúy Kiều như
Thanh Tâm Tài Nhân hay Nguyễn Du đã mô tả. Từ trước khi nàng có mặt
trên cõi đời, Mã Kiều Nhi đã là đĩ. Và cho đến muôn đời sau, Mã Kiều Nhi
vẫn là đĩ.
Bản thân Khổng Tử hay Nguyễn Du cũng chỉ
là những kẻ chạy theo quyền lực và phò quyền lực. Khổng giáo là tập đại
thành của sự sa đọa trí thức.
Năm 1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký,
tỉnh Gia Định được nhượng quyền cho Pháp cùng với Biên Hòa và Định
Tường. Lúc ấy Mã Kiều Nhi đang sống trong Chợ Lớn. Trải nghiệm với lính
Tây là một cảm giác rất kỳ quặc. Khi lính Tây xông vào nhà, Mã Kiều Nhi
đang ngồi đan áo, nàng vội vàng đứng lên định cởi quần dâng hiến ngay,
nhưng dường như bọn Tây không biết thế nào là phụ nữ Á Đông toàn tòng,
xông vào với tất cả khí thế của kẻ đi chinh phục thuộc địa. Kết quả là
Tây không tìm được sự thỏa mãn khai hóa, mà Ta cũng mất cơ hội thống
khoái của thứ đức hạnh nhẫn nhục. Tây nằm bất tỉnh nhân sự thượng mã
phong trên cái ngổn ngang giao lưu văn hóa. Tay vẫn còn cầm cây đan,
Kiều Nhi đâm vào khúc xương cùng anh Tây, giải cứu chàng thoát khỏi nỗi ô
nhục văn minh súng đạn.
Tỉnh dậy, Tây nhìn ra Tây và cũng nhìn thấy Ta. Từ đó, có kỹ nghệ lấy Tây và Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Năm 1975. Mã Kiều Nhi bất chợt cảm thấy
mình trở thành nhân vật trung tâm của toàn bộ cuộc cách mạng do Karl
Marx khởi xướng. Bản thân nàng là một tuyên ngôn “vô sản thế giới hãy
đoàn kết lại” trong mọi góc độ, chủ thể và đối tượng. Khám phá này nâng
tầm Mã Kiều Nhi thành một thương hiệu toàn cầu và mang tính phổ quát.
Chưa bao giờ Mã Kiều Nhi lại nhận được một thứ tình cảm tương lân như
thế với tất cả nhân dân khi trên giường cũng như ngoài đường phố.
Không có quần áo đại cán hay công nhân lao động. Cũng không có linh hồn hay bản sắc. Mọi thứ trở nên đơn giản lạ kỳ.
Và đến khi bước vào thế kỷ 21, Mã Kiều Nhi đã trở thành đĩ quốc tế.
Có lúc nàng phải đến tận Hà Khẩu của
Trung Quốc hay các khu đèn đỏ ở Campuchia, Singapore và Malaysia kiếm
ăn. Hộ chiếu Việt vẫn có sự hấp dẫn riêng của nó.
2.
Chuyện ở Hà Khẩu.
Có anh nông dân muốn mua nàng mang về quê. Kiều Nhi bảo anh: “Em là đĩ, không làm vợ được.”
Anh nông dân khẩn khoản: “Anh cần có con nối dõi, em đẻ cho anh một thằng con trai, sau đó tùy em.”
Tuy nhiên, Kiều Nhi bảo anh nông dân đồng hương: “Nếu em chỉ có thể đẻ cho anh toàn con gái thì sao?”
Anh nông dân điềm nhiên: “Thì em sẽ phải tự biết cách xử lý. Anh cần một thằng con trai.”
Kiều Nhi hỏi: “Em sẽ được đền bù ra sao?”
Anh nông dân vẫn bình thản: “Đủ để cho em có một kỹ viện ở Bắc Kinh hoặc Hà Nội.”
Kiều Nhi bảo: “Cho em vài ngày suy nghĩ và thu xếp công việc.”
Anh nông dân nói: “Không, đi ngay bây giờ. Mọi thứ anh đã chuẩn bị rồi. Em có thể ra khỏi đây mà không sợ phiền hà gì.”
Kiều Nhi hiểu ngay mình đã gặp một tay
anh chị thứ thiệt. Có thể là Sở Khanh, cũng có thể là Từ Hải. Hoặc hai
trong một, vì thế có thể gọi anh nông dân này là Sở Từ.
Sở Từ đưa Kiều Nhi ra xe hơi. Đi nửa
ngày đường, họ đến một thị trấn trên núi và đi qua cái cổng cầu kỳ vào
một biệt thự thuộc vào loại đẹp nhất khu vực. Sở Từ nói với Kiều Nhi:
“Hoặc em là bà chủ của ngôi biệt thự này, hoặc em sẽ là một con nha đầu
mãn kiếp ở đây.”
Ở trong nhà thì tuyệt đối sung sướng,
muốn gì cũng được, nhưng bước ra khỏi cổng đều có người đi theo. Kiều
Nhi buộc phải trở thành cái máy đẻ. Rồi nàng cũng mang thai. Sinh con
gái, Kiều Nhi không kịp thấy mặt con. Nó bị bóp cổ chết và ngâm rượu. Đó
là loại rượu chỉ dành cho các đại gia muốn tẩm bổ quả thận và cầu mong
ân sủng của vận hạn. Lần đẻ con thứ hai, may sao là con trai. Sở Từ giữ
đúng lời hứa, Mã Kiều Nhi được giải phóng. Nàng ôm một đống tiền về Hà
Nội mở quán bia ôm.
Mã Kiều Nhi nhờ Đạm Tiên tuyển tiếp viên
và giao Đạm Tiên làm má mì quản lý các em. Không ai xuất sắc hơn Đạm
Tiên trong việc này. Các anh giai muốn chân quê hay hiện đại đều được
đáp ứng. Các kiểu cung đình phương Đông hay quái dị bạo lực phương Tây
cũng đều được phục vụ chu đáo. “Tất cả thế giới trong tầm tay”, đó là
slogan của nhà hàng đặc sản Kiều Tiên.
Sự thành công của Kiều Tiên khiến các bà
Hoạn Thư trong Hội Liên hiệp Phụ nữ ganh tị và phản ứng quyết liệt.
Kiều Nhi và Đạm Tiên phải vào trường phục hồi nhân phẩm với quyết định
cấm hành nghề mại dâm vĩnh viễn.
Kinh tế thị trường với qui luật cung cầu
tự nhiên, mặc dù được định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không thể ngăn
cản Kiều Nhi và Đạm Tiên tiếp tục hành nghề. Bởi xét cho cùng, xã hội
phong kiến Khổng Nho cũng như xã hội xã hội chủ nghĩa đương đại, trong
bản chất luôn tiềm ẩn những ức chế nội tại một cách nóng bỏng nhất. Vì
thế nhu cầu về sự phóng thể trở thành tất yếu đối với toàn xã hội. Thực
hiện hành vi tình dục là một giải pháp thuận tiện và đơn giản để giải
phóng năng lượng và an ủi bản thân mang tính cá nhân. Đồng thời nó cũng
là một hòa giải với căn tính đĩ mang màu sắc xã hội.
Kiều Nhi không bao giờ chết. Nàng tồn
tại vừa như một bản thể vừa như một hiện tượng. Ngay chính Vương Thúy
Kiều cũng không thể vượt thoát được cái mệnh bạc mà tráng lệ ấy khi tìm
đến với cái chết trên sông Tiền Đường.
Để trốn tránh chế độ quản thúc tại địa
phương, Kiều Nhi và Đạm Tiên lên rừng đầu nguồn phục vụ các anh giai
đồng hương Trung Quốc. Nhưng tình trạng mang bầu khống liên miên do tinh
trùng bột của niềm kiêu hãnh Hán hóa rơi vãi vô tội vạ khiến Kiều Nhi
và Đạm Tiên phải bỏ chạy. Các em lại về trong vòng tay âu yếm của anh
trai Việt. Kể từ khi gặp Nguyễn, Mã Kiều Nhi đã là người tình muôn thuở
của tâm hồn Việt. Nàng vẫn dzin trên từng cây số. Vẫn mẫu mực trâm anh
văn hóa thuần Việt.
3.
Mã Kiều Nhi có phải là tín đồ của Linga
không? Nàng chẳng bao giờ thắc mắc về điều ấy. Nàng có cái vốn tự có và
để cho Linga có thể là Linga như nó phải thế, cái Yoni của nàng tung tóe
từ ngõ hẻm đến đại lộ như nó vốn là thế. Nhân phẩm của nàng. Dâng hiến
và bị hãm hiếp.
Từ sâu thẳm, tất cả đều tôn thờ nàng.
Nhưng tất cả đều miệt thị nàng. Vì thế, để xác lập quyền tồn tại và mưu
cầu hạnh phúc, thậm chí mang hạnh phúc đến cho người khác, nàng luôn
bành hai chân dạng háng uy nghi trước mọi nền văn minh nhân loại.
Mã Kiều Nhi kéo đầu từng người áp dí vào
hĩm nàng. Nàng bảo đấy là niềm ân sủng vĩ đại nhất mà con người từng
biết đến. Chẳng có lãnh tụ nào muôn năm như nàng. Thế nhưng Nguyễn vẫn
bảo nàng mệnh bạc. Cái hạnh phúc thật của con người không phải vì đám
đông, cho đám đông. Lẽ ra Vương Thúy Kiều phải thuộc về Nguyễn, hay Mã
Kiều Nhi phải thuộc về tôi chẳng hạn. Nhưng cả Vương Thúy Kiều và Mã
Kiều Nhi đều là người của bá tánh, vì bá tánh và cho bá tánh. Hồng nhan
đa truân.
Cả Vương Thúy Kiều và Mã Kiều Nhi đều không có quyền chọn lựa.
Vì thế, Vương Thúy Kiều lại từ phong
tình cổ lục lặng lẽ bước ra phong trần. Thúy Kiều đi theo Kiều Nhi và
Đạm Tiên mở quán cà phê ôm, hớt tóc massage trên mọi nẻo đường quê hương
của Nguyễn.
Cả ba vừa trực tiếp hành nghề, vừa tuyển
thêm đào nương khi họ làm ăn phát đạt. Đạm Tiên vốn là ma nên nàng biết
đi đâu để tìm các cô gái có nhu cầu muốn làm gái báo hiếu song thân.
Sau khi được Vương Thúy Kiều phỏng vấn, nhiệm vụ dạy nghề cho các cô là
của Mã Kiều Nhi.
Thúy Kiều hoàn toàn thất vọng vì tấm
gương báo hiếu bán mình chuộc cha của nàng đã trở thành một lý do chính
đáng biện minh cho sự xả thân của các cô. Không một cô gái nào bày tỏ ý
muốn làm gái vì vinh quang của nghề hay bản chất đĩ tính của mình. Tất
cả vì hoàn cảnh.
Mã Kiều Nhi nói: “Không một ai nhận
trách nhiệm do mình và vì mình.” Vì thế việc dạy nghề của nàng cũng trở
nên khó khăn hơn. Các cô gái không nhận biết được cái phẩm chất và lương
tâm nghể nghiệp là phục vụ một cách bình đẳng tất cả mọi khách chơi,
không phân biệt giàu nghèo, già trẻ.
Đạm Tiên cũng bảo: “Không một cô gái nào nhìn ra làm gái là con đường duy nhất của mình.”
Nghề làm gái mất đi chất hồng nhan bạc
mệnh và cái tài tình công phu của nghề, mà chỉ còn là một thứ lao động
giản đơn thuần túy kinh tế thị trường. Vì thế, gái bán dâm cũng không
còn là một cảm hứng thi ca như các nàng kỹ nữ xưa kia.
Nhưng nó vẫn là một quá trình văn hóa hình thành bởi các cuộc cách mạng công nghệ và ý thức hệ.
Vương Thúy Kiều, Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên
không những hành nghề bán dâm mà còn luôn đi cùng và đi trước thời đại,
các em có mặt trong mọi thứ văn hóa phẩm từ phim XXX dị tính, đồng tính
và lưỡng tính đến quảng cáo sex toy đủ loại để quảng bá và tạo nên một
thị hiếu nghệ thuật sống mang tính xã hội hài hòa theo tinh thần triết
lý chính trị của Hồ Cẩm Đào tiên sinh.
Tứ hải giai huynh đệ của Khổng Tử là chuyện vặt.
4.
Trong lúc đó, Kim Trọng vẫn yên bề gia
thất và trung quân ái quốc, bất kể vật đã đổi sao đã dời. Tuy thỉnh
thoảng chàng cũng tìm cách mua vui với Vương Thúy Kiều một vài trống
canh. Lỡ khi Thúy Kiều kẹt trong mùa kinh nguyệt thì chàng tìm Mã Kiều
Nhi. Và để cho có ý vị nhân sinh cao cả, chàng cũng thường thoát tục với
Đạm Tiên trong cõi thiền. Tóm lại, còn vua còn mình, chàng đề huề sinh
thái.
Thật ra, chỉ có Mã Kiều Nhi mới biết Kim
Trọng thực hư thế nào. Vương Thúy Kiều không phải không biết, nhưng
nàng vẫn cố giữ thể diện cho chàng. Vì thế, Kim Trọng cho đến muôn đời
sau vẫn là một anh trí thức mà Mao Trạch Đông coi không bằng cục phân.
Những cục phân ấy luôn tự an ủi mình trong cõi ta bà rằng “ăn cây nào
rào cây ấy” theo đúng đạo nghĩa Nho gia.
Những gì Mã Kiều Nhi biết về Kim Trọng
chỉ là vấn đề chất lượng đàn ông. Cái mà Đạm Tiên biết về Kim Trọng mới
thực là con người và niềm tin của chàng.
Bí thư Tỉnh ủy là một trong các chức vụ
không phải cao nhất của Kim Trọng nhưng lại mang đến cho chàng sự viên
mãn nhất. Với chức vụ này, chàng đủ điều kiện để hủ hóa mang tính chất
mặt trận tổ quốc, đồng thời thu vén được cả một gia tài cho con cháu
hưởng lộc đến muôn đời sau. Sử sách ghi chép về giai đoạn này không kể
xiết, thế hệ độc giả thời Google.com có thể truy cứu tài liệu với các từ
khóa như “dự án”, “đất đai”, “mua quan bán chức”, “tham nhũng”, “lợi
ích nhóm” hoặc “đảng”…
Nhưng để đạt được vinh quang, Kim Trọng đã phải nhờ đến Đạm Tiên.
Cứ mỗi cuối tháng âm lịch, Kim Trọng
cùng Thúy Vân đều đến trước mộ Đạm Tiên cúng vái và cầu cơ. Nể tình
Vương Thúy Kiều, Đạm Tiên giúp Kim Trọng tất cả những gì chàng muốn với
một điều kiện duy nhất, Kim Trọng phải tự làm hình nộm khỏa thân của
mình và hóa vàng xuống âm phủ cho nàng. Không ai biết ở thế giới bên kia
Kim Trọng và Đạm Tiên có làm gì với nhau không, nhưng con người còn lại
của Kim Trọng trên dương thế hoàn toàn bị bất lực trong vòng nửa tuần
trăng mỗi lần như thế. Vương Thúy Vân không ghen, bởi vì nàng cần những
thứ khác cũng không kém tình yêu của Kim Trọng.
Giải thích về điều này, Đạm Tiên chỉ
bảo: “Nếu không vong thân tuyệt đối, anh ta sẽ không thể thành công trên
cõi đời.” Riêng Vương Thúy Kiều lại nhìn nhận vấn đề cách khác: “Thật
ra, Kim Trọng cũng chẳng vong thân tha hóa gì cả, con người chàng nó
vậy.” Mã Kiều Nhi thì đơn giản hơn, nàng nói: “Anh Kim Trọng lúc nào
cũng bo rất đẹp.”
Trong lúc Kim Trọng vẫn là một kẻ sĩ mẫu
mực phục vụ chế độ hết mình hết trí khôn, vợ đẹp con ngoan, lợi dụng
chức quyền vun vén tài sản; thì Từ Hải đã trở thành nạn nhân trong các
vụ cướp cạn giữa ban ngày của đám vua quan như Kim Trọng.
Không sống được ở Trung Quốc, Từ Hải
trốn qua Việt Nam cũng chung thân bất mãn. Trải qua nhiều triều đại, từ
vô sản bần cố nông chàng đã đổi đời thành trí thức tiểu tư sản. Karl
Marx, Lenin, Mao Trạch Đông và công an nhân dân không biết xếp chàng vào
loại giai cấp nào để xử lý cho đúng. Về bản chất, Từ Hải vẫn là kẻ vô
sản về mặt kinh tế xã hội, nhưng thái độ chính trị của chàng lại có
những biểu hiện của kẻ ngang ngược và bất định của tên trí thức tiểu tư
sản thành thị.
Từ năm 1956, cùng với phong trào Nhân
văn – Giai phẩm, Từ Hải đã làm những bài thơ mang tính phản kháng và
giễu cợt, nhưng thơ của chàng chỉ được đọc trong những lúc rượu vào lời
ra, vì thế Đảng không chấp. Cũng nhờ thế, thơ của chàng trở thành một
thứ tài sản chung được truyền tụng từ bàn nhậu này tới bàn nhậu khác. Đó
là những năm tháng cùng quẫn nhất của đời chàng. Bất cứ một ý tưởng hay
hành vi nào mang tính khác thường đều bị qui kết là chống chế độ. Mà
chàng vốn là con người mang mầm mống chống đối từ trong máu. Giữ cho
dòng máu ấy không vọt ra là một cực hình. Sự phẫn uất của chàng biến
thành thơ và nỗi cay đắng của chàng biến thành sự u mặc. Cơm áo gạo tiền
biến chàng thành ma cô của Thúy Kiều. Chưa bao giờ chàng lại cảm thấy
số phận mình và Thúy Kiều hòa trộn vào nhau đến thế.
Càng nghĩ đến tình cảnh của mình, Từ Hải
càng u uất. Chàng chìm đắm trong rượu. Nhưng để có rượu uống không phải
lúc nào cũng hào hùng.
Năm 1970. Sau khi từ chiến trường
miềnNamtrở về, Từ Hải lấy một cô bạn cùng khóa ở Đại học Sư phạm làm vợ.
Nhờ gia thế nhà vợ và cũng nhờ cái lý lịch cựu chiến binh, Từ Hải xin
được một chân biên tập của Thông tấn Xã. Cũng từ đây, chàng bắt đầu viết
văn theo đúng tinh thần cán bộ chiến sĩ thi đua người tốt việc tốt và
sinh hoạt chi bộ Đảng. Chàng quên hết những bài thơ châm biếm xưa kia,
phục vụ Đảng tận tụy. Chàng dễ dàng có một chỗ đứng trong hàng ngũ Hội
Nhà văn Việt Nam. Mọi chuyện thật tốt đẹp và tiếp tục tốt đẹp cho đến cả
sau khi thống nhất đất nước.
Năm 1976 chàng chuyển vào Sài Gòn công
tác. Được tận mắt và tiếp xúc với hàng đống sản phẩm văn hóa đồi trụy
của miền Nam bày bán ở khu chợ trời đường Đặng Thị Nhu, Từ Hải hoa mắt
vì các tựa sách mà trước đó ở miền Bắc có mơ cũng không thấy. Càng đọc
càng choáng váng. Từ Hải nhìn thấy ánh sáng của tự do. Chàng mơ hồ nhận
ra con người thật của mình đã ngủ quên bao năm. Nhưng chàng biết không
thể đánh thức nó bởi cái con người thật ấy có thể sẽ làm chàng mất tất
cả.
Bà cô bên vợ chàng vốn di cư từ 1954 đón
tiếp chàng nồng hậu. Biết chàng thiếu thốn vì mới chân ướt chân ráo vào
miền Nam, bà cho vợ chồng chàng tất cả những thứ cần thiết, từ quần áo,
giày dép đến giường tủ, thậm chí cả một chiếc xe đạp, quạt máy và cái
TV. Đó là một gia tài vĩ đại.
Khi nhà nước cho phép cán bộ, công chức
được quyền tham gia hoạt động kinh tế, Từ Hải liền cải biến căn nhà của
mình thành khách sạn cho thuê giờ. Cả Mã Kiều Nhi, Vương Thúy Kiều và
Đạm Tiên đều dẫn khách đến khách sạn của Từ Hải. Vừa là chỗ thân tình,
vừa cũng là để giữ mối, giá thuê phòng của ba nàng được Từ Hải bớt 20%.
Tuy nhiên, mỗi lần dẫn mối cho họ, Từ Hải đòi ăn chia 40% tiền cò.
Vốn trải nghiệm của Từ Hải về cuộc sống
đặc biệt phong phú, nhất là với giới hồng nhan. Vì thế, Từ Hải vẫn ôm
giấc mộng viết một tác phẩm lớn về cái gọi là Vina-đĩ như một biểu tượng
văn hóa người Việt. Nhưng mỗi lần cầm bút, Từ Hải lại nhớ đến Hồ Tôn
Hiến, nhớ đến cái nhục chết đứng của mình, chàng mượn rượu chém gió.
Năm 1972. Không biết từ nỗi ghen ăn tức ở nào, Từ Hải bị vu cáo đã hợp tác với địch khi cùng đồng đội chiếm đóng Huế năm 1968.
Tất cả bạn bè đều sợ hãi xa lánh chàng.
Chi bộ Đảng họp kiểm điểm. Công đoàn họp kiểm điểm. Chi Hội Nhà báo họp
kiểm điểm. Chi Hội Nhà văn họp kiểm điểm. Ai cũng cố tìm một điều gì đó
để kết án chàng. Ai không phát biểu thì được yêu cầu phát biểu, nếu
không có ý kiến sẽ bị qui kết thành đồng lõa.
Từ Hải không nhớ mình đã phải viết bao
nhiêu bản tự kiểm. Từ Hải không biết phải chống đỡ kiểu gì. Chàng suy
sụp. Nguy cơ bị đuổi ra khỏi cơ quan đã ở trước mắt, không kể chàng có
thể bị bắt.
Từ Hải ngủ không được, nuốt không vô.
Những ảo ảnh bay lượn. Hệ thống phản xạ của cơ thể bị tê liệt. Đàm rãi
nhổ không ra, mỗi lần như thế chàng phải há miệng cho sự kinh tởm tự
động rớt xuống đất. Chàng cũng không thể đứng đái. Nước tiểu chỉ có thể
thoát được khi chàng ngồi xuống như đàn bà.
Tuyệt vọng và liều mạng, Từ Hải không
đến cơ quan nữa. Chàng đến nhà Thúc Sinh tìm sự cứu giúp. Bấy giờ Thúc
Sinh đã là một ông lớn trong Ban An ninh Nội chính. Bà Hoạn Thư tiếp đãi
chàng ân cần như người nhà. Thuở ấy, gia đình bà có tiêu chuẩn vào cửa
hàng mậu dịch quốc tế. Từ Hải biết bọn ở cơ quan chỉ là một lũ thượng
đội hạ đạp, nên chàng bảo Hoạn Thư cần gì chàng đi mua giùm, rồi chàng
mang đống đồ của Họan Thư mua theo chế độ đặc biệt đến vất trên bàn mình
ở cơ quan. Bọn chúng nhìn thấy đống đồ xa xỉ và cao cấp ấy đều chóa mắt
và xanh mặt, dù đó chỉ là mấy thước vải ni-lông, chai mật ong và dăm ổ
bánh mì. Chúng hiểu thông điệp của chàng. Và rồi chúng biết chàng là chỗ
quen biết với Thúc Sinh. Thế là án oan quan hệ với CIA của chàng tự
nhiên chìm vào quên lãng.
Mọi mối quan hệ của chàng trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Năm 1968, Từ Hải có mặt ở Huế. Không như
những nhà văn, nhà báo ngồi ở Hà Nội thêu dệt về những người dân Huế
mặc áo mới hân hoan đón đoàn quân giải phóng, dân Huế đã sợ hãi bỏ chạy
như tất cả những nơi có chiến sự. Cho dù chỉ chạy loanh quanh. Nhưng
quan trọng hơn, Từ Hải thấy dân chúng sợ Việt cộng, sợ mình. Hiện thân
của súng đạn và tử thần. Rồi Từ Hải ngỡ ngàng. Chàng đâm ra trắc ẩn. Và
chàng đã chia sẻ. Từ Hải nhường phần ăn của mình cho một gia đình đang
đói. Chẳng may gia đình ấy là một gia đình “ngụy quyền”. Một đồng đội
báo cáo cho cấp trên. Sự nhân đạo được suy diễn và nâng thành quan điểm.
Nó trở thành một vết đen trong lý lịch của chàng. Và trở thành cái cớ
cho những kẻ thù trong Đảng đánh chàng.
Không những thế, Từ Hải còn bị rắc rối
vì một chuyện khác. Cũng năm 1968 ở Huế, chàng báo công đã cứu một anh
cán bộ rất nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của sinh viên Huế bằng
việc dùng dao lam cạo râu mổ an toàn lấy viên đạn ra khỏi chân anh ta.
Sau này, anh cán bộ nằm vùng cũng ra Bắc. Anh ta lại báo cáo một người
khác đã cứu mình trong chiến dịch Mậu Thân ở Huế. Đó chính là thủ
trưởng của anh ta. Từ Hải nghe, chỉ còn biết chửi thề.
Từ Hải vẫn nhớ mãi tâm trạng hụt hẫng
của mình khi rút khỏi Huế. Một số đồng đội của chàng rời hàng ngũ “hồi
chánh” theo địch. Chính chàng cũng đã nhìn thấy một phần của một sự thật
khác về cái miền Nam trong “kìm kẹp Mỹ ngụy” không như mình vẫn tưởng.
Lá cờ Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam trên
kỳ đài Ngọ Môn bị máy bay trực thăng của quân “ngụy” bắn tơi tả.
Từ đó, khi Thúc Sinh nhờ chàng đưa các
em Mã Kiều Nhi, Vương Thúy Kiều, Đạm Tiên đến phục vụ các loại thủ
trưởng, chàng đã rất thản nhiên.
5.
Mã Kiều Nhi nói với tôi: “Em tuổi gà và
cũng như gà, em đi tìm giun, không thấy giun mà chỉ thấy dây thun. Biết
là dây thun nhưng vẫn nuốt.”
Tôi nói: “Anh cũng chỉ là một thứ dây thun thôi. Nuốt vào thắt ruột chết đấy.”
Kiều Nhi bảo cũng chả sao. Nàng khoe vú: “Hàng chuẩn.”
Tôi nhìn-cười-bảo: “Tuyệt.”
Kiều Nhi nói: “Cho hôn đấy.”
Thúy Kiều bất ngờ xuất hiện: “Hàng của nó chỉ là thứ phẩm thôi. Đây mới là hàng xịn.” Rồi nàng cũng vạch vú ra.
Tôi bảo: “Siêu phẩm.”
Nhưng khi Đạm Tiên khoe hàng, ngôn ngữ bỗng trở nên ú ớ. Đạm Tiên dịu dàng: “Nếu anh không đủ đức tin thì cứ bóp thử.”
Tôi không phải Tô-Ma của Chúa Giêsu, nên
tôi tin. Đây là thứ ảo tượng ma quái, nó chỉ tùy thuộc vào cái cảm thức
tiên thiên về bản chất của hiện tượng. Vì thế, bóp hay không bóp cũng
không khác gì nhau. Tôi nói: “Anh chỉ bóp khi biết chính xác nó là thật.
Và vì anh biết nó là thật nên không cần bóp thử.”
Đạm Tiên hỏi: “Vậy thì anh muốn gì?”
Tôi nói như một người đàn ông chân chính: “Anh muốn nó là của riêng anh.”
Đạm Tiên cười: “Không bao giờ. Nó là của
riêng em và em muốn phân phát nó một cách rộng rãi nhất. Nếu anh muốn,
anh cũng có phần.”
Tôi lắc đầu: “Anh ăn bánh trả tiền.”
Đạm Tiên lại cười: “Anh là đồ dây thun. Nhưng em không xài tiền âm phủ.”
Bất ngờ, Thúy Kiều xen vào: “Em biết anh hợp với tuổi gà. Em cũng tuổi gà đấy.”
Đạm Tiên nói: “Em cũng là gà thích nuốt dây thun.”
Cái dây thun của tôi bị kéo căng ra. Ba con gà mái dầu mổ tôi gãy xương sườn.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm dưới đất
trong một căn nhà trống trơn. Nhưng tôi lại nghe thấy những âm thanh kỳ
lạ phát ra từ bốn bức tường, trên trần và dưới nền nhà. Đó là tạp âm
không thể phân biệt giữa những tiếng rên sung sướng và đau khổ. Tôi cũng
ngửi thấy mùi hiu hắt của đất thó, mùi tanh tưởi của tinh trùng, mùi
nếp chín nồng nồng của âm hộ. Tôi có cảm giác như trong âm ty, nhưng ánh
sáng bình minh đang rực rỡ chiếu qua khung cửa. Tôi đã qua một đêm hay
nhiều đêm cũng không thể kiểm chứng. Tôi thử cử động chân tay. Rồi tôi
xoay người ngồi dậy. Đây là thực tại. Những bức tường trắng vẫn rầm rì
những âm thanh của thống khoái và đọa đày. Và tôi nhìn thấy những bức
tường oằn oại. Không phải ảo giác.
Mã Kiều Nhi hỏi: “Anh nuôi em được không?”
Tôi nói: “Nếu em độ cho anh trúng số.”
Kiều Nhi nói: “Em chỉ có thể độ cho anh giải thoát thôi.”
Tôi bảo: “Nhưng anh còn muốn tục lụy.”
Kiều Nhi nói: “Vậy thì anh nên sống với Thúy Kiều.”
Tôi bảo: “Anh không thích tính cách của Thúy Kiều. Mặc dù Thúy Kiều là một mẫu đàn bà nhân hậu.”
Thúy Kiều bước ra khỏi bức tường. Tôi
không còn nghe thấy những âm thanh rầm rì nữa. Thúy Kiều nói: “Em vẫn
luôn là một người yếu đuối.”
Tôi nhìn Kiều. Giống như lúc Kiều ngồi ở
lầu Ngưng Bích. Mặt nàng nhợt nhạt. Sương khói. Tôi cảm thấy ái ngại.
Nhưng tôi có thể làm gì? Tôi không phải Thúc Sinh, Sở Khanh hay Từ Hải.
Tôi không thể đeo mang số phận người khác. Tôi là kẻ nhìn ngắm. Kẻ chơi
chạy. Kẻ phá hủy.
Đạm Tiên ở dưới đất chui lên. Nàng như lửa. Tôi nói: “Em biến anh thành kẻ tham lam.”
Nhưng Đạm Tiên cười: “Anh không biết
lượng sức mình.” Ừ, có lẽ tôi chỉ nói cho sướng miệng. Tuy thế, Đạm Tiên
vẫn đốt tôi bừng bừng cháy. Đạm Tiên là ân huệ, nàng đẩy tôi tới một
cảnh giới trừu tượng mê hoặc. Không còn biết mơ hay thực. Và tôi không
phân biệt được ai là Mã Kiều Nhi, ai là Vương Thúy Kiều, ai là Đạm Tiên.
Tôi bơi trong một không gian lỏng. Mất trọng lực.
Thúc Sinh bảo sân khấu chính trị bây giờ
chỉ toàn bọn sâu bọ và ngu dốt, thằng nào có tư cách một chút thì lại
mê gái. Mã Kiều Nhi bảo: “Đàn ông mê gái mới là người có tư cách.”
Thúc Sinh nói thêm: “Thế nhưng, những người đàn ông đích thực ấy lại bị bọn âm binh biến thành nhơ bẩn.”
Đạm Tiên hỏi: “Anh không phải là phù thủy của bọn âm binh sao?”
Thúc Sinh nói: “Anh về hưu rồi.”
Đạm Tiên bảo: “Các bác về hưu đều rách chuyện.”
Thúc Sinh cười trừ: “Đấy là vấn đề thuộc về cơ chế em ạ.”
Đạm Tiên nói: “Em là ma nên em đi guốc trong bụng tất cả các anh. Các anh chỉ khác nhau ở chỗ thật hay giả.”
Thúy Kiều xen vào: “Em không quan tâm chuyện thật hay giả. Em tin tất cả những ai đến với em, cho dù họ cứng hay mềm.”
Tôi thường xuyên mất trọng lực.
Thúc Sinh quàng tay ôm vai Thúy Kiều, nói: “Nếu như có thể bắt đầu lại, chắc chắn tôi sẽ làm khác, sống khác.”
Từ Hải hỏi: “Anh biết sai từ bao giờ?”
Thúc Sinh đáp: “Ngay sau khi vào Đảng.”
Từ Hải lại hỏi: “Đảng sai từ bao giờ?”
Thúc Sinh đáp: “Ngay sau khi thành lập.”
Từ Hải hỏi tiếp: “Người thành lập Đảng sai từ bao giờ?”
Thúc Sinh im lặng một lúc rồi nói: “Từ
Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại Tours tháng 12.1920, gia nhập
Cộng sản Quốc tế thứ ba và trở thành một trong những sáng lập viên của
Đảng Cộng sản Pháp.”
Từ Hải nói: “Đáng lẽ chúng ta chỉ nên vui chơi.”
Thúc Sinh nói: “Cách mạng cũng là một cuộc chơi.”
Từ Hải bảo: “Chúng ta mất quá nhiều.”
Vương Thúy Kiều nói: “Cả hai anh đều không còn giống như hồi mới gặp em.”
Đạm Tiên nói: “Nếu không có Mao Trạch
Đông thì các anh vẫn phong kiến.” Thúc Sinh cười: “Thời đại Mao Trạch
Đông chỉ là bình mới rượu cũ. Vẫn là một thứ trung quân ái quốc vô điều
kiện. Chuyên chính hơn vì thế cũng ít nhân tính hơn.”
Mã Kiều Nhi nói với tôi: “Từ Hải đã biến thái. Thúc Sinh cũng biến thái.”
Tôi bảo: “Anh cũng biến dạng.”
Mã Kiều Nhi cười: “Anh từ xấu giai đến xấu lão.”
Tôi cũng cười: “Lẽ ra, đàn ông khi về già thường đẹp hơn nhờ từng trải và tự tại.”
Mã Kiều Nhi nói: “Anh xấu vì lúc nào cũng thảng thốt.”
Tôi bảo: “Anh tưởng mình nham nhở.”
Mã Kiều Nhi xoa đầu tôi: “Thực ra, anh rất dở hơi.”
Tôi ngả đầu vào lòng Mã Kiều Nhi: “Đó là những vết thương. Những cơn đau bất chợt. Và ám ảnh bởi cái chết.”
Mã Kiều Nhi hỏi: “Tại sao lại có những vết thương. Chiến tranh ư?”
Tôi nói: “Không. Nạn nhân của hòa bình.”
Mã Kiều Nhi nói: “Em không hiểu.”
Tôi bảo: “Giết người hay phủ nhận người
khác trong hòa bình bao giờ cũng tàn nhẫn hơn thời chiến, bởi nó vô lý
và vô nhân tính. Chúng ta bị giết mỗi ngày. Điều này không phải ai cũng
nhận ra.”
Mã Kiều Nhi lắc đầu: “Em không quan tâm. Nhưng em lo nghĩ về anh.” Nàng nói thêm: “Anh cần được thoải mái.”
Tôi không nói nữa. Và tôi nằm xuống.
Bốn bức tường xung quanh tôi lại rầm rì.
Tôi nghe những tiếng đàn ông huyên
thuyên. Đè lên nhau. Đan xéo nhau. Mỗi lúc một dày hơn. Và rồi không còn
những bức tường xi măng nữa, chỉ là những tiếng nói dựng lên, bao kín.
Những bức tường tiếng nói che khuất tôi, hay che khuất chung quanh. Và
rồi nó trở nên quá mức chịu đựng. Tôi muốn hét lên. Nhưng tôi hét không
ra tiếng. Đúng lúc ấy, tôi thấy Mã Kiều Nhi đè lên tôi.
Rồi tôi nghe những tiếng chạy thình
thịch trên mặt đất. Người tôi nẩy lên. Tôi cần thoát ra khỏi chỗ này.
Tôi nghĩ thế, nhưng tôi bất lực. Mã Kiều Nhi vẫn đè trên tôi. Mùi của
nàng thiên cổ.
Tôi mở mắt. Đạm Tiên đứng trên đầu tôi. Ở tư thế nằm, tôi thấy Đạm Tiên sừng sững và đang trút xuống, như thác.
Tôi muốn nói: “Em đừng biến đi”, nhưng tôi nói không thành lời. Rồi người tôi bỗng nhẹ hẫng.
Mã Kiều Nhi nói: “Anh cứ nằm nghỉ đi.”
Thế giới quanh tôi như không có, chưa
có. Khởi thủy chỉ có lời. Nhưng lời không hiện diện. Tôi há miệng cho
lời tuôn ra. Nhưng chỉ có gió. Gió thông suốt từ trong ra ngoài và từ
ngoài vào trong. Tôi xoay người nằm nghiêng. Vẫn chỉ thấy gió.
Từ Hải hỏi Thúc Sinh: “Làm thế nào để sửa sai?”
Thúc Sinh nói: “Có hai cách. Một là ra khỏi Đảng. Hai là xóa bỏ Đảng.”
Từ Hải lắc đầu. Ý nghĩ ấy chưa bao giờ có trong đầu chàng. Từ Hải hỏi: “Không có cách thứ ba sao?”
Thúc Sinh nói: “Tất cả các cách còn lại đều vô ích.”
Từ Hải hỏi tiếp: “Anh chọn cách nào?”
Thúc Sinh nói: “Không chọn cách nào cả.”
Từ Hải hỏi mà dường như không nhắm vào ai: “Vậy thì chúng ta đang vui chơi, hay làm cách mạng?”
Thúc Sinh cười, nói: “Chúng ta đang kiếm ăn.”
Từ Hải bỗng tràn ngập một mối hoài cảm
về cái ngày chàng đầu hàng Hồ Tôn Hiến. Niềm tin chỉ dành cho bọn ngây
thơ. Cùng lúc, Thúc Sinh có một niềm hưng phấn khác, bảo: “Bất kể thời
đại nào, buôn thần bán thánh, hoặc mua quan bán chức đều rất ngon ăn.
Cậu nên theo tôi.”
Từ Hải nhớ lại việc Vương Thúy Kiều phải
bán mình chuộc cha, chàng quyết định theo Thúc Sinh. Họ môi giới buôn
bán từ một chỗ làm nhỏ mọn đến những địa vị cao sang nhất. Họ ăn tiền cò
cả bên bán và bên mua. Và họ còn được cả ơn nghĩa.
(Còn 4 kì)
© 2013 Nguyễn Viện & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét